1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Khoảng 40 công ty "kiểu Muaban24" đang tồn tại?

(Dân trí) - Bộ Công thương cho biết, ngoài Muaban24, hiện thị trường còn có khoảng 40 công ty hoạt động theo mô hình tương tự. Ngay cả những sàn TMĐT được cấp phép cũng không thể đảm bảo uy tín, chất lượng, do đó, người dân cần cảnh giác hơn, tránh bị lôi kéo.

Khoảng 40 công ty kiểu Muaban24 đang tồn tại?
Hơn 40 công ty tương tự MB24 đang tồn tại và ngay cả những sàn TMĐT đã được cấp phép cũng không thể đảm bảo uy tín, chất lượng.

Tại phiên họp báo thường kỳ Bộ Công thương tháng 7 diễn ra chiều nay (6/8/2012), trong phần trình bày của mình, Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải đã đưa vào nội dung bàn đến hoạt động thương mại điện tử trá hình cũng như trường hợp của Công ty Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (MB24).

Thứ trưởng Hải cho biết, trong thời gian gần đây Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT - CNTT) của Bộ Công thương đã liên tục nhận được những phản ánh của các tổ chức và cá nhân về hoạt động của một số doanh nghiệp lợi dụng TMĐT để huy động lượng tiền mặt lớn từ mạng lưới người tham gia và với một mô hình hoạt động có nhiều điểm không minh bạch như Muaban24, G7.com v.v...

Thứ trưởng nhấn mạnh, theo quy định tại Thông tư 46 của Bộ Công thương, đến nay Cục TMĐT và CNTT đã thực hiện việc xác nhận đăng ký cho các sàn giao dịch TMĐT, tức các website trong đó các thương nhân, tổ chức không phải chủ sở hữu website có thể bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ của mình cho người khác. 

Phạm vi điều chỉnh Thông tư không bao gồm những website có mô hình hoạt động phức hợp như của MB24 hay G7.com và cũng không bao gồm những website trên đó các thành viên môi giới kiếm lời từ hoa hồng trả cho việc giới thiệu người tham gia. Do đó, Cục TMĐT và CNTT đã không xác nhận việc đăng ký sàn TMĐT theo quy định tại Thông tư 46 cho những doanh nghiệp đang hoạt động với mô hình nêu trên, mà cụ thể là là MB24 và G7.com.

Đại diện Bộ Công thương lưu ý, thực tế đã tồn tại một số doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa TMĐT để thu lợi từ việc lôi kéo người tham gia website trong khi không tập trung nâng cao chất lượng thông tin trên website. Các doanh nghiệp này đã làm tổn hại đến niềm tin của cộng đồng, cản trở sự phát triển của lĩnh vực TMĐT đang phát triển rất sôi động ở Việt Nam.

Có một điểm đáng chú ý là Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cho hay: "Hiện Cục TMĐT-CNTT đã được giao việc cấp đăng ký cho những doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực TMĐT nhưng cũng chỉ mới dựa trên hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp đối chiếu với thông tin trên website tại thời điểm đăng ký. Do đó, việc cấp đăng ký không phải là một sự đảm bảo về uy tín của doanh nghiệp hay chất lượng của hàng hóa, dịch vụ quảng bá trên website."

Giao dịch thỏa thuận không chứng từ, hợp đồng làm khó cơ quan chức năng

Nối tiếp làm rõ vụ MB24, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT - CNTT điểm lại quá trình này như sau: Cụ thể, từ cuối năm 2011, Cục đã liên tục nhận được những phản ánh của cá nhân và tổ chức về hiện trạng lợi dụng TMĐT để huy động tiền mặt của mạng lưới tham gia, có nhiều điểm không minh bạch.

Theo đó, nhiều công ty đã thiết lập một website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT, trên đó cho phép thành viên mở một gian hàng để quảng cáo cung ứng dịch vụ TMĐT. Tuy nhiên, đặc điểm của các doanh nghiệp này là không tập trung vào việc đầu tư công sức quảng bá, xây dựng chất lượng cho sàn mà chủ yếu lôi kéo và trả phí hoa hồng rất cao cho những người sở hữu gian hàng để những người này đi xúi giục, lôi kéo người khác cùng tham gia vào mạng lưới. 

Ông Linh trình bày, từ tháng 8/2011, MB24 đã nộp hồ sơ xin đăng ký mở sàn giao dịch TMĐT ở Cục nhưng hồ sơ đăng ký bị đánh giá là không hợp lệ vì thiếu quá nhiều thông tin như quy định tại Thông tư 46. Ngay cả những hợp đồng của công ty khi giới thiệu dịch vụ với chủ các gian hàng cũng không đầy đủ thông tin. Do đó, đến ngày 28/3/2012, Cục đã có công văn chính thức gửi đến MB24 và từ chối xác nhận đăng ký.

Tuy nhiên, theo ông Linh, công ty này đã phát triển rất mạnh do mối lời từ hoa hồng "khủng" rất hấp dẫn. Đến ngày 18/4/2012, Cục TMĐT đã ra thông tin cảnh báo chính thức trên website Bộ Công thương và gửi đến Sở Công thương 63 tỉnh, thành phố về việc đề nghị người tiêu dùng thận trọng về những vụ việc như thế này.

Đến 24/7/2012, Cục đã phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng trong đó có Hiệp hội TMĐT Việt Nam chấm dứt tư cách hội viên của MB24.

Lãnh đạo Cục TMĐT khẳng định rằng, trong thời gian vừa rồi cơ quan này đã phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xem xét và xử lý những trường hợp tương tự. Theo đó, điều tra của Cục TMĐT cho thấy, không chỉ có một mình MB24 mà trên thị trường hiện có khoảng hơn 40 công ty hoạt động theo mô hình tương tự.

Hầu hết các giao dịch mua bán gian hàng giữa cá nhân với nhau cũng như giữa công ty này và các chủ gian hàng hoàn toàn không có hợp đồng hay chứng từ. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi tìm hiểu, điều tra cũng như thực hiện xử lý vi phạm.

Nói về hướng giải quyết, ông Linh cho hay, về ngắn hạn, Cục TMĐT đã có yêu cầu các Hiệp hội ngành hàng và các Sở công thương khuyến cáo người dân hết sức thận trọng khi tham gia các mô hình TMĐT có hành vi đa cấp, lôi kéo bên ngoài để huy động tài chính.

Đại diện cục TMĐT nhắc đi nhắc lại, với những mô hình kiểu này, người dân tuyệt đối không tham gia và đề nghị báo chí phối hợp đưa ra ánh sáng những vụ việc tương tự. Bởi, các công ty này chủ yếu lợi dụng những đối tượng thiếu hiểu biết, đang mong muốn làm giàu nhanh như sinh viên và bà con các tỉnh vùng sâu vùng xa.

Còn để xử lý một cách triệt để thì ngay từ năm nay, Bộ Công thương đã được Thủ tướng giao cho xây dựng Nghị định mới về TMĐT thay thế Nghị định của năm 2006. Dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến công khai. Trong dự thảo Nghị định mới sẽ cấm các công ty tổ chức mạng lưới tiếp thị đa cấp với dịch vụ sàn giao dịch TMĐT. "Khi ban hành chắc chắn những mô hình này chắc chắn không có cơ sở tồn tại" - ông Linh quả quyết.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm