1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Kết thúc ngày thứ tư phiên tòa xử Huyền Như và đồng bọn:

Huyền Như ngang nhiên từ chối nhiều câu hỏi của luật sư tại tòa

(Dân trí) - Trả lời thẩm vấn của luật sư, bị cáo Huyền Như cùng đồng phạm của mình là Võ Anh Tuấn không chỉ phủi trách nhiệm trắng trợn mà còn có lúc thẳng thừng từ chối câu hỏi của luật sư.

Siêu lừa cùng đồng bọn có lúc coi như không liên quan đến vụ việc này
"Siêu lừa" cùng đồng bọn có lúc coi như "không liên quan" đến vụ việc này

Ngày 9/1, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và 22 đồng phạm chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của các cá nhân, tổ chức dành trọn thời gian cho các luật sư tranh tụng tại tòa thẩm vấn các bị cáo. Đa phần các câu hỏi đều tập trung vào chủ mưu Huyền Như và Võ Anh Tuấn (phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè).

“Tài khoản khách hàng, khách hàng tự quản lý”

Luật sư bảo vệ quyền lợi chung của 3 công ty: Hưng Yên, Phúc Vinh và Thịnh Phát thẩm vấn bị cáo Huyền Như: “Khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng thì tài khoản của khách hàng ai quản lý?”. Huyền Như lúng túng đáp: “Dạ, nếu khách hàng gửi vào tại ngân hàng thì khách hàng phải có trách nhiệm tự quản lý tài khoản của mình”.

Với thủ đoạn làm giả các giấy tờ, con dấu, chữ ký, Huyền Như đã huy động vốn từ 3 công ty Hưng Yên, Phúc Vinh và Thịnh Phát Như rồi lừa đảo, chiếm đoạt gần 1.600 tỷ đồng. Trả lời chất vấn của luật sư, Huyền Như tỉnh bơ: “Khi tham gia giao dịch với 3 công ty trên, bị cáo lấy danh nghĩa của ngân hàng nhưng thực ra huy động tiền riêng cho bị cáo”.

Trả lời câu hỏi của các luật sư, bị cáo Võ Anh Tuấn cho rằng trách nhiệm quản lý tiền và tài khoản là của khách hàng chứ không phải của ngân hàng. Bị cáo Huyền Như cũng “hùng hồn” đổ trách nhiệm cho khách hàng khi khẳng định: “Việc quản lý tài khoản thế nào là việc của khách hàng. Việc khách hàng bị mất tiền cũng không thuộc trách nhiệm của ngân hàng nơi khách hàng mở tài khoản”.

Luật sư Trương Thanh Đức tham gia bảo vệ quyền lợi cho phía ngân hàng Navibank (đơn vị được xác định thiệt hại 200 tỷ đồng) đặt câu hỏi theo hướng truy vấn về nghiệp vụ ngân hàng đối với bị cáo Huyền Như và Võ Anh Tuấn thì 2 bị cáo này thẳng thừng từ chối.

Bức xúc vì thái độ của 2 bị cáo này, trước khi kết thúc phần thẩm vấn, luật sư Trương Thanh Đức đã khẳng định trước HĐXX rằng: “Phía bị hại đã gửi tiền vào ngân hàng, bị lừa đảo mà các bị cáo trả lời thế này thì chẳng khác nào “giao trứng cho ác”.

Liệu trách nhiệm của các bên liên quan có được làm rõ?

Trong phần thẩm vấn, nhiều luật sư cho biết rất muốn chất vấn đại diện phía Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Vietinbank, đơn vị được tòa xác định là có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Luật sư Đặng Ngọc Châu (bảo vệ quyền lợi cho công ty Cổ phần bảo hiểm Toàn Cầu - đơn vị bị thiệt hại 125 tỷ đồng) hỏi đại diện Vietinbank về trách nhiệm của ngân hàng này đối với các nhân viên của mình, trách nhiệm của ngân hàng với tài khoản tiền gửi của khách hàng.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm (bảo vệ quyền lợi cho Công ty chứng khoán SaigonBank- Bejaya, đơn vị bị chiếm đoạt 225 tỷ đồng) đề nghị đại diện Vietinbank xem kỹ lại quy định về trách nhiệm pháp luật của ngân hàng đối với các tài khoản của khách hàng.

Tuy nhiên, những câu hỏi về trách nhiệm của Vietinbank đối với khách hàng, đại diện Vietinbank khẳng định mọi quy định về tiền gửi, trách nhiệm của ngân hàng với khách hàng đều theo quy định của pháp luật. Với những câu hỏi “xoáy” của luật sư thì đại diện Vietinbank không trả lời hoặc ghi nhận và trả lời sau.

Nhận thấy có nhiều luật sư “truy” trách nhiệm Vietinbank, trong khi người đại diện ngân hàng này trả lời có phần “nóng nảy”, chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu các luật sư đặt vấn đề trước, sau đó Vietinbank sẽ ghi nhận và trả lời toàn bộ các câu hỏi một lần để khỏi mất thời gian. Điều này khiến luật sư không thể phát triển thêm được câu hỏi để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.

Công Quang – Trung Kiên
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước