Không lẽ người dân phải “giải cứu" than cho TKV?

(Dân trí) - Khi chi phí đầu vào cho ngành điện tăng vì mua than của TKV, sẽ đẩy nguy cơ tăng giá điện và đối tượng chịu trận cuối cùng là có lẽ chính là người dân.


EVN giảm mua sẽ khiến lượng tồn kho than của TKV tăng thêm 2 triệu tấn. Ảnh: Đầu tư

EVN giảm mua sẽ khiến lượng tồn kho than của TKV tăng thêm 2 triệu tấn. Ảnh: Đầu tư

Lẽ đâu EVN phải "cứu" TKV

Trước đây, từ tháng 8/2014, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của lãnh đạo Chính phủ giao nhiệm vụ cho Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc chịu trách nhiệm cung cấp than trong nước và làm đầu mối nhập khẩu than cung cấp cho nền kinh tế.

Sau một thời gian dài, quy định trên đã “trói buộc” số phận các nhà máy nhiệt điện trong nước vào TKV. Giờ đây, khi TKV đang “ế” hàng triệu tấn than, một lần nữa “trách nhiệm giải cứu” lại đặt nặng lên các nhà máy nhiệt điện.

Tại buổi làm việc mới đây với Tổ công tác Chính phủ, Tổng giám đốc TKV, Đặng Thanh Hải cho biết, TKV đang gặp phải một khó khăn nan giải đó là tồn đọng 9,3 triệu tấn than chưa tiêu thụ được. Thời điểm cuối năm 2012, tồn kho than còn lên tới 12 triệu tấn. Ông Hải nhấn mạnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) muốn giảm mua than từ TKV năm 2017, từ 19,92 triệu tấn giảm xuống còn 17,92 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so với kế hoạch ban đầu.

“Việc EVN giảm mua sẽ khiến lượng tồn kho than tăng thêm 2 triệu tấn. Nhiệm vụ của TKV là năm nay sẽ phải khai thác thêm 2 triệu tấn để đóng góp cho tăng trưởng GDP cả nước. Do đó, tồn kho dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao”, ông Hải nói hơn 4.000 lao động TKV có thể mất việc, một số hầm lò đóng cửa vì quyết định từ phía EVN.

Do vậy, ông Hải kiến nghị Chính phủ chỉ đạo EVN và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) chưa mua than của các đơn vị ngoài TKV và Tổng công ty Đông Bắc trong năm 2017.

Nếu EVN phải tăng mua, chính người tiêu dùng "chịu trận"

Sở dĩ, than của TKV “ế” một phần xuất phát từ yếu tố giá cả, chất lượng. Chẳng hạn, than cám 4b nhập khẩu có giá chỉ khoảng 1,4-1,6 triệu đồng/tấn, trong khi giá than khai thác của TKV đắt hơn 500.000 đồng/tấn. Hay như than cám 3b, nhập khẩu giá 1,7 triệu đồng/tấn, nhưng giá than trong nước sản xuất cũng cao hơn.

Việt Nam đã và đang xây dựng nền kinh tế thị trường, ở đó các doanh nghiệp phải chấp nhận luật chơi, sản phẩm làm ra chỉ được chấp nhận khi có sức cạnh tranh.


Nếu EVN tăng mua than với giá bất hợp lý, chính người tiêu dùng sẽ phải gánh vì chi phí mua than sẽ lại đưa vào giá thành sản xuất điện

Nếu EVN tăng mua than với giá bất hợp lý, chính người tiêu dùng sẽ phải gánh vì chi phí mua than sẽ lại đưa vào giá thành sản xuất điện

Trở lại quan hệ giữa TKV, EVN và người tiêu dùng, việc EVN mua than cho TKV sẽ không thành vấn đề nếu giá than của tập toàn có sức cạnh tranh so với than nhập khẩu. Song mua than giá cao đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất điện sẽ tăng cao, đẩy nguy cơ tăng giá điện. Người tiêu dùng sẽ là đối tượng phải chịu cuối cùng, họ phải “móc túi chi thêm” khi giá điện tăng. Một bên là TKV, còn một bên là người tiêu dùng, EVN ở vào thế khó.

Một lãnh đạo cấp cao của EVN cho biết, đầu năm 2017 đã phải nâng giá mua than từ TKV khiến chi phí sản xuất nhiệt điện tăng thêm khoảng 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, giá bán điện không tăng, việc tăng giá mua than đã “ăn mòn” lợi nhuận của tập đoàn, nguy cơ đẩy giá bán điện cao.

Đặc biệt, quy định TKV và Tổng công ty Đông Bắc làm đầu mối cung cấp than trong nước và nhập khẩu than cũng được cho là không đúng vớii quy luật thị trường. Chẳng hạn, trong nước nhiều đơn vị áp dụng công nghệ cao, tiết giảm chi phí trong khai thác khiến giá bán than cạnh tranh nhưng vẫn phải thông qua TKV và Tổng công ty Đông Bắc để phân phối than ra thị trường. Như vậy, quy định trên làm thêm một khâu trung gian, đẩy giá than cao hơn khi ra thị trường.

Trong khi đó, ngành điện đang từng bước xây dựng thị trường bán buôn điện cạnh tranh chuẩn bị tiến tới vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Việc mua bán than cho nhiệt điện phải được tự do, tối ưu hoá chi phí, tiến tới người dân có quyền được lựa chọn nơi mua điện giá cạnh tranh nhất.

Giới chuyên gia cho rằng, đề nghị EVN mua 2 triệu tấn than của TKV rất khiếm nhã trong nền kinh tế thị trường. Bản thân EVN cũng đang trong cuộc đổi mới toàn diện để nâng cao vị thế, sức cạnh tranh. Vì vậy việc “giải cứu than” cho TKV có thể kéo lùi công cuộc nâng cao sức cạnh tranh của EVN.

Đặc biệt, lời đề nghị “giải cứu” còn cho thấy những yếu kém cố hữu của một tập đoàn nhà nước như TKV đó là công nghệ lạc hậu, đầu tư ngoài ngành, dự án dở dang, thua lỗ… Câu chuyện tồn kho than cả triệu tấn luôn dai dẳng từ năm này qua năm khác. Nền kinh tế thị trường, đặc biệt nhân dân sẽ không chấp nhận một "ông lớn” nhà nước mỗi khi “hắt hơi xổ mũi” lại đòi được giải cứu.

Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2015, tổng tài sản tập đoàn đạt 138.526 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 38.182 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 478 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả lên tới 100.343 tỷ đồng. Thị trường, người dân sẽ không chịu “còng lưng” chấp nhận bỏ tiền nuông chiều một tập đoàn khi kinh doanh gặp khó.

Vấn đề cốt lõi nằm ở ngay chính bản thân TKV đó là làm sao để hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh. Đổ lỗi cho ngành điện giảm mua than không phải là cách giúp tập đoàn vượt qua khó khăn. TKV phải tự "giải cứu" chính mình đó giải bài toán giá thành bằng việc đổi mới công nghệ, tiết giảm chi phí. Khi giải được bài toán này thì các hầm lò sẽ không bị đóng cửa, người thợ mỏ có việc làm, và trên hết người tiêu dùng sẽ được lợi.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, TKV kêu khó khăn vì than tồn rất lớn, Bộ đã có buổi làm việc với hai đơn vị.

Thứ trưởng nhấn mạnh việc ưu tiên sản xuất trong nước, ưu tiên sử dụng TKV bởi đối với tập đoàn, việc tiêu thụ còn liên quan đến 113.000 lao động, nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc thị trường.

“Bất kỳ hàng hóa, sản phẩm nào cũng cần đảm bảo yếu tố cạnh tranh về giá cả, chất lượng trên thị trường. Đó cũng là lí do vì sao thời gian qua có nhiều doanh nghiệp nhập khẩu than trong quá trình sản xuất, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh của yếu tố thị trường”, Thứ trưởng nói.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khi làm việc với TKV về việc tồn kho tăng cao đã liên tục nhấn mạnh tập đoàn phải có biên pháp hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh. “TKV cần nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án, giảm chi phí sản xuất và giảm giá thành, nâng cao năng suất, năng lực quản trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, tăng tăng tính tự chủ về tài chính, tổ chức của các đơn vị sự nghiệp”, Bộ trưởng nói.

Hà Anh