EVN xin giảm mua than, nhiều lao động ngành than nguy cơ mất việc
(Dân trí) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất điều chỉnh lại nhu cầu sử dụng than của Tâp đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) năm 2017 giảm 2 triệu tấn khiến lãnh đạo TKV lo ngại, sẽ có hàng ngàn lao động sẽ mất việc làm, tương đương với một mỏ than hầm lò bị đóng cửa.
4.000 người lao động lo "mất việc"
Báo cáo tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm trưởng ban diễn ra sáng 19/6, ông Đặng Thanh Hải - Tổng Giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, ngày 26/5 vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có báo cáo Bộ Công Thương về việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN.
Theo đó, EVN đề xuất điều chỉnh lại nhu cầu sử dụng than của TKV năm 2017 từ 19,92 triệu tấn giảm xuống còn 17,92 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so với kế hoạch để tăng tương ứng mua than của 2 đơn vị mới.
Theo lãnh đạo TVK, EVN giảm mua sẽ khiến lượng tồn kho than tăng tương ứng thêm 2 triệu tấn. Hiện tồn kho than tính đến tháng 6/2017 ở mức 9,3 triệu tấn. Chưa kể, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lượng tồn kho dự kiến tiếp tục tăng do TKV sẽ phải tăng sản lượng khai thác thêm 2 triệu tấn nhằm tăng đóng góp cho tăng trưởng GDP cả năm.
Đồng thời, ảnh hưởng tới đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động. Nếu tính theo năng suất lao động bình quân của TKV năm 2016 vào khoảng 521 tấn/người/năm thì có hàng ngàn người lao động sẽ mất việc làm, tương đương với một mỏ than hầm lò bị đóng cửa. Điều này cũng kéo theo an ninh trật tự trên địa bàn bị ảnh hưởng và nộp ngân sách Nhà nước sẽ bị giảm sút.
Trong trường hợp cắt giảm sản lượng cũng sẽ gây thiệt hại cho TKV do đã ký hợp đồng với các đối tác để triển khai kế hoạch từ đầu năm 2017 như: hợp đồng thuê máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng mua sắm vật tư…
TKV kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo EVN và PVN chưa mua than của các đơn vị ngoài TKV và Tổng Công ty Đông Bắc trong năm 2017. Đồng thời, đề xuất việc cấp than từ các hộ khác (ngoài TKV và Tổng Công ty Đông Bắc) cho EVN và PVN chỉ thực hiện từ năm 2018.
Tại buổi làm việc, ông Hải cũng cho biết, dù năng suất lao động của TKV trong năm 2016 đã tăng gấp 1,4 lần so với năm 2005 và tăng gần 4,2 lần so với năm 1995 nhưng do điều kiện khai thác khó khăn, đầu tư công nghệ và gánh nặng thuế phí khiến giá thành sản xuất than vẫn có xu hướng tăng trong những năm qua. Cụ thể, chi phí đầu tư công nghệ làm tăng giá thành so với năm 2011 là 1.800 tỷ đồng; chi phí khấu hao và lãi vay khiến tăng giá thành 1.900 tỷ đồng và thuế, phí làm tăng tới 3.200 tỷ đồng; ngoài ra tiền lương và yếu tố đầu vào khác như xăng dầu cũng khiến đội giá thành hàng nghìn tỷ đồng.
Tăng năng suất, giảm chi phí
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: "Để doanh nghiệp chủ động nhập khẩu theo thị trường, nhưng than trong nước phải ưu tiên. Tuy nhiên, theo nguyên tác thị trường, phải có giá bán cạnh tranh ít ra phải bằng và thấp hơn doanh nghiệp nhập khẩu, đảm bảo ưu tiên theo đúng cam kết quốc tế về thị trường".
Còn theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: "Đề nghị Bộ Công Thương có giải pháp cấp bách tiêu thụ lượng than tồn kho, quan điểm Thủ tướng là không cắt giảm tiêu thụ lượng than do TKV cung cấp cho EVN".
Với lượng than tồn kho, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, nếu đảm bảo than sau chế biến, than sạch thì đề nghị Bộ Công Thương xem xét hạn ngạch để xuất khẩu.
Bộ trưởng cũng cho rằng nếu không sớm có giải pháp thì lượng tồn kho than lớn sẽ là vấn đề trở ngại cho tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh của tập đoàn. Do đó, một mặt Chính phủ quan tâm đến các cơ chế chính sách, tạo thuận lợi để tập đoàn hạ giá thành sản phẩm, mặt khác TKV phải nỗ lực đổi mới quản trị, giảm chi phí, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.
"Thủ tướng chỉ đạo trước mắt TKV cần tập trung giải quyết xử lý các sản phẩm tồn đọng, đặc biệt là 9 triệu tấn than tồn kho, gắn với đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan cũng như ngăn chặn tình trạng khai thác than trái phép, than lậu, giảm thất thoát. TKV cũng cần nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án, giảm chi phí sản xuất và giảm giá thành, nâng cao năng suất, năng lực quản trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, tăng tăng tính tự chủ về tài chính, tổ chức của các đơn vị sự nghiệp", Bộ trưởng cho biết.
Phương Dung