Không cần mua ủng hộ, ở nhà tránh dịch cũng giúp nông dân bán vải online

Thế Hưng

(Dân trí) - Thay vì mua vài kg vải ủng hộ người trồng vải Bắc Giang, người dân có thể trở thành đầu mối tiêu thụ vải giúp bà con nông dân vượt qua khó khăn của đại dịch, thông qua các sàn thương mại điện tử.

Năm 2021, sản lượng vải trên toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 180.000 tấn. Đây là con số rất lớn, bởi năm nay, vải Bắc Giang được mùa. Tại một số địa phương, sản lượng thậm chí còn gấp 3 lần năm trước. 

Sản lượng lớn nhưng tỉnh Bắc Giang dự kiến sẽ chỉ xuất khẩu khoảng 30%, còn lại được tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, khó khăn trong lưu thông cũng khiến người trồng vải có phần lo lắng. 

Đứng trước những trăn trở đó của người trồng vải, anh Đỗ Xuân Thắng, CEO của Cuccu.vn, đã thực hiện dự án "Đồng hành online, bán vải Bắc Giang". Dự án này cho phép người bán và người mua có thể dễ dàng kết nối được với nhau thông qua một ứng dụng.

Theo anh Thắng, điều ý nghĩa nhất của dự án là ai cũng có thể trở thành một "thương lái" bán vải online, từ học sinh, dân văn phòng, mẹ bỉm sữa... Mỗi người lại có một tập khách hàng riêng, từ đó giúp lan tỏa ý nghĩa của dự án.

Không cần mua ủng hộ, ở nhà tránh dịch cũng giúp nông dân bán vải online - 1

Bán vải online đang là kênh tiêu thụ hiệu quả.

Các tình nguyện viên tham gia nếu đạt các mốc cũng sẽ nhận được chứng nhận của Trung tâm tình nguyện quốc gia. Đây là một phần thưởng đặc biệt dành để khuyến khích các bạn trẻ, các bạn sinh viên nhiệt tình tham gia.

Dự án bán vải online đã chính thức khởi động từ ngày 1/6 và sẽ chỉ tiêu thụ ở Hà Nội và TPHCM. Khách mua vải có thể thanh toán trực tiếp trên link của tình nguyện viên. Nếu khách mua thanh toán bằng thẻ VISA sẽ được giảm 30.000 đồng/đơn hàng (VISA tài trợ).

Hiện nay, thông qua dự án, vải Bắc Giang đang được bán với giá 25.000 đồng/kg, rẻ hơn 3.000-4.000 đồng/kg so với các siêu thị. Vải bán trong dự án online lần này theo anh Nguyễn Sơn, phụ trách vận hành dự án, đều là loại ngon được nhập trực tiếp từ hợp tác xã Hồng Anh (Lục Ngạn, Bắc Giang).

Không cần mua ủng hộ, ở nhà tránh dịch cũng giúp nông dân bán vải online - 2

Chính sách hoàn tiền của dự án bán vải online đã thu hút nhiều sự quan tâm của khách hàng.

"Vải ngon nhưng không tránh khỏi có quả hỏng. Tuy nhiên, dự án sẽ hoàn tiền 50.000 đồng/thùng nếu tỷ lệ quả hỏng ít, hoàn tiền phần thiếu nếu thùng thiếu cân. Thậm chí, chúng tôi sẽ tặng thùng mới nếu tỷ lệ quả hỏng quá nhiều", anh Sơn cho hay.

Cũng theo anh Sơn, sau khi nhận được đơn, phía hợp tác xã sẽ có trách nhiệm đóng hàng vào hộp 5kg theo tiêu chuẩn, sau đó khử khuẩn bên ngoài và xếp lên xe tải chở về kho mát chung chuyển. Tại kho mát, vải cũng khử khuẩn bên ngoài trước khi đưa hàng vào. Đơn vị giao hàng tại Hà Nội nhận hàng tại kho mát và giao hàng. Chỉ mất 2-3 ngày kể từ khi đặt đơn, người dùng có thể nhận được vải. 

Tính đến hết ngày 3/6, dự án bán vải online đã có trên 1.300 đơn hàng, sản lượng tiêu thụ trên 9 tấn. Ngoài ra, dự án cũng đã thu hút được 660 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ tiêu thụ vải.

Anh Đỗ Xuân Thắng cho hay anh và mọi người chỉ mất 60 tiếng để biến từ ý tưởng thành dự án. Cũng rất may mắn, khi chúng tôi liên hệ các cơ quan và tổ chức triển khai thì nhận được rất nhiều sự hỗ trợ.

Không cần mua ủng hộ, ở nhà tránh dịch cũng giúp nông dân bán vải online - 3

Hiện tại, dự án đang triển khai bước đầu tại Hà Nội và sớm đưa vải vào TPHCM phục vụ nhu cầu người dân.

"Tuy nhiên, vải chưa thể vào tới TPHCM ngay, mà trước mắt dự án mới chỉ triển khai tại Hà Nội", anh Thắng nói và cho biết thêm, dự kiến ngày 6/6, dự án sẽ bắt đầu triển khai tại TPHCM theo hướng gom đơn trong ngày. Khi có đơn, hợp tác xã sẽ đóng theo thùng xốp lớn, có đá bảo quản, chuyển máy bay tới kho chung. Làm như vậy tuy mất công sức, nhưng quả vải sẽ được đảm bảo chất lượng.

Thông qua các kênh online, người dân sẽ tiếp cận được những quả vải tươi ngon, có nguồn gốc rõ ràng, cùng với mức giá hợp lý. Trong tương lai, cách mua hàng này hoàn toàn có thể trở nên phổ biến, xóa đi khoảng cách địa lý và đưa người dân ở khắp nơi tiếp cận các đặc sản vùng miền.