DMagazine

"Không phải lúc để nghĩ nhiều về con số tăng trưởng GDP"

(Dân trí) - PGS Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhận định khi dịch bệnh bùng phát, ưu tiên hàng đầu là chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo hoạt động sản xuất, tiêu dùng thông suốt.

Không phải lúc để nghĩ nhiều về con số tăng trưởng GDP - 1

TPHCM tiến hành giãn cách xã hội để chống dịch với chủ trương "chấp nhận hy sinh ngắn hạn để bảo vệ lợi ích lâu dài". Ông đánh giá thế nào về quyết định này?

Đây là quyết sách hết sức đúng đắn và kịp thời. Trước đó, khi có một số ca nhiễm liên quan đến các vùng dịch ở phía Bắc với mức độ lây lan chưa lớn, TPHCM cố gắng phong tỏa cục bộ từng điểm xuất hiện ca nhiễm riêng lẻ. 

Nhưng ngay khi nhận thấy sự nguy hiểm của ổ dịch từ nhóm truyền giáo Phục Hưng, lãnh đạo TPHCM đã có chủ trương giãn cách xã hội trên toàn thành phố theo Chỉ thị 15 và áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc thuộc quận 12. 

Đây là chủ trương đúng của TPHCM khi chấp nhận hy sinh một phần kinh tế để chống dịch với mục tiêu hàng đầu là bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ngay từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 lần đầu xuất hiện ở Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra thông điệp nhất quán về việc sức khỏe người dân là ưu tiên quan trọng nhất. 

Sau khi TPHCM giãn cách xã hội, một số địa phương ban hành quy định cách ly cứng nhắc với người về từ TPHCM rồi lại thay đổi ngay. Phải chăng một số địa phương lúng túng trong việc cân đối giữa chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội?

Đến lúc này, một số tỉnh, thành chưa có quá nhiều kinh nghiệm chống dịch khi chưa có các đợt bùng phát lớn. Một số tỉnh giáp ranh với TPHCM vừa qua đã máy móc, nhanh chóng ra quyết định cách ly người dân ở bất kỳ địa điểm nào của thành phố vì họ cho rằng cả TPHCM là vùng dịch.

Người đứng đầu mỗi tỉnh đều lo lắng cho sức khỏe người dân, công tác phòng chống dịch của địa phương đó. Nhưng những quyết định như vậy cho thấy địa phương đó nóng vội, thiếu kinh nghiệm, chưa cân nhắc kỹ lưỡng. Những quyết sách này khi ban hành đã gây ra một số trở ngại, thiệt hại, xáo trộn không cần thiết cho nền kinh tế. 

Nếu ví cả nước như một lớp học, TPHCM là cậu học trò xuất sắc, luôn được thầy cô giao nhiều bài tập khó, ngoài việc làm tốt bài tập của mình còn phải giúp đỡ bạn bè xung quanh. TPHCM cùng lúc phải đảm đương nhiều mục tiêu khác nhau, vừa chống dịch, vừa là đầu tàu kinh tế, tạo động lực tăng trưởng cho cả nước, vừa đảm bảo chỉ tiêu nộp ngân sách, vừa hỗ trợ y tế giúp các địa phương khác chống dịch.

Không phải lúc để nghĩ nhiều về con số tăng trưởng GDP - 3

Mỗi quyết định của TPHCM đều phải thực hiện rất nhanh với tinh thần "chống dịch như chống giặc" nhưng đồng thời được cân nhắc kỹ lưỡng. Mọi lệnh phong tỏa ở đâu, trong phạm vi nào, kéo dài bao nhiêu ngày đều được TPHCM tính toán cẩn thận. Vì nếu làm không khéo, TPHCM có thể chống dịch thành công nhưng không hoàn thành mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế, chỉ tiêu thu ngân sách.

Trong khi đó, các địa phương khác không chịu những chỉ tiêu thu ngân sách quá nặng như vậy. Có thể họ cho rằng chỉ cần phong tỏa người về từ vùng dịch là chống dịch thành công.

Đây là cách suy nghĩ quá máy móc. Trong khi đó, Chính phủ đã nhiều lần quán triệt chống dịch thành công nhưng phải đồng thời đạt mục tiêu kép, không ngăn sông cấm chợ, làm ách tắc việc lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng đời sống người dân.

Không phải lúc để nghĩ nhiều về con số tăng trưởng GDP - 5

- Theo ông, tác động của đợt dịch Covid-19 hiện tại lên nền kinh tế khác gì so với các đợt bùng phát trước đây?

Dịch Covid-19 đã bùng phát lần 4 tại nước ta. Mỗi lần bùng dịch đều gây ra hiệu ứng giống nhau khi các hoạt động kinh tế phải thu hẹp lại để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Việc dịch bệnh cứ thuyên giảm rồi bùng phát lại liên tục như những cú đấm vào sức chịu đựng của nền kinh tế ở cả khía cạnh cầu và lẫn cung. 

Năm 2020, kinh tế Việt Nam đã chịu nhiều tác động tiêu cực của các đợt bùng dịch nhưng chúng ta vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, các động cơ tăng trưởng. GDP của Việt Nam vẫn tăng 2,9%.

Sự thành công trong việc thực hiện mục tiêu kép đến từ nhiều lý do. Trong đó, ngoài các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, một yếu tố quan trọng đóng góp vào mức tăng trưởng dương của kinh tế Việt Nam là sự chống chịu, khả năng gồng gánh của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. 

Các doanh nghiệp đã tự mày mò, tìm cách thích nghi với điều kiện dịch bệnh. Họ sử dùng nguồn lực sau thời gian dài tích trữ để chịu đựng. Có những doanh nghiệp dừng hoạt động nhưng vẫn chi trả nhiều chi phí như mặt bằng, lãi vay, trả lương tối thiểu giữ chân người lao động nhờ vào nguồn quỹ để dành trước đây. 

Một trong những đặc tính của người Việt là tiết kiệm. Từ những người lao động bình dân đến người làm ăn luôn có những khoản dành dụm phòng trường hợp đột xuất. Chính các khoản dành dụm đó giúp doanh nghiệp, người dân chống chịu, tồn tại qua năm 2020. 

Nhưng các khoản dành dụm cũng đã vơi đi. Câu hỏi đặt ra lúc này là sức chịu đựng của doanh nghiệp liệu có còn được như năm ngoái hay không. Đây là vấn đề rất thách thức vì doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế. Nếu họ không chống chịu được, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Vậy doanh nghiệp cần thêm sự hỗ trợ gì từ Chính phủ để vượt qua tác động của đợt bùng phát dịch lần này?

Các gói hỗ trợ doanh nghiệp ban hành trước đó đều rất tốt, bao hàm đầy đủ nội dung về cả tài chính, cơ chế, chính sách. Chúng ta không thiếu chính sách hỗ trợ, hồi phục, phát triển kinh tế trong ngắn hạn lẫn dài hạn. 

Không phải lúc để nghĩ nhiều về con số tăng trưởng GDP - 7

Điều quan trọng không phải là thay đổi chính sách hỗ trợ mà phải đi sâu vào thực thi. Người dân, doanh nghiệp cần sự nóng lên của cả bộ máy chính quyền. Tất cả các cấp phải quyết liệt hành động, thực hiện theo những nội dung Chính phủ đã ban hành. 

Đơn cử như nếu hỗ trợ tiền cho người dân, cần có những kênh để tiền đến tay người dân nhanh nhất. Nếu hỗ trợ chính sách thuế cho doanh nghiệp, cần sự vào cuộc của tất cả cơ quan thuế ở địa phương. Ngay lúc này, doanh nghiệp cần các cơ quan chức năng hạn chế các cuộc thanh tra, kiểm tra, giảm bớt thủ tục hành chính, các quy định bất cập.

Không phải lúc để nghĩ nhiều về con số tăng trưởng GDP - 9

Công thức "đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng" sẽ tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh quay lại?

"Cỗ xe tam mã" gồm đầu tư công, tiêu dùng, xuất khẩu đã tạo động lực cho nền kinh tế vượt qua đại dịch, tăng trưởng dương năm 2020. Nhưng bài toán hiện tại là làm thế nào để duy trì "cỗ xe tam mã".

Hàng hóa để tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đều đến từ năng lực sản xuất trong nước. Đợt dịch Covid-19 lần này bùng phát ở Bắc Ninh, Bắc Giang - các trung tâm sản xuất linh kiện, vật tư cho nhiều nhà máy, ngành nghề khác trên khắp cả nước. Nếu hoạt động sản xuất ở Bắc Ninh, Bắc Giang tê liệt, chuỗi giá trị sản xuất trên cả nước cũng sẽ gián đoạn. "Cỗ xe tam mã" sẽ không còn được như trước nếu thiếu hụt hàng hóa cho tiêu dùng, xuất khẩu.

Vì vậy, song song với việc chống dịch, chúng ta vẫn phải đảm bảo hoạt động sản xuất thông suốt. Tôi đánh giá cao chính sách ưu tiên cho công nhân ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh được tiêm vắc xin Covid-19. Đây là quyết sách đúng đắn để đảm bảo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản xuất của cả nước vì đó là các mắt xích rất quan trọng. 

Đại dịch Covid-19 khiến các chính phủ, nền kinh tế nhìn nhận đúng hơn về vai trò của thị trường nội địa, sức mạnh của sự tự chủ, tự lực, sức tiêu dùng trong nước. Dịch bệnh bùng phát làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất. Một nền kinh tế quá lệ thuộc vào các nhà cung ứng bên ngoài, thị trường xuất khẩu sẽ tê liệt vì đại dịch.

Không phải lúc để nghĩ nhiều về con số tăng trưởng GDP - 11

Đầu năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đưa ra dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. Nhưng những chỉ tiêu này được đưa ra khi chưa xuất hiện biến cố dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Ông đánh giá thế nào về khả năng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng này?

Đây không phải là thời điểm để suy nghĩ quá nhiều về việc kinh tế của chúng ta phải tăng trưởng bao nhiêu phần trăm trong năm nay. Những chỉ tiêu tăng trưởng được Quốc hội, Chính phủ thông qua là con số để chính quyền, doanh nghiệp, người dân cả nước cùng cố gắng phấn đấu đạt được. Nhưng đó là kỳ vọng trong điều kiện bình thường.

Còn khi dịch bệnh bùng phát, ưu tiên trước mắt, quan trọng nhất là chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo hoạt động sản xuất, tiêu dùng thông suốt. Chúng ta không nên nghĩ quá nhiều về con số tăng trưởng mà cần tìm cách thích ứng với điều kiện dịch bệnh hiện nay.