Vốn chủ sở hữu âm 2.200 tỷ đồng, kiểm toán "cạn lời" với Sông Đà - Thăng Long

(Dân trí) - Là chủ đầu tư của Tổ hợp chung cư cao cấp USilk City có quy mô lên đến 13 khối nhà cao tầng với 2.700 căn hộ, nhưng Sông Đà - Thăng Long đang bị "sa lầy" khi lỗ lũy kế lên tới 2.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 2.200 tỷ đồng và tổng công nợ ngắn hạn đã vượt tổng tài sản ngắn hạn xấp xỉ 3.900 tỷ đồng.

Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây vừa ra thông báo hạn chế giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM đối với cổ phiếu STL của Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long.

Theo đó, 15 triệu cổ phiếu STL với giá trị theo mệnh giá 150 tỷ đồng của Sông Đà - Thăng Long sẽ chỉ được giao dịch vào phiên thứ sáu hàng tuần, bắt đầu từ 22/6/2016.

Giải thích cho quyết định này, HNX cho biết, do STL có vốn chủ sở hữu được phản ánh trong báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2015 bị âm tới 2.206,6 tỷ đồng. Tổ chức kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2015 của STL. Và theo đó, STL thuộc trường hợp chứng khoán đăng ký giao dịch bị hạn chế theo quy định hiện hành.

HNX cho biết, Sở này sẽ có thông báo về việc cho phép cổ phiếu STL được giao dịch trở lại bình thường sau khi công ty khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc chứng khoán bị hạn chế giao dịch như đã đề cập ở trên.


Phối cảnh USilk City, dự án đầy bê bối của Sông Đà - Thăng Long

Phối cảnh USilk City, dự án đầy bê bối của Sông Đà - Thăng Long

Báo cáo tài chính hợp nhất của STL cho thấy, tại thời điểm 31/12/2015, tổng công nợ ngắn hạn của công ty này đã vượt tổng tài sản ngắn hạn với số tiền xấp xỉ 3.900 tỷ đồng, đồng thời lỗ lũy kế lên tới 2.000 tỷ đồng. Ban lãnh đạo STL cho biết đã xây dựng phương án kinh doanh để đảm bảo khả năng thanh toán của công ty trong thời gian ít nhất 1 năm tới.

Tuy nhiên, theo đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn tài chính quốc tế (IFC), phía kiểm toán "không thu thập được các bằng chứng kiểm toán hữu hiệu để đánh giá sự phù hợp của giả định hoạt động liên tục của công ty". Do đó, IFC đã quyết định từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán.

Ngoài ra, IFC cũng cho biết, tại ngày 31/12/2015, STL chưa thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng các khoản công nợ phải thu đã quá hạn thanh toán với số tiền 1.102 tỷ đồng. Nếu ghi nhận đầy đủ khoản dự phòng phải thu khó đòi trên thì theo đơn vị kiểm toán, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của STL trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất năm 2015 sẽ bị giảm với số tiền tương ứng.

Đơn vị kiểm toán "phàn nàn" rằng, tại thời điểm 31/12/2015, các khoản công nợ phải thu, phải trả của công ty chưa được đối chiếu xác nhận đầy đủ.

"Chúng tôi đã thực hiện gửi thư xác nhận, tuy nhiên tại ngày phát hành báo cáo này, chúng tôi không nhận được đầy đủ thư xác nhận cho các khoản công nợ trên. Với những tài liệu hiện có tại công ty, chúng tôi không thể kiểm tra được tính đúng đắn về các số liệu này bằng các thủ tục kiểm toán khác", theo IFC.

Mới đây, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016, STL lên kế hoạch doanh thu 330 tỷ đồng, gấp 11 lần so với năm 2015, tuy nhiên lại không đề cập đến chỉ tiêu lợi nhuận. Năm 2015, STL ghi nhận lỗ 910 tỷ đồng.

STL được biết đến với Tổ hợp chung cư cao cấp USilk City hay còn gọi là Khu đô thị Văn Khê mở rộng tại Hà Đông, Hà Nội. Dự án này có quy mô lên đến 13 khối nhà cao tầng với 2.700 căn hộ được xây dựng trên khu đất 89.577,6 m2 trải dài khoảng 1 km đường Lê Văn Lương kéo dài, có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2015, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn mà công ty ghi nhận tại dự án USilk City là 1.552 tỷ và số tiền người mua trả tiền trước là 864 tỷ đồng.

USilk City được khởi công xây dựng từ tháng 9/2008 nhưng đến nay đã bị chậm tiến độ bàn giao nhà lên tới gần 4 năm. Trong vòng 4 năm qua, mặc dù nhiều lần hứa hẹn song tiến độ bàn giao dự án này vẫn rất chậm chạp, việc khiếu kiện xảy ra thường xuyên và chưa có hồi kết.

Hồi tháng 3 năm nay, lãnh đạo STL đã gặp Ban Đại diện khách hàng dự án Usilk để thông báo về kế hoạch hợp tác toàn diện với Công ty CP Đầu tư Hải Phát. Theo đó, tòa CT2-105 và CT1-104 được chuyển nhượng cho Hải Phát, đồng thời, Hải Phát cũng hợp tác toàn diện với STL để tiếp tục "hồi sinh" các tòa nhà khác trong khuôn khổ dự án Usilk City.

Trong năm vừa rồi, tổng giá trị thực hiện đầu tư của STL đạt 41% kế hoạch với 210,6 tỷ đồng, toàn bộ số này dành cho dự án Khu Văn Khê mở rộng, trong khi đó, các dự án khác đều đã phải tạm dừng để cân đối nguồn vốn đầu tư.

Tình trạng kinh doanh lao dốc của STL với hàng loạt dự án "chết lâm sàng" được giới chuyên gia đánh giá là điển hình của tình trạng các doanh nghiệp bất động sản có tiềm lực tài chính yếu nhưng lại ham "làm ăn lớn", nguồn tiền chủ yếu trông đợi vào huy động khách hàng hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính.

Bích Diệp