Khối tài sản của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết
(Dân trí) - Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết sở hữu hơn 30% vốn FLC, từng giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2017, có 2 siêu xe Rolls-Royce.
Hôm nay (22/7), sau hơn 2 năm bị bắt, cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị xét xử bởi 2 tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Quyết bị truy tố gây thiệt hại hơn 4.300 tỷ đồng, bằng việc bán 391 triệu cổ phiếu ROS nhờ tăng vốn "khống" và mua đi bán lại nhiều lần 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, tạo cung cầu giả. Hiện, ông này đã khắc phục được 212,5 tỷ đồng.
Sở hữu hơn 215 triệu cổ phiếu FLC, tương ứng 30,34% vốn
Ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975, ở Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc. Ông khởi nghiệp bằng việc thành lập Công ty Tư vấn Đầu tư SMiC (từ năm 1999 đến năm 2004), sau đó mở văn phòng Luật sư SMiC (từ 2004 đến 2008).
Hai năm sau đó (tháng 8/2010), ông Quyết làm Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Vị trí này được ông Quyết đảm nhận đến khi bị bắt.
Ngoài ra, ông Quyết còn từng nắm quyền điều hành nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC, như Công ty cổ phần Nông dược H.A.I (HAI), Công ty cổ phần Xây dựng Faros (ROS); Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản AMD Group (AMD), Công ty cổ phần Chứng khoán Artex (ART), Công ty cổ phần Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (KLF), Công ty cổ phần GAB (GAB).
Cựu Chủ tịch FLC còn từng là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (chủ hãng bay Bamboo Airways).
Theo báo cáo quản trị mới nhất mà FLC công bố, tại ngày 31/12/2023, ông Trịnh Văn Quyết sở hữu hơn 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương ứng tỷ lệ 30,34% vốn điều lệ công ty. Ngoài ông Quyết, các thành viên trong gia đình có liên quan, bao gồm vợ - bà Lê Thị Ngọc Diệp - đều không sở hữu cổ phần. Chủ tịch FLC đương nhiệm là ông Lê Bá Nguyên (anh vợ ông Quyết) cũng không nắm cổ phần công ty.
Cổ phiếu FLC hiện đã bị hủy niêm yết bắt buộc. Tại thời điểm hủy niêm yết, FLC có gần 710 triệu cổ phiếu đang lưu hành. HoSE nêu lý do hủy niêm yết là tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà HoSE hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Theo quy định, cổ phiếu sau khi bị hủy niêm yết tại HoSE có thể được tiếp tục giao dịch trên UPCoM (thuộc HNX). Tuy nhiên, theo thông báo từ HNX ngày 23/5, cổ phiếu FLC vẫn trong trạng thái: Hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần kể từ ngày cổ phiếu được đưa ra khỏi diện bị đình chỉ giao dịch); Cảnh báo; Đình chỉ giao dịch.
Đến nay, công ty vẫn chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022-2023 đã được kiểm toán, chậm nộp báo cáo tài chính bán niên 2023 được soát xét quá 45 ngày kể từ khi kết thúc thời hạn; chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023...
Giàu nhất sàn chứng khoán năm 2017, sở hữu 2 siêu xe
Năm 2017, ông Quyết bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán 65 triệu đồng về hành vi bán 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo về dự kiến giao dịch đối với người nội bộ theo quy định.
Cũng vào cuối năm này, ông Quyết trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, vượt qua tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup. Tính theo lượng cổ phiếu được sở hữu trực tiếp bởi cá nhân, tài sản ông Quyết đạt 58.851 tỷ đồng, tăng 25.045 tỷ đồng so với năm trước đó. Lúc này, ông Quyết nắm hơn 135 triệu cổ phiếu FLC, hơn 318,5 triệu cổ phiếu ROS và hơn 2,6 triệu cổ phiếu ART.
Tại thời điểm bị bắt, ông Quyết bị kê biên 3 tài sản bất động sản tại Khu đô thị Mỹ Đình II, Nam Từ Liêm, Hà Nội với diện tích lần lượt gần 800m2, 200m2 và 200m2.
Ông Quyết và Tập đoàn FLC còn từng sở hữu du thuyền triệu USD FLC Albatross và 2 siêu xe Rolls-Royce. Tuy nhiên, số phận các tài sản hạng sang này đều khá hẩm hiu.
Du thuyền triệu USD FLC Albatross đã được đấu giá 6 lần nhưng bất thành. Giá khởi điểm đấu lần đầu là gần 36 tỷ đồng nhưng đã giảm dần qua các lần đấu giá. Lần thứ 7 diễn ra đầu năm nay, giá đấu còn hơn 23,2 tỷ đồng, giảm hơn 12,4 tỷ đồng so với lần đầu tiên, tương đương giảm 35%.
Ông Quyết từng có 2 siêu xe Rolls-Royce Ghost mạ vàng và Rolls-Royce Phantom Lửa thiêng, sau đó bị ngân hàng thu giữ và xử lý nợ. Tuy nhiên, các tài sản cũng bị hạ giá nhiều lần. Với chiếc Rolls-Royce Ghost mạ vàng, ngân hàng đã hạ giá tới 5 lần còn 8,587 tỷ đồng. Còn chiếc Rolls-Royce Phantom Lửa thiêng cũng hạ từ hơn 28 tỷ đồng xuống hơn 16,5 tỷ đồng.