Khách mua nhà "kêu trời" vì chủ đầu tư ép tăng diện tích

(Dân trí) - Các khách hàng của công ty cổ phần Lilama Hà Nội cho biết họ bị ép nhận thêm diện tích không có điều khoản trong hợp đồng gốc. Trường hợp không đồng ý, người mua nhà sẽ bị đóng lãi suất số tiền mà họ không nộp!

Tòa nhà trong mơ 52 Lĩnh Nam tới nay vẫn dang dở phần xây thô
Tòa nhà "trong mơ" 52 Lĩnh Nam tới nay vẫn dang dở phần xây thô
 
Tăng diện tích vì khó khăn

 

Bà Phạm Thị Quang, khách hàng mua nhà Lilama vào tháng 3/2011 nhận được thông báo chủ đầu tư tăng diện tích căn hộ của mình từ 81m2 lên 115m2. Bà Quang cảm thấy bất ngờ vì trước đó, ngoài thông tin về tiến độ thì chủ đầu tư không nhắc gì tới việc sẽ tăng diện tích trong căn hộ của mình.

 

Trong hợp đồng mua nhà được Lilama ký ban đầu không có bất cứ điều khoản cụ thể về việc chủ đầu tư Lilama Hà Nội giữa chừng có thể tăng diện tích căn hộ. Ông Nguyễn Duy Hải, Giám đốc Các dự án bất động sản Lilama Hà Nội cho hay diện tích tăng tối thiếu là 5m2 và tối đa là 24m2. Ông Hải lý giải về việc tăng diện tích do: “Dự án không còn hiệu quả về lợi nhuận đầu tư. Mong khách hàng thông cảm với chủ đầu tư”.

 

Theo ông Hải cơ sở pháp lý của tăng diện tích đã được các cấp có thẩm quyền xét duyệt và đồng ý. Theo người đại diện của Lilama thì việc tăng diện tích căn hộ đã tham khảo ý kiến và nhận được sự đồng thuận của khách hàng. Tuy nhiên, khi trao đổi trực tiếp với PV thì ông Hải thừa nhận vẫn còn 10% khách hàng không đồng ý và chưa ký vào biên bản.

 

Hiện tại công trình Văn phòng làm việc, trung tâm thương mại và chung cư hỗn hợp tại lô đất 52 Lĩnh Nam đang chậm tiến độ ít nhất 6 tháng. Trao đổi với PV, Lilama Hà Nội thừa nhận không thể bàn giao nhà đúng hạn vào 31/12 năm nay.

 

Trước thực trạng vẫn có 10% người mua nhà không đồng ý tăng diện tích,  PV đặt vấn đề: Vẫn còn 10% số hộ không đồng ý tăng diện tích thì việc thiết kế có được sửa lại không?. Ông Hải khẳng định: “Xin lại giấy  phép rất khó khăn và vất vả. Việc xin lại giấy phép tăng diện tích để phù hợp với 10% các hộ không đồng ý tăng diện tích là không thể.”

 

Giải pháp mà Lilama Hà Nội đưa ra là thuyết phục các khách hàng còn lại đồng ý việc tăng diện tích này. Tuy nhiên, khi các khách hàng chưa đồng ý ký vào phụ lục việc tăng diện tích thì chủ đầu tư liên tục thông báo nhắc nhở bằng văn bản về việc đóng tiền phần tăng diện tích này.

 

Tính lãi suất tiền tăng diện tích?

 

Trao đổi với PV về việc tăng diện tích của Lilama, anh Tùng, khách hàng bị Lilama áp đặt tăng 5m2 nhưng không đồng ý bức xúc nói: “Lilama tùy tiện tăng diện tích rồi bắt chúng tôi phải theo ý của họ. Điều này không có trong hợp đồng nên tôi không đồng ý nhưng họ (Lilama Hà Nội) liên tục gửi thông báo đóng tiền đến chúng tôi như đòi nợ”.

 

Điều kỳ quặc hơn là phần tiền diện tích tăng được ghép vào với số tiền đóng theo tiến độ của hợp đồng mua nhà được ghi “số tiền nợ đợt cũ”, kèm theo lời cảnh báo của chủ đầu tư: “ Đối với quý khách hàng chậm nộp tiền, xin hãy lưu ý các điều khoản lãi chậm trả, điều khoản phạt của hợp đồng và thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký”.

 

Điều này khiến khách hàng của Lilama hiểu rằng: Nếu chậm hoặc không nộp số tiền tăng diện tích thì có thể bị phạt và phải trả lãi số tiền này.

 

Theo các khách hàng số tiền mà họ ra cho phần tăng diện tích là không nhỏ, bà Phạm Thị Quang nói với PV: “Khi mua nhà tôi chỉ mua 81m2. Nay phải tăng thêm 34m2 nữa. Gia đình khi mua nhà đã phải chạy vạy để nộp tiền cho đúng tiến độ tránh bị phạt rồi. Nay nộp thêm khoản tiền hơn 500 triệu phần diện tích tăng này thì tôi không thể thanh toán”

 

Nhận xét về phần tăng diện tích của Lilama Hà Nội, một chuyên gia trong Tổng hội Xây dựng cho rằng: “Với hợp đồng ban đầu chủ đầu tư ký với khách hàng có giá trị pháp lý cao nhất. Mọi điều khoản bổ sung phải căn cứ vào hợp đồng gốc và có sự đồng thuận từ phía khách hàng. Việc Lilama Hà Nội tự ý thay đổi thiết kế tăng diện tích cho dù chỉ một người mua nhà không đồng ý thì chủ đầu tư phải làm lại thiết kế. Trường hợp chủ đầu tư vẫn cố tính áp đặt, khách hàng để bảo vệ quyền lợi mình có quyền kiện chủ đầu tư ra tòa”.

 

Dự án chiếm dụng vốn, chậm tiến độ mong… thông cảm?! 

Khách hàng chậm đóng tiền từ một tuần, tới một tháng sẽ bị phạt 10% giá trị hợp đồng. Trong khi dự án chậm tiến độ chưa biết đến bao giờ hoàn thiện thì chủ đầu tư mong khách hàng chia sẻ, cảm thông. Đây chính là nghịch lý tiếp theo tại dự án Văn phòng làm việc, trung tâm thương mại và  nhà ở hỗn hợp tại 52 Lĩnh Nam của Lilama Hà Nội. Ông Phạm Duy Hải cho biết theo dự kiến ban đầu thì tới tháng 6/2012 sẽ hoàn thiện và thời gian bàn giao nhà cuối cùng sẽ là 31/12/2012. Ông Hải thừa nhận: “Cho tới thời điểm này thì dự án đã chậm tiến độ và cuối năm nay không thể bàn giao được nhà cho khách hàng”, ông này cũng chưa thể khẳng định được thời gian giao nhà.

Trong hợp đồng mua nhà giữa Lilama Hà Nội và khách hàng các điều khoản về tiến độ nộp tiền được quy định rất cụ thể: Nếu khách hàng chậm trễ trong tất cả các đợt nộp tiền thì chủ đầu tư sẽ có văn bản thông báo có thời hạn trong 7 ngày yêu cầu nộp tiền. Nếu quá 7 ngày mà khách hàng không nộp tiền, khách hàng sẽ bị phạt 10% giá trị hợp đồng.

Trường hợp khách hàng thanh toán trễ trong 30 ngày từ ngày có thông báo thì chủ đầu tư có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và không phải bồi thường bất cứ một khoản phí nào. Khi đó Lilama Hà Nội có quyền bán nhà cho người khác, đồng thời khách hàng vẫn phải chịu phạt 10% giá trị hợp đồng. Trong khi đó, trong hợp đồng không có bất cứ điều khoản quy định nào về tiến độ thời gian hoàn thành cụ thể của chủ đầu tư. Bởi không có dự kiến tiến độ hợp đồng nên các điều khoản phạt chủ đầu tư chậm về tiến độ là không xảy ra.

Hợp đồng của Lilama Hà Nội và người mua nhà có quy định khách hàng đóng tiền lên đến 95% khi  xây xong thô vào đợt đóng tiền lần thứ 3. Thời điểm hiện tại, khách hàng đã đóng tiền lần 2 và lần 3 cho Lilama tương đương với 70% và 95% giá trị hợp đồng. Với những khách hàng đã đóng tiền tới 95%  trong quy định hợp đồng thì phần thô của tòa nhà phải được xây xong.

Theo LS Bùi Quang Hưng, văn phòng luật BQH và cộng sư thì việc chiếm dụng vốn của khách hàng thường xảy ra ở những dự án mà chủ đầu tư năng lực tài chính hạn chế. Ông  Hưng cho hay, theo quy định thì khách hàng chỉ phải đóng 70% giá trị hợp đồng, khi bàn giao nhà thì mới phải đóng 30% còn lại. “Ở đây, ngay trong hợp đồng và trên thực chủ đầu tư đã huy động tới 95% là trái quy định. Để bảo vệ quyền lợi của mình, khách hàng có thể kiện và yêu cầu chủ đầu tư trả lãi trong thời gian chiếm dụng này”.
 
Thông Chí