Bắc Giang:
30.000 tấn vải Lục Ngạn đã được Trung Quốc ký bao tiêu
(Dân trí) - Ông Nguyễn Việt Oanh, Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn, khẳng định, vải Lục Ngạn (Bắc Giang) đã được các thương lái Trung Quốc ký hợp đồng bao tiêu 30.000 tấn.
Theo ông, trong bối cảnh khó khăn vì dịch Covid-19, huyện Lục Ngạn sẽ cố gắng giúp bà con xuất khẩu vải sang Trung Quốc gần bằng năm ngoái. Năm 2020, huyện Lục Ngạn xuất sang Trung Quốc gần 50.000 tấn vải. Năm nay, tính trên hợp đồng đặt hàng đã chuyển tiền, con số đã lên tới 30.000 tấn.
"Trong quá trình mua bán, các thương lái Trung Quốc sẽ có nhiều kênh khác để tăng lượng nhập. Dù không sang được Việt Nam, các thương nhân Trung Quốc đều đã ủy quyền cho thương nhân Lục Ngạn thu mua giúp để chuyển sang Trung Quốc nên không ảnh hưởng tới giao thương", ông Oanh cho hay.
Theo thống kê của UBND huyện Lục Ngạn, tính đến ngày 2/6, huyện có 106 điểm cân vải cố định. Tổng sản lượng vải tiêu thụ đạt 10.539 tấn. Trong đó, tiêu thụ nội địa chiếm tới 64,4% tổng lượng tiêu thụ (6.789 tấn). Điểm đến của vải Lục Ngạn chủ yếu là thị trường miền Nam.
Còn gần một tuần nữa, vải Lục Ngạn mới vào chính vụ thu hoạch. Tuy nhiên, hiện tại, lượng xuất khẩu sang Trung Quốc đã đạt 3.354 tấn và Campuchia là 396 tấn. Năm nay, việc tiêu thụ vải qua kênh thương mại điện tử cũng đóng góp 7 tấn, dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.
Giá vải hiện dao động 12.000 - 32.000 đồng/kg, giá cao nhất được ghi nhận tại điểm cân xã Tân Quang, Giáp Sơn, Phì Điền.
Dù được chính quyền địa phương và người dân cả nước chung tay giúp đỡ, theo anh Đỗ Văn Thắng (xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn), người trồng vải vẫn còn nhiều lo lắng. Bởi năm nay, vải được mùa, sản lượng gấp 3 năm ngoái. Khi vào chính vụ, lượng vải nhiều cũng ảnh hưởng đến giá.
Anh Thắng cho biết, sáng sớm, thương lái có thể thu mua với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg. Nhưng chỉ sau một tiếng, khi hàng được mua đủ, thì giá vải có thể bị giảm xuống. "Chưa kể, thương lái trừ mặc định mỗi tạ 5 kg vải. Ngoài ra, mỗi tạ cũng mất thêm 2-5 kg là quả sâu, hỏng. Họ còn trừ tiền khênh, tiền bao bì. Tính ra, cứ mỗi tấn vải người nông dân lại bị trừ 1 tạ", anh Thắng cho hay.
Anh Thắng cho hay anh cùng bà con Bắc Giang rất mong nhận được sự trợ giúp từ người dân cả nước, nhất là các doanh nghiệp tiêu thụ.