1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

IPO Tổng công ty Sông Đà: Hàng “ế” hơn 99,6%!

(Dân trí) - Phiên IPO công ty mẹ Tổng công ty Sông Đà thu hút 229 nhà đầu tư tham gia, có nhà đầu tư trả giá đến 200.000 đồng/cổ phần so với mức giá khởi điểm 11.000 đồng, thế nhưng kết quả lại chỉ có 0,37% cổ phần chào bán được bán thành công.

Khối lượng cổ phần công ty mẹ TCT Sông Đà chào bán thành công rất khiêm tốn.
Khối lượng cổ phần công ty mẹ TCT Sông Đà chào bán thành công rất khiêm tốn.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố kết quả mua cổ phần của Công ty mẹ Tổng công ty Sông Đà.

Theo đó, doanh nghiệp này đã tổ chức chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 219,6 triệu cổ phần, tương đương 48,82% vốn điều lệ sau cổ phần hóa với mức giá khởi điểm 11.000 đồng/cổ phần.

Tham dự phiên đấu giá có tổng cộng 229 nhà đầu tư cá nhân, song khối lượng đăng ký mua hợp lệ lại chỉ đạt 801.500 cổ phần, tương đương 0,37% khối lượng cổ phần chào bán. Điều thú vị là trong số đó, có nhà đầu tư đặt mua với mức giá lên tới 200.000 đồng/cổ phần.

Kết quả, phiên đấu giá bán được 790.900 cổ phần, chiếm 0,36% số cổ phần đưa ra đấu giá, tổng giá trị đạt hơn 8,8 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả này, có đến 99,63% cổ phần của công ty mẹ Tổng công ty Sông Đà bị “ế” trong ngày “ra mắt” nhà đầu tư.

Về tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, theo thông tin vừa được ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cung cấp, tính tới 20/12, cả nước mới chỉ có 21 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa trong danh sách 44 đơn vị cả năm nay.

Như vậy, chỉ còn vài ngày nữa là hết năm nhưng tiến độ cổ phần hóa hiện chưa đạt “non” một nửa (47,7%) dự kiến trước đó.

Theo đánh giá của ông Tiến, cách làm cổ phần hoá DNNN lớn trong năm nay cần phải được rút kinh nghiệm cho năm tới, bởi khi nguồn cung lớn thì sẽ tạo áp lực lên thị trường. “Năm nay, đầu năm túc tắc, cuối năm chạy, làm cho bức tranh điều hành dồn dập, thị trường bị dồn vào một thời điểm”.

Trong năm 2018, một số tên tuổi lớn sẽ có mặt như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil)... Trong đó, riêng BSR, PVPower và PVOil đã có quy mô vốn lên tới hơn 100.000 tỷ đồng. Đặc biệt, VRG theo dự tính có quy mô vốn lên tới 150.000 tỷ đồng.

Bích Diệp

IPO Tổng công ty Sông Đà: Hàng “ế” hơn 99,6%! - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm