1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Không bố trí trường hợp "có nghi vấn" tham gia đoàn kiểm toán năm 2023

Ninh An

(Dân trí) - Trong Chỉ thị 103 mới được ban hành, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu không bố trí tham gia đoàn kiểm toán năm 2023 đối với các trường hợp "có nghi vấn" trong hoạt động kiểm toán đang kiểm tra...

Cụ thể, trong Chỉ thị số 103 về việc tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2023 mà Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn vừa ký, Thủ trưởng các đơn vị được yêu cầu chú ý ưu tiên nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ trình ý kiến về dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN), các nhiệm vụ theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, phục vụ các chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu các đoàn kiểm toán, thành viên chấp hành nghiêm và tuân thủ đầy đủ quy định, quy trình kiểm toán. Các hành vi tham nhũng, tiêu cực; cố tình bỏ sót thông tin hoặc không báo cáo đầy đủ kết quả kiểm toán; nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với đơn vị được kiểm toán; dùng phương tiện, tài sản của đơn vị được kiểm toán để đáp ứng nhu cầu cá nhân; tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán... bị nghiêm cấm. 

Không bố trí trường hợp có nghi vấn tham gia đoàn kiểm toán năm 2023 - 1

Kế hoạch kiểm toán chuyên đề năm 2023 có nội dung kiểm toán công tác quản lý đầu tư xây dựng của Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam đối với các dự án nhóm B, C giai đoạn 2019-2022 do EVN miền Bắc, EVN Hà Nội, EVN Miền Trung quản lý (Ảnh: EVN).

Đặc biệt, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước yêu cầu không bố trí tham gia đoàn kiểm toán năm 2023 đối với các trường hợp "có nghi vấn" trong hoạt động kiểm toán đang kiểm tra, xác minh... Các trường hợp chưa đạt kết quả theo yêu cầu trong đợt đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cũng không được bố trí tham gia đoàn kiểm toán năm 2023. Trường hợp khác không được tham gia là trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán, kiểm toán viên liên quan trực tiếp đến khiếu nại, kiến nghị của đơn vị được kiểm toán nhưng chưa được xử lý theo quy định và để kéo dài.

Không cần chờ kiểm toán xong, báo cáo ngay nếu phát hiện vi phạm dấu hiệu tội phạm 

Trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện các vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước để chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm toán.

Trường hợp liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải thu thập đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu có liên quan, báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước để báo cáo cấp có thẩm quyền kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của Đảng... 

Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu các đơn vị sắp xếp thời gian kiểm toán phù hợp, đảm bảo kết thúc kiểm toán trước ngày 31/10/2023 và phát hành Báo cáo kiểm toán trước ngày 31/12/2023, trừ các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN và các cuộc kiểm toán bổ sung.

Về công khai kết quả kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu báo cáo kiểm toán sau khi phát hành được công bố công khai, trừ những nội dung thuộc bí mật Nhà nước, theo quy định...

Kế hoạch kiểm toán năm 2023 triển khai gồm 8 nội dung trọng điểm

1. Kiểm toán ngân sách Nhà nước Bao gồm Kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước và Báo cáo nợ công năm 2022, các bộ, cơ quan trung ương. Kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách, kiểm toán ngân sách địa phương năm 2022. Kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022.

2. Kiểm toán hoạt động

3. Kiểm toán chuyên đề: Việc quản lý, sử dụng quỹ, kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ, các chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt có 3 chuyên đề liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước gồm: Việc xử lý bù giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn theo Nghị quyết số 42/2021 ngày 13/11/2021 của Quốc hội.

Công tác đầu tư xây dựng của Công ty mẹ- Tập đoàn Điện lực Việt Nam đối với các dự án nhóm B, C giai đoạn 2019-2022 do Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội, Tổng công ty điện lực miền Trung quản lý, thực hiện.

Việc giao dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tại BHXH Việt Nam theo Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15...

4. Kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư:  Trong đó sẽ kiểm toán Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2, Dự án Bệnh viện đa khoa 1.500 giường (tỉnh Bình Dương), các dự án nhóm B tại tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Hà Giang...

5. Kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2022 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam

6. Kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2022 bao gồm: Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam, Tập đoàn hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam - CTCP, Tổng công ty viễn thông MobiFone, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - TNHH MTV, Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp, Tổng công ty du lịch Sài Gòn, Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai...

7. Lĩnh vực quốc phòng: Kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2022 Tập đoàn công nghiệp - Viễn thông Quân đội. Dự án đầu tư xây dựng sân bay quân sự tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, dự án nâng cấp, cải tạo sân bay Chu Lai/Quân chủng phòng không - Không quân...

8. Lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm