Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông:

Khi đủ điều kiện, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát

(Dân trí) - "Dự án gì mà nay rơi thanh sắt, mai lại rơi thanh dầm" - Đây là nhận xét của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - Phùng Quốc Hiển về dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ông Hiển cũng cho biết, khi đủ điều kiện cần thiết, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát dự án này.

Mặc dù, đang trong giai đoạn triển khai xây dựng nhưng dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã phát sinh hàng loạt những vấn đề nghiêm trọng như liên tục chậm tiến độ, đội vốn, thậm chí là gây chết người do mất an toàn. Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội "liệu Quốc hội có thực hiện công tác giám sát về dự án này hay không", ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết, "khi đủ điều kiện cần thiết thì sẽ tiến hành".

Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội
Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội

Theo ông Hiển, việc Quốc hội có tham gia giám sát một dự án nào đó hay không phụ thuộc vào các ủy ban. Nếu các ủy ban thấy cần thiết phải tiến hành, giám sát thì sẽ thực hiện ở cấp độ ủy ban, còn giám sát ở cấp độ Quốc hội phải là những dự án có tầm quan trọng lớn hơn như giám sát sử dụng vốn ODA (dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông cũng là một trong những công trình có vốn ODA).

"Có lẽ vấn đề đó phải tính trong quy trình giám sát. Sau này, Quốc hội khóa mới sẽ giám sát việc sử dụng nguồn vốn ODA" - ông Hiển cho biết thêm.

Riêng về dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, ông Hiển cho rằng, những vấn đề thấy được trước mắt là chuyện tổng vốn đầu tư tăng lên, chậm thi công, không đảm bảo an toàn…là những vấn đề có dấu hiệu không bình thường, cần phải được xem xét thấu đáo.

"Tăng mức tổng đầu tư lên thì mức tăng đó có hợp lý hay không? Vì sao lại tăng? Hay anh bỏ thầu thấp để trúng thầu nhưng cuối cùng anh lại kéo dài thời gian để nâng mức tổng đầu tư lên? Đây là yếu tố cần được xem xét một cách kỹ lưỡng trong quy trình điều tra" - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận định.

Ông Phùng Quốc Hiển cũng thêm rằng, vừa qua, có một số dự án ODA trong quá trình đấu thầu có một số yếu tố cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn. Chẳng hạn như khi một quốc gia bỏ vốn đầu tư nhưng lại yêu cầu giới hạn đối tượng tham gia trong khuôn khổ nhất định. Do vậy, khi ký kết vay ODA, cần phải tính đến những yếu tố này.

Thời gian thực hiện dự án cũng quan trọng và cần lưu ý khi vay vốn ODA. Theo đó, việc đảm bảo tiến độ thi công là một yếu tố để xác định chất lượng và vấn đề đấu thầu. Việc đưa công trình chậm tiến độ vào khai thác, tức là hiệu quả sử dụng không đúng kế hoạch, rõ ràng là có lãng phí - ông Hiển nhận định.

"An toàn phải là trên hết, nhưng dự án gì mà nay rơi thanh sắt, mai lại rơi thanh dầm thì nguy hiểm quá! Việc này, tổng thầu phải tính giải pháp nào đó hợp lý hơn, điều quan trọng nhất tính mạng con người cần phải đặt lên hàng đầu. Tôi thấy nhiều khi có đoạn không thi công mà vẫn rào chắn rất nhiều khiến ùn tắc giao thông, cho nên phải điều chỉnh lại" - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách bình luận.

Lo ngại là vậy, nhưng ông Hiển cũng cho biết, khả năng chưa thể làm ngay được công tác giám sát của Quốc hội về dự án này. Hiện, Bộ Giao thông đã tiến hành giám sát, đôn đốc kĩ lưỡng, thành phố Hà Nội đã vào cuộc, nhưng ở cấp độ Quốc hội vẫn cần chờ có kế hoạch, chương trình cụ thể, tránh chồng chéo.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông do Công ty Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc làm Tổng thầu EPC và Công ty cổ phần nhà X4 làm nhà thầu phụ. Bên cạnh hàng loạt những bê bối quan vấn đề an toàn lao động, dự án này còn đội vốn từ 553 triệu USD lên 868 triệu USD.

Bích Diệp

Khi đủ điều kiện, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát - 2