Càng hiện đại càng tiết kiệm chi phí, tại sao giá nước vẫn cao?
(Dân trí) - “Anh nói quy trình của anh hiện đại, nhưng càng hiện đại thì điện tiêu thụ càng ít. Các anh nói tự động hoá rất cao, thì một trong những mục tiêu của việc tự động hoá là để đảm bảo an toàn hệ thống, tiết kiệm nhân lực, như vậy nhân công không cao. Lý do gì mà giá lại gấp đôi nơi khác?”, một chuyên gia ngành nước nêu câu hỏi.
Đó là quan điểm của ông Trần Quang Hưng, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng thư ký hội Cấp thoát nước Việt Nam tại “Toạ đàm về Giá nước sinh hoạt” diễn ra sáng nay (28/11) tại Hà Nội.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Hưng cho rằng, nên dùng tư vấn độc lập để xác định giá nước. Để thấy được, các doanh nghiệp đó sử dụng hết bao nhiêu chi phí cho hoá chất, điện, nhân công. Vì nếu doanh nghiệp tự kê khai thì người dân sẽ không tin tưởng.
Theo đó, các đơn vị tư vấn độc lập sẽ có thể tính toán được lượng hoá chất mà nhà máy sử dụng, dù nguồn nước tại sông Đuống có ô nhiễm hơn sông Đà như nhiều người nói.
Hơn nữa, theo quan điểm của nguyên Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, việc doanh nghiệp nói rằng quy trình hiện đại sẽ tốn kém, nhưng càng hiện đại thì tiêu thụ điện càng ít. Chưa kể, nếu tự động hoá cao thì sẽ tiết kiệm nhân lực, ít tốn chi phí nhân công. Vì thế, việc tăng giá gấp đôi nơi khác là chưa rõ lý do.
Đồng tình với quan điểm của ông Hưng, ông Nguyễn Trọng Dương - Phó viện trưởng Viện Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, máy móc hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí.
Ví dụ, máy biến tần làm cho máy bơm quay lúc nhanh lúc chậm, đáp ứng theo yêu cầu về áp lực, nên rất tiết kiệm điện. Hay ví dụ như hiệu suất bơm hiện nay rất tốt, cũng làm giảm được chi phí vận hành.
Do đó theo ông Dương, các cơ quan chức năng có thể dựa vào các yếu tố này để thẩm định về giá nước.
Tuy nhiên, điều đáng nói theo ông Hưng là giá nước không quan trọng bằng chất lượng dịch vụ. Các doanh nghiệp phải cung cấp nước đạt chất lượng theo tiêu chuẩn của bộ y tế. Hơn nữa tính dịch vụ phải liên tục, lúc nào mở vòi ra cũng phải có nước, áp lực nước cũng phải đảm bảo.
“Chứ chất lượng nước không đảm bảo, nay có mai mất mà có đòi thu cao thì không có. Dân không muốn như vậy. Cái người dân cần là chất lượng dịch vụ tốt, giá bán nước minh bạch. Các doanh nghiệp cứ tính đúng, tính đủ chứ dân không xin! Vì nó liên quan đến đời sống, tương lai của nhiều thế hệ”, ông Hưng khẳng định.
Gần đây, nhiều thông tin về việc nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ bán buôn với giá trên 10 nghìn đồng/khối. Đại diện Sở Tài chính thành phố Hà Nội, ông Mai Xuân Vinh cho biết, đó là giá tạm tính, vì toàn bộ dự án này chưa được kiểm toán. Hiện nay, thành phố Hà Nội đang rà soát và điều chỉnh lại giá nước sạch theo quy định. Còn thông tin về giá trên 10 nghìn đồng/khối là chưa chính xác.
Hiện nay, theo tính toán của các chuyên gia ngành nước dựa trên các hoá đơn tiền nước của người dân thì, trung bình mỗi người ở Hà Nội sử dụng từ 100 - 150 lít/ngày. Giả sử lấy mức giá 10.000 đồng/khối, thì mỗi người sẽ mất 1,5 nghìn đồng/ngày.
Thế Hưng