1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

“Lãnh đạo phải là tấm gương dùng hàng Việt”

(Dân trí) - “Lãnh đạo phải là tấm gương dùng hàng Việt, tiếp đến mới là nâng cấp doanh nghiệp và giáo dục người tiêu dùng” - TS Nguyễn Quang A nhấn mạnh tại buổi Tọa đàm về ưu tiên dùng hàng Việt diễn ra sáng 6/8.

Ai là “thủ phạm” nhập siêu?
 
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, từ năm 1997 đến nay, con số xuất siêu, nhập siêu có sự chênh lệch khá lớn với con số nhập luôn nhiều hơn so với con số xuất.
 
Năm 2009, giá trị xuất khẩu của Việt Nam là 57 tỷ USD, trong khi nhập khẩu lên tới 69 tỷ USD. Và chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2010, mặc dù xuất khẩu mới đạt 32 tỷ USD nhưng nhập khẩu thì đã hơn 38 tỷ USD, nghĩa là nhập siêu hơn 6,2 tỷ USD.
 
“Lãnh đạo phải là tấm gương dùng hàng Việt” - 1
Nhập siêu đồng nghĩa với việc làm ảnh hưởng tới tiêu dùng hàng Việt (ảnh minh họa)
 
Trong khi đó, giá trị xuất khẩu của ta chủ yếu là từ xuất khẩu dầu thô. "Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài xuất siêu tốt nhưng nếu trừ xuất khẩu dầu thô đi thì cũng không được là mấy” - TS Nguyễn Quang A nói.
 
Nhìn lại những mặt hàng của ta sản xuất thấy rõ một đặc điểm là có giá trị gia tăng thấp. Trừ những phần là tài nguyên có giá trị gia tăng khá như dầu, than... còn lại những mặt hàng khác như dệt may, da giày, chúng ta đang tiến hành xuất khẩu trên cơ sở vẫn phải nhập quá nhiều nguyên liệu.
 
Một số mặt hàng tiêu thụ nhiều trong nước như ô tô, xe máy, các sản phẩm điện tử... đều là những mặt hàng nhập phụ kiện và nguyên liệu mà xuất thì chỉ là con số nhỏ. Điển hình như thép mặc dù xuất khẩu chỉ khoảng 65 triệu USD trong con số nhập khẩu lên tới 3,3 tỷ USD.
 
Theo ước lượng của các chuyên gia, mặc dù doanh nghiệp nhà nước xuất chỉ chiếm tỷ lệ 15 - 20% nhưng lại chính là thành phần nhập siêu lớn nhất.
 
Nhưng nói đến nhập siêu thì không thể không nhắc tới Trung Quốc. Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan cho biết 90% các dự án tổng thầu EPC của Việt Nam là nhà thầu Trung Quốc, trong đó chủ yếu là dầu khí, hoá chất, điện, dệt kim.
 
Hiện nay, 30 Doanh nghiệp Trung Quốc đang thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, làm tổng thầu hoặc liên quan đến tổng thầu, trong đó có 12 dự án điện, 4 dầu khí, 5 khai khoáng, 5 luyện kim, 5 hóa chất...
 
“Họ đang đưa từ cái bu-lông, ốc-vít đến nhân công từ Trung Quốc sang. Và hầu hết, các dự án này rất ít sử dụng hàng Việt Nam, người Việt Nam” - bà Loan khẳng định.
 
Chữa “bệnh” nhập siêu bằng giáo dục
 
Theo TS Nguyễn Quang A, để chữa “bệnh” nhập siêu phải chữa bằng giáo dục. Trong đó, trước hết phải đổi mới tư duy lãnh đạo. Có thể nói "Những chính sách bất hợp lý về mua sắm tài sản công chính là thủ phạm tạo nên nhập siêu lớn. Thay đổi tư duy để họ có quan điểm sử dụng sản phẩm nội địa là điều rất cần thiết". TS Nguyễn Quang A nói.
 
Tiếp đến, phải nâng cấp doanh nghiệp. Chừng nào hàng Việt Nam chất lượng không tốt, giá không hợp lý thì người tiêu dùng không thể tìm đến. Sản xuất được sản phẩm tốt còn phải lưu ý khâu bán hàng, mạng lưới đại lý, tổ chức thế nào thuận tiện và hợp lý.
 
Bên cạnh đó là giáo dục người tiêu dùng. Từ trường học cho đến những cấp cao nhất đều cần phải duy trì việc giáo dục vấn đề này…
 
Những bất cập trong chính sách mua sắm công cũng đã được chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành chỉ ra trong buổi tọa đàm. Theo ông, chúng ta chưa quan tâm đúng mức trong việc mua sắm thiết bị là hàng Việt Nam cho các công trình, dự án lớn.
 
Bao năm qua, trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư vốn nhà nước sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước không được quan tâm đúng mức, do đó hàng hóa nước ngoài thường được ưu tiên và thắng thầu.
 
Trong đó, theo ông Thành, nguyên nhân cơ bản nhất là do hồ sơ mời thầu các dự án lớn thường được giao cho các tư vấn nước ngoài soạn thảo, các tiêu chuẩn được đưa vào hồ sơ mời thầu thường được sao chép lại từ các hồ sơ được đánh giá là đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
 
Nói một cách khác, rất ít hoặc không có doanh nghiệp Việt Nam nào đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra, dẫn đến việc  không lọt qua được vòng sơ tuyển để được dự thầu.
 
Ở đây cùng còn có một lý do nữa là: mặc dù Thủ tướng đã có chỉ thị “Về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước” nhưng lại chưa qui định rõ về các trường hợp đấu thầu mua sắm vật tư của các Bộ, ngành, và các địa phương theo chủ trương “Ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
 
Ông Thành cũng kiến nghị chính sách cần điều chỉnh vấn đề này cùng với việc tăng cường thực thi quản lý đầu thầu. Theo nhiều báo cáo từ các cơ quan chính phủ trước Quốc hội, thất thoát chi phí công là rất lớn, có những trường hợp lên đến 30%.
 
Với một tỷ lệ “chi phí quan hệ” cao thì việc cạnh tranh giữa hàng nội và hàng ngoại càng khó, vì lợi thế phần lớn là ngả về phía bên có khả năng tài chính dồi dào. Các nhà thầu đại diện cho hàng ngoại sẽ lấn át các nhà thầu đại diện cho hàng nội.
 
“Đây là một vấn đề căn bản mà trách nhiệm giải quyết nằm trong cơ chế và quản lý của nhà nước” - vị chuyên gia này khẳng định.
 
Lan  Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm