1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hàng Việt “vấp” rào cản... hạ tầng

(Dân trí) - Đã có nhiều ý kiến đổ lỗi cho các doanh nghiệp nội chưa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng song có một thực tế là hàng Việt đang phải đối mặt với những rào cản rất lớn từ hệ thống hạ tầng cơ sở để đến tay khách hàng.

Hàng Việt “vấp” rào cản... hạ tầng - 1
Người dân mong chờ hàng Việt có chất lượng xuất hiện thường xuyên ở nông thôn (ảnh minh họa).
 
Khó mở rộng mặt bằng vì giá thuê cao
 
Nếu như thời điểm Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, nhiều người cho rằng việc mở cửa thị trường phân phối bán lẻ là mạo hiểm, mơ hồ thì nay với việc Việt Nam đứng trong Top 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn đầu tư trên WTO đã phủ định những lo ngại đó.
 
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2010, tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ là 16,12% - đây là con số ngoạn mục khẳng định việc chúng ta mở cửa thị trường này là việc nên làm.
 
Nói như vậy không có nghĩa chúng ta đã làm chủ trên sân nhà bởi theo nhận định của TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, hệ thống phân phối bản lẻ của Việt Nam còn sơ khai, các doanh nghiệp hoạt động còn manh mún.
 
Thời gian gần đây có nổi lên những hệ thống siêu thị phân phối lớn như: Big C, Saigon Coop mart, Intimex, Nguyễn Kim, Vinatexmart… nhưng những siêu thị, hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại có quy mô lớn như vậy chưa nhiều, chưa phủ được mạng lưới rộng.
 
Thực trạng về cơ sở hạ tầng đầu tư cho bán lẻ còn lạc hậu, chưa được đầu tư thích đáng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới những bất cập này.
 
Tại một hội thảo gần đây, bà Loan đưa ra ví dụ: như tại TPHCM, để có được 1 m2 đầu tư cho dịch vụ bán lẻ, doanh nghiệp phải trả tới 65 USD/m2/tháng thuê mặt bằng. Thậm chí nếu muốn được mặt bằng rộng, địa thế đẹp thì giá lên tới 220 USD/m2/tháng.
 
“Với giá thuê mặt bằng như vậy, liệu có nhiều doanh nghiệp có thể đứng chân và mở rộng được mạng lưới phân phối. Bao giờ doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam mới có thể “cất cánh” được?” - bà Loan lo ngại.
 
Cùng với siêu thị, chợ truyền thống vẫn là kênh phân phối hấp dẫn. Bởi bên cạnh thói quen mua sắm bắt đầu thay đổi của một bộ phận, thì tập quán mua bán tại các hệ thống chợ truyền thống vẫn được nhiều người Việt ưa thích vì tiện lợi, mặt hàng phong phú.
 
Tuy nhiên, đáng nói là rất nhiều chợ truyền thống ở những vị trí đắc địa tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM đã và đang bị phá đi để thay vào đó là những khu trung tâm thương mại, mua sắm cao cấp. Và cho dù khi xây mới lại, nếu không phải di dời thì việc bố trí khu vực chợ truyền thống tại nơi cũ cũng sẽ bị hạn chế hơn về diện tích...
 
Nông thôn - tiềm năng lớn nhưng quá khó khăn
 
Theo nhận định của ông Tolce Drah - chuyên gia nghiên cứu thị trường thuộc Trung tâm thương mại Châu Âu, tiềm năng phát triển thị phần bán lẻ ở khu vực nông thôn Việt Nam rất dồi dào bởi khu vực này đang chiếm tới 60% tổng GDP. Cùng với số lượng gần 64 triệu người, ước đoán số người tiêu dùng ở đây lớn hơn gấp 3 lần khu vực thành thị.
 
Không khó để nhận ra rằng, dù hàng Việt ngày càng có nhiều khởi sắc cả về chất lẫn về lượng nhưng sự hiện diện của chúng ở khu vực nông thôn vẫn đang có nhiều trở ngại. Lý do là cơ sở hạ tầng (bao gồm hệ thống các chợ, đường giao thông…) phục vụ cho buôn bán còn quá hạn chế.
 
Theo thống kê, ở nông thôn nước ta bình quân 2 xã mới có 1 chợ, cá biệt như một số vùng phía Bắc, vùng cao ở Tây Nguyên… có khi lên tới 5 xã mới có một chợ.
 
Trong khi đó, hệ thống giao thông ở các vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa vô cùng yếu kém, ảnh hưởng tới việc tiếp cận giữa hàng hóa Việt có chất lượng với người tiêu dùng ở đây.
 
Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết: Có khoảng 10 - 15 doanh nghiệp đang được xem là thành công nhất trong khai thác thị trường nông thôn song doanh số bán ở khu vực này chỉ từ 20 - 25% tổng doanh số của công ty.
 
Còn với những doanh nghiệp khác trước nay có bán hàng ở nông thôn thì doanh số chỉ chừng 10 - 15%. Sự khó khăn của doanh nghiệp lại chính là cơ hội cho các loại hàng giả, hàng nhái, thậm chí cả hàng ngoại kém chất lượng chiếm lĩnh thị phần.
 
Điều này lý giải câu nói của ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: thách thức lớn nhất đối với hệ thống phân phối bán lẻ trong nước là thể chế và hệ thống hạ tầng cơ sở chưa đảm bảo để thị trường được “êm xuôi”!
 
Lan Hương