Huy động tổng lực “giải cứu” nông sản

(Dân trí) - Trước tình hình xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm mạnh và hoạt động tiêu thụ đối mặt nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã “hiệu triệu” và giao việc cụ thể cho từng Bộ, ngành để nhằm tháo gỡ.

Huy động tổng lực “giải cứu” nông sản (ảnh minh họa).
Huy động tổng lực “giải cứu” nông sản (ảnh minh họa).
 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), trong 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 8,5 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ.
 
Trong đó, xuất khẩu nông sản chính ước đạt 4,5 tỷ USD, giảm 5,1%; xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,9 tỷ USD, giảm 15%; xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Đáng lo ngại là kim ngạch xuất khẩu gạo, cà phê, thủy sản giảm mạnh.
 
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, các khó khăn vướng mắc chủ yếu là nguồn cung các nước xuất khẩu dồi dào, cạnh tranh gay gắt, nhất là gạo, tôm. Nhiều nước duy trì giá nội tệ thấp khiến xuất khẩu của Việt Nam bất lợi; xu hướng bảo hộ của các nước gia tăng.
 
Trong khi đó, nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam lại đối mặt với vấn đề an toàn thực phẩm; kinh phí xúc tiến thương mại hạn chế; doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong tiếp cận vốn; năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu...
 
Trước những khó khăn trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Công Thương theo thẩm quyền thành lập Tổ công tác liên ngành về đẩy mạnh xuất khẩu và quản lý nhập khẩu; tập trung đẩy nhanh công tác đàm phán các hiệp định thương mại, thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương để tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản. Bộ Công Thương cũng được giao tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; điều hành hợp lý hoạt động tạm nhập tái xuất không để ảnh hưởng đến xuất khẩu nông lâm thủy sản qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới.
 
Nhiệm vụ của Bộ NNPTNT rà soát quy định về kiểm dịch thực vật để sửa đổi các quy định về kiểm dịch và mặt hàng kiểm dịch chưa phù hợp, gây khó khăn cho xuất khẩu; xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với kiến nghị chỉ cần giấy chứng nhận kiểm dịch khi nước nhập khẩu có yêu cầu.
 
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để xử lý theo thẩm quyền đối với kiến nghị về gói tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 
Về phần Bộ Tài chính, cơ quan này được giao xem xét kiến nghị về thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng chè, cao su sơ chế và thuế đối với các linh kiện, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất sản phẩm cao su kỹ thuật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2015.
 
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải xem xét, xử lý kiến nghị về nghiên cứu cơ chế đặc thù cho phương tiện xe cơ giới quá tải vận chuyển hàng hóa nông sản phục vụ xuất khẩu và việc kiểm soát tăng cước phí của các hãng tàu; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 
Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”