Quốc hội yêu cầu Chính phủ tính đầu ra cho nông sản
(Dân trí) - Đánh giá về báo cáo kinh tế của Chính phủ trong phiên khai mạc sáng nay 20/5, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội một lần nữa nhắc đến tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ nông sản ... gây thiệt hại và bức xúc cho người dân.
Theo đánh giá của Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Chính phủ cần phân tích, đánh giá tác động toàn diện hơn về công tác điều hành chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm 2014, bởi theo số ước thực hiện báo cáo tại Kỳ họp thứ 8 và số liệu kết quả thực tế có sự chênh lệch quá lớn.
Cụ thể, CPI kế hoạch Quốc hội giao tăng khoảng 7%, số báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 tăng 4,5 - 4,6%, số liệu đánh giá lại chỉ tăng 1,84% so với tháng 12/2013 bởi công tác dự báo, điều hành CPI sẽ tác động mạnh đến kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân và tâm lý xã hội, tâm lý thị trường.
Giải bài toán “được mùa, mất giá”
Tại phiên khai mạc sáng nay, Quốc hội một lần nữa lại nhắc về thực trạng sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, vẫn xảy ra tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm... gây thiệt hại và bức xúc cho người dân.
“Mặc dù có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc ban hành các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng vẫn còn lúng túng, vướng mắc trong việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý thành công trong thực tiễn, nhất là mô hình liên kết chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp còn chậm…”, ông Giàu nhấn mạnh.
Do đó, theo yêu cầu của Quốc hội, đối với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chính phủ cần tập trung giải quyết những vướng mắc hiện nay, trong đó cần xác định rõ những lợi thế và các loại sản phẩm của từng địa phương, nâng cao tính hiệu quả trong tổ chức thực hiện tái cơ cấu, giải pháp hàng đầu vẫn là công tác quy hoạch, kế hoạch sản xuất.
Đồng thời, theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đến việc tổng kết, hoàn thiện mô hình quản lý, mô hình sản xuất nông nghiệp, phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới thông qua các mô hình này để nâng cao hiệu quả việc ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu, tăng năng suất lao động và giảm rủi ro thị trường. Đảm bảo đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu như địa điểm kho chứa hàng hóa, kho sơ chế bảo quản nông sản, bãi đỗ phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu đáp ứng được yêu cầu, tăng cường năng lực thông quan tại các cửa khẩu giải quyết cơ bản bất cập xảy ra gần đây.
Lo dòng vốn FDI rút khỏi thị trường
Đánh giá về tình hình kinh tế, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động lớn, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động có lãi thấp. Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn nhà nước còn chậm, chất lượng và hiệu quả tái cơ cấu chưa cải thiện nhiều.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng lên, khu vực FDI đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế , nhất là đóng góp kim ngạch xuất khẩu tới 65% - 67% tổng kim ngạch xuất khẩu, chỉ riêng SamSung Việt Nam đã đóng góp xuất siêu 10 tỷ USD trong 2 năm: năm 2013 xuất siêu 3,9 tỷ USD, năm 2014 xuất siêu 6,1 tỷ USD đã tạo nguồn ngoại tệ dồi dào và góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, tác động của FDI trong việc nâng cao trình độ công nghệ cho nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nét. Có ý kiến quan ngại rằng, nếu nguồn vốn FDI rút khỏi thị trường sẽ tác động xấu đến sự phát triển bền vững nền kinh tế nước ta.
Ghi nhận những kết quả đạt được như kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, tăng trưởng GDP quý I có mức phục hồi rõ rệt, đạt 6,03%, mức tăng cao nhất so với cùng kỳ những năm gần đây, số thu ngân sách đạt khá, Uỷ Ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, tăng trưởng chưa thực sự bền vững do tác động về giá dầu thô ở mức thấp. Chất lượng nguồn lao động chưa cải thiện nhiều, vẫn thiếu hụt lao động có trình độ cao.
Một số ý kiến cũng lo ngại về xu hướng nhập siêu lớn trong những tháng đầu năm 2015, 4 tháng đã nhập siêu 3 tỷ USD tương đương khoảng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội là 5%, trong đó có nguyên nhân do kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp, thủy sản giảm 15,8% so cùng kỳ, đồng thời lo ngại sự phụ thuộc lớn vào nhập khẩu một số thị trường. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chịu sự tác động từ sự sụt giảm của giá cả hầu hết hàng hóa trên thế giới, trong đó có cả những hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế. Dự báo xuất khẩu năm 2015 sẽ khó khăn hơn, nhất là cầu bên ngoài còn yếu và nhiều nước giảm giá mạnh đồng tiền so với đồng USD, dẫn đến thâm hụt thương mại trong năm 2015 ở mức cao.
Nợ công tiếp tục gia tăng với tốc độ cao, trong năm 2015, dự báo nghĩa vụ trả nợ ở mức cao. Cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước còn chậm nên khó có thể hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2014-2015. Chủ trương thực hiện liên kết vùng thiếu giải pháp cụ thể, thiếu các quy định pháp lý ràng buộc nên kết quả đạt được chưa cao, hiệu quả chưa rõ nét.
Những tháng còn lại của năm 2015 dự báo tình hình diễn biến không thay đổi lớn so với dự báo đầu năm.
Theo đó, Quốc hội đề xuất Chính phủ cần tập trung hoàn thành phê duyệt các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và từng địa phương chậm nhất là cuối quý II năm 2015. Giảm tỷ lệ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà nhà nước không cần giữ chi phối; tăng cường giám sát tài chính, giám sát hoạt động và đổi mới đội ngũ lãnh đạo quản lý doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Nghiên cứu, xem xét để trình Quốc hội ban hành Luật hoặc Nghị quyết riêng về cổ phần hóa DNNN để bảo đảm hiệu quả của quá trình cổ phần hóa, tăng cường giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Kiên trì thực hiện các nguyên tắc thị trường trong quản lý kinh tế tiến đến tiệm cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, hình thành giá thị trường đối với mặt hàng xăng dầu, giá phí vận tải và giá dịch vụ khác. Đồng thời, phải xây dựng phương án ứng phó khi giá các mặt hàng như giá lương thực, giá dầu và giá các mặt hàng đầu vào của sản xuất tăng cao trở lại.
Nguyễn Hiền