Kẻ cười, người khóc khi giá dầu giảm về mức âm

Giá dầu thế giới đang giảm rất sâu vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội nếu biết tận dụng để tích trữ, chờ kinh tế phục hồi sau dịch.

Khi giá dầu Mỹ rớt dưới con số âm thì các công ty liên quan đến khai thác, chế biến, sản xuất dầu Việt Nam (VN) có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.

Ngược lại, người tiêu dùng và nhiều đối tượng khác hưởng lợi. Tuy vậy, giá xăng VN khó có thể giảm mạnh tương ứng theo giá thế giới do chi phí, thuế cao.

Lần đầu tiên lịch sử giá dầu dưới 0 USD/thùng

Lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu Mỹ đã rớt giá chưa từng thấy. Cụ thể, ngày 20/4, giá dầu thô WTI của Mỹ giao hàng tháng 5 rơi xuống mức âm 37,63 USD/thùng, thậm chí có thời điểm rớt xuống mức âm 40,32 USD/thùng.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải, giá dầu âm không có nghĩa là người bán cho tiền người mua để lấy dầu. “Hợp đồng tương lai yêu cầu người mua lấy dầu vào tháng 5 nhưng không ai muốn lấy vì không còn nơi để chứa dầu. Các nhà giao dịch đã tháo chạy khỏi hợp đồng tương lai tháng 5 trước khi hết hạn vào thứ Ba (21-4) để không bị mắc kẹt từ việc nhận dầu khi không có năng lực dự trữ lưu kho. Do đó, giá dầu âm được chốt để cân bằng trạng thái mua và bán. Giá âm đây là giá của hợp đồng tương lai chứ không phải là giá dầu âm” - ông Hải lý giải.

Theo ông Hải, nguyên nhân chính khiến giá dầu lao dốc nằm ở sức tiêu thụ giảm, vì trong bối cảnh dịch bệnh khiến các quốc gia phải cách ly xã hội dẫn đến hàng trăm ngàn máy bay nằm đất, mọi người trên toàn cầu giảm đi lại bằng xe hơi. Ngoài ra, do chuyển sang giai đoạn mùa hè nên hai khu vực tiêu thụ dầu lớn nhất là châu Âu và Bắc Mỹ đã giảm đi so với mùa đông.

“Điều này dẫn đến dầu được mệnh danh là vàng đen mất đi giá trị khi dầu đầy tràn khắp nơi” - ông Hải nói.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhận định nhu cầu dầu hỏa hiện tại xuống rất thấp do tình hình sản xuất, kinh doanh thế giới đình trệ. Những nước sử dụng dầu hỏa nhiều như Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Âu đang trong tình trạng kinh doanh cầm chừng. Trong khi đó, các ông lớn sản xuất dầu trên thế giới vẫn cố khai thác và bán để bổ sung ngân sách đã khiến giá dầu vỡ vụn.

Tuy vậy, các chuyên gia có chung nhận định đây là diễn biến trong tình huống đặc biệt và diễn ra trong một vài thời điểm, không phản ánh giá dầu thực chất.

Kẻ cười, người khóc khi giá dầu giảm về mức âm - 1

Giá dầu thế giới âm nhưng giá xăng khó giảm mạnh do gánh nhiều loại thuế, phí. Trong ảnh: Khách hàng mua xăng tại TP.HCM. Ảnh: Tú Uyên

Kẻ cười, người khóc

Theo ông Hải, với giá dầu giảm như hiện nay thì VN, một nước vừa xuất vừa nhập dầu, sẽ có một bên được lợi và bên kia bất lợi. Những công ty nhập xăng dầu ở thời điểm này về bán có thể được lợi vì giá nhập rẻ và bán lại giá rẻ cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, các công ty liên quan đến khai thác, sản xuất dầu trong nước gặp khá nhiều bất lợi.

“Chẳng hạn, các công ty lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn lấy dầu từ các mỏ khai thác tại VN vốn có giá thành khá cao và khi lọc các sản phẩm xăng dầu thì càng làm càng lỗ vì không thể cạnh tranh lại với hàng nhập khẩu” - ông Hải dẫn chứng.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Chủ tịch Hội Thẩm định giá, nói giá dầu xuống quá thấp như vừa qua thì thị trường dầu khí VN sẽ bị tác động rất lớn. Về mặt tích cực, VN vẫn phải nhập khẩu dầu thế giới, sẽ giúp giảm chi phí việc nhập khẩu xăng dầu. Cạnh đó, khi giá dầu thế giới giảm thì VN cũng phải giảm giá xăng dầu trong nước, giúp người tiêu dùng giảm chi phí tiêu dùng xăng dầu. Về vĩ mô, giúp giảm áp lực về kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, ông Thỏa cho rằng ngoài những yếu tố tích cực thì giá dầu càng giảm, nguồn thu của ngân sách nhà nước giảm theo. Trong đó bao gồm nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu, các loại thuế, nguồn thu từ xăng dầu thành phẩm bán ra trên thị trường nội địa... Điều này gây nhiều khó khăn cho ngành dầu khí VN. Thậm chí kể cả những người kinh doanh xăng dầu cũng chịu ảnh hưởng vì lúc mua vào giá cao, nay phải bán ra giá thấp.

 

Có thể mua vào lúc giá rẻ

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, phân tích: Hiện nay, những nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới đang chịu thiệt hại vì tình trạng giá dầu xuống thấp. VN là một nước sản xuất dầu thô dù tỉ trọng khá nhỏ bé trên thị trường thế giới cũng trong tình trạng như trên.

Vấn đề đặt ra là cần giảm được sự thiệt hại đó, có thể là đa dạng đầu ra nhưng với tình hình dư cung cầu thì khó có thể làm được chuyện này. Yếu tố mấu chốt nhất hiện nay là tính toán lại các chi phí đầu vào để giảm giá thành sản xuất.

Mặt khác, hiện nay giá dầu vật chất thấp nhất chỉ vào khoảng 10-15 USD/thùng. Do vậy, đây cũng là cơ hội để các công ty VN nên mua vào. Với dầu sản xuất trong nước kết hợp dầu nhập giá rẻ sẽ giúp các doanh nghiệp xăng dầu hòa giá để quân bình.

Chia sẻ về giải pháp ứng phó trong bối cảnh này, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng ngành dầu khí VN cần phải hết sức cân nhắc. Nếu trong trường hợp bất khả kháng, cần tính toán những mỏ khai thác có năng suất kém, giá thành cao cho đóng cửa tạm thời.

Cạnh đó, cần điều chỉnh và giảm công suất khai thác, tăng lượng trữ dầu. Ngành dầu khí cần thương lượng với khách hàng sử dụng nhiên liệu xăng dầu và tự mình có chính sách hỗ trợ khả năng tiếp nhận của các khách hàng sử dụng xăng dầu.

“Ngành dầu khí cũng phải nghiên cứu cách quản trị, cắt giảm các chi phí ở mức cần thiết có thể. Nhà nước nghiên cứu thêm cơ chế về thu nộp trong bối cảnh này, như giãn các khoản thu nộp. Ngân hàng xem xét lãi suất để giúp các nhà kinh doanh vượt qua khó khăn” - ông Thỏa đề xuất.

Không có chuyện giá xăng sẽ 0 đồng/lít

Nhìn về giá xăng trong nước khi giá dầu lao dốc về dưới âm, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng người sử dụng xăng dầu kỳ vọng giá tiếp tục xuống nhưng đừng nghĩ đến chuyện các trạm xăng cung cấp xăng miễn phí. Vì giá dầu âm không phản ánh giá dầu thực chất.

VN vẫn phải nhập khẩu xăng theo giá thế giới và điều chỉnh giá xăng nội địa. Trong khi chi phí và thuế xăng VN khá cao, chiếm hơn nửa tỉ trọng giá xăng, trong đó nhiều nhất là thuế bảo vệ môi trường 3.800 đồng/lít với xăng E5 và 4.000 đồng với A95. Do vậy, giá xăng sẽ ở mức thấp trong kỳ điều chỉnh sắp đến chứ không có chuyện sẽ chạy về bằng 0.

Kẻ cười, người khóc khi giá dầu giảm về mức âm - 2

Nhiều ngành như đánh bắt hải sản, vận tải… sẽ hưởng lợi  khi giá xăng dầu giảm. Ảnh: PM 

Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết do VN không nhập dầu thô để phục vụ bán lẻ mà nhập dầu thành phẩm tham chiếu giá từ thị trường Singapore nên không chịu tác động nhiều từ diễn biến tại Mỹ. Theo đó, giá dầu thành phẩm tại thị trường Singapore chỉ giảm nhẹ xuống mức khoảng 22-25 USD/thùng. Tuy vậy, xu hướng giảm giá chung tất cả mặt hàng cũng sẽ tạo tác động tích cực đến giá xăng dầu bán lẻ trong nước.

Ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex), cũng cho rằng giá dầu WTI không ảnh hưởng trực tiếp đến giá sản phẩm tại Singapore, vốn được dùng làm thông số để tính giá cơ sở cho các kỳ điều hành giá trong nước. Biến động tăng giảm của giá dầu thô (WTI/Brent) và giá sản phẩm thường không tỉ lệ thuận mà phụ thuộc vào cung cầu và thị trường.

Thu ngân sách có thể giảm 18.600 tỉ đồng

Tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho hay: Trong quý 1-2020, doanh thu của Petrolimex ước đạt 28.449 tỉ đồng, giảm 1.706 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019, ước lỗ 572 tỉ đồng.

Cơ quan trên cũng cho rằng nếu cả năm 2020, do tác động từ cuộc chiến thương mại, giảm giá dầu lửa, nguồn thu ngân sách nhà nước từ dầu thô có thể giảm từ 3.111 tỉ đồng đến 18.600 tỉ đồng, tùy theo mức độ phục hồi của giá dầu thế giới.

Tăng cường nhập khẩu xăng dầu

 

Ngày 21/4, Hiệp hội Năng lượng VN vừa đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu thực hiện các giải pháp, tận dụng tối đa dung tích các kho, bể chứa xăng dầu hiện có để tăng cường nhập khẩu xăng dầu (dầu thô và các sản phẩm xăng dầu). 

Theo Phương Minh - An Hiền

Pháp luật TPHCM