1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Người Việt dùng hàng Việt:

Không ai muốn mua sự bực mình

(Dân trí) - Quan điểm phổ biến của người tiêu dùng (NTD) thì hàng Việt Nam hay hàng ngoại không quan trọng miễn là giá hợp lý, chất lượng yên tâm. Bởi xét cho cùng, chẳng ai không có lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc nhưng cũng không ai muốn mua lấy sự bực mình…

Không ai muốn mua sự bực mình - 1
Hàng may mặc Việt Nam hấp dẫn người tiêu dùng.
 
Người tiêu dùng cần được tôn trọng
 
Không phải vô cớ nhiều thương hiệu may mặc “made in Vietnam” bắt đầu được người tiêu dùng trong nước chú ý sau khi đã có một thời gian dài xuất khẩu sang các nước tiên tiến, phát triển. Thậm chí, nhiều người Việt đi nước ngoài lại chọn mua đúng sản phẩm “made in Vietnam” để sử dụng.
 
Có những người sau khi dùng hàng Việt mua từ nước ngoài về thấy “kết” đã nhờ người quen mua hộ vì trong nước không bán. Nghịch lý này không chỉ khiến cho người tiêu dùng trong nước mua hàng Việt với giá cao ngất ngưởng mà còn khiến cho nhiều doanh nghiệp mất cơ hội tiêu thụ tại thị trường nội địa trong suốt một thời gian dài.
 
Ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam cho rằng: Muốn đẩy lùi hàng ngoại thì trước hết phải thay đổi tư duy phần gốc là “nhà sản xuất”. Thực tế, nhiều nhà sản xuất Việt Nam, trong đó có dệt may chỉ chú trọng thị trường xuất khẩu mà không chú ý đúng mức đến thị trường trong nước, chẳng hạn như hàng xuất khẩu bị lỗi thì mang ra bán tại các đại lý trong nước.
 
Hướng tới thị trường trong nước, điểm yếu của các nhà sản xuất may mặc Việt Nam là khâu nguyên liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc nên cũng không khác nhiều so với hàng Trung Quốc.
 
Đồng thời, nhiều mặt hàng của Việt Nam không có thiết kế đặc trưng mà chủ yếu là cóp nhặt của nước ngoài... nhưng chất lượng tồi hơn nên dễ bị coi là hàng nhái. Đó là chưa kể trong khâu bán hàng và hậu mãi, NTD trong nước chưa thực sự được coi trọng đúng mức, thậm chí khách hàng còn bị coi thường.
 
Thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam mất thị phần trên sân nhà là bởi doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến chiến lược tiêu thụ nội địa, còn vấn đề chất lượng, năng suất hay mẫu mã là những thứ rất dễ khắc phục - là ý kiến của ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TPHCM.
 
Ông Minh cho rằng, đừng đổ lỗi cho NTD, bởi NTD khi dùng tiền, họ phải cân nhắc thiệt hơn. NTD Việt Nam đều là những người yêu nước, nhưng không phải vì thế mà cứ nhắm mắt dùng sản phẩm nội vừa đắt vừa không đảm bảo nhu cầu của mình. Nói tóm lại là một sự tiêu dùng thiếu hài lòng. Chính các doanh nghiệp cần xem lại chiến lược của mình.
 
Yêu nước nhưng không thể mua sự bực mình
 
Bà Nguyễn Thị Huê - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sài Gòn đồng chủ nhiệm CLB nữ doanh nhân Sài Gòn cho hay: Bà rất thích cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vì qua đó nó khẳng định vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường nội địa.
 
Nếu doanh nghiệp Việt Nam đoàn kết đảm bảo sản xuất hàng hóa có chất lượng, giá cả phù hợp thì sẽ thuyết phục được NTD vốn là những người có niềm tự hào dân tộc rất mạnh mẽ.
 
Doanh nghiệp Việt Nam cũng đã học được kinh nghiệm từ nhiều nước, khẳng định NTD đóng vai trò trung tâm. Dù một số doanh nghiệp còn đối xử với NTD chưa chuẩn mực, có “vấn đề”, nhưng tình trạng này đang dần được khắc phục. “Tôi nhận thấy, doanh nghiệp càng lớn thì càng trân trọng sản phẩm mình làm ra và tôn trọng tình cảm của khách hàng đối với doanh nghiệp”, bà Huệ nói.
 
Thực tế, điều quan trọng đối với các doanh nghiệp trong nước là khả năng làm chủ trên sân nhà, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập WTO, mở cửa thị trường nội địa.
 
Ông Đặng Thành Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc cho rằng: Muốn hàng trong nước cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, các doanh nghiệp bắt buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh để hàng hóa sản xuất ra vừa đáp ứng xuất khẩu, vừa cạnh tranh được với hàng ngoại nhập một cách lành mạnh, không vi phạm các quy định WTO…
 
Hơn lúc nào hết, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam phải nhìn lại mình cũng như nhận định lại thị trường nội địa và hướng đi một cách đúng đắn.
 
Quan điểm phổ biến của NTD là hàng Việt Nam hay hàng ngoại không quan trọng miễn là giá hợp lý, chất lượng yên tâm. Bởi xét cho cùng chẳng ai không có lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, nhưng cũng không ai muốn mua lấy sự bực mình…
 
Với vai trò là một đơn vị nhập các mặt hàng từ các nhà phân phối, với số đông nhà doanh nghiệp Việt, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc BigC Thăng Long (Hà Nội) cho hay: Thị trường tiêu dùng nội địa của Việt Nam rất tiềm năng, với trên 80 triệu dân đa phần là dân số trẻ, trong tương lai gần con số này có khả năng tăng lên 100 triệu.
 
Để chiếm lĩnh được thị trường này, doanh nghiệp Việt phải đầu tư công sức, tiền của, trí tuệ chăm sóc khách hàng; từ bỏ kiểu kinh doanh chụp giật, hướng tới chiến lược dài hạn.
 
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần hỗ trợ định hướng và thông qua các viện nghiên cứu xác định xu hướng thị trường, giúp các ngành hàng, doanh nghiệp tìm đúng đối tượng phục vụ, đúng chiến lược kinh doanh của mình.
 
Lan Hương - An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm