DBiz

Hơn 115.000 tỷ đồng dòng vốn "siêu rẻ" trở lại ngân hàng

Nhật Quang
Hơn 115.000 tỷ đồng dòng vốn "siêu rẻ" trở lại ngân hàng

Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) là loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất tại các ngân hàng. Hiện tại, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn được áp trần tại mức 0,5%/năm. 

Giới chuyên gia nhận định CASA là nguồn tiền có chi phí đầu vào rẻ, gần như bằng 0. Với lợi thế từ dòng vốn rẻ, các nhà băng có thể tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, tỷ lệ CASA cũng gián tiếp phản ánh hiệu quả của chính sách phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện ích trong thu hút và tạo nền tảng khách hàng. Nhiều năm qua, các ngân hàng đã đầu tư nguồn lực lớn cho chuyển đổi số, nâng cấp công nghệ, gia tăng trải nghiệm nhằm thu hút khách hàng, giữ chân nguồn tiền vãng lai, tiền gửi thanh toán.

Tuy nhiên, trong hơn một năm qua tỷ lệ CASA đã có xu hướng giảm mạnh do nền lãi suất tăng cao vào thời điểm cuối năm 2022. Nhà đầu tư khi đó có xu hướng gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn để hưởng lãi suất cao, từ đó phần nào tác động đến tiền gửi trong tài khoản thanh toán.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, giai đoạn từ cuối năm 2022 đến giữa tháng 3, nhiều ngân hàng neo lãi suất chạm mốc 9-10%/năm, nếu áp dụng thêm ưu đãi lãi suất có thể lên đến 11-12%/năm.

Bước sang giai đoạn quý II, nền lãi suất trong quý II giảm về quanh mốc 6,5-7,5%/năm. Sự đảo chiều của xu hướng lãi suất từ tăng sang giảm được cho là đóng vai trò dẫn dắt cho việc phục hồi của tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong quý II.

Dòng vốn rẻ có tín hiệu trở lại

Từ số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2023 của 28 ngân hàng, phóng viên Dân trí ghi nhận tổng lượng tiền gửi khách hàng tính đến cuối quý II tại các ngân hàng là hơn 9 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm.

Tổng tiền gửi không kỳ hạn đạt hơn 1,62 triệu tỷ đồng, giảm gần 4% so với đầu năm. Tuy nhiên, nếu so với con số hơn 1,5 triệu tỷ đồng tại thời điểm cuối quý I, lượng tiền gửi không kỳ hạn đã có sự cải thiện khi có mức tăng 7%, tương đương các ngân hàng có thêm hơn 115.200 tỷ đồng vốn rẻ.

Với lợi thế về quy mô, nhóm ngân hàng Big 4 (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) dẫn đầu về lượng tiền gửi không kỳ hạn với hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 57% tổng lượng tiền gửi không kỳ hạn của hệ thống.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị ghi nhận tiền gửi không kỳ hạn cải thiện so với đầu năm. Cụ thể, VietBank ghi nhận mức tăng 33% lên hơn 6.910 tỷ đồng. VPBank ghi nhận mức tăng 12% lên hơn 56.281 tỷ đồng. Theo sau, KienlongBank tăng 12%, lên 2.265 tỷ đồng, OCB tăng 6%, lên 11.449 tỷ đồng…

Về tỷ lệ CASA, nếu như cuối quý I hầu hết ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm so với cuối năm 2022, giảm phổ biến quanh mốc 1-5 điểm % thì bước sang quý II, 21/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ này cải thiện so với quý trước.

Tỷ lệ CASA bình quân các đơn vị tăng từ mức 17,4% cuối quý I lên hơn 18% vào cuối quý II. Mặc dù tỷ lệ này vẫn thấp hơn mức 20,3% của cuối năm 2022, thế nhưng số liệu quý II đã phản ánh dòng vốn rẻ này đã có tín hiệu trở lại các ngân hàng.

Xét về tỷ lệ, 5 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất quý II lần lượt là MB, Techcombank, Vietcombank, MSB, ACB. Trong đó, MB hiện là nhà băng có tỷ lệ CASA cao nhất, đạt 34,5%. Tỷ lệ này giảm 3 điểm % so với đầu năm nhưng đã cải thiện 1,5 điểm % so với cuối quý I.

Đứng thứ 2 là Techcombank với tỷ lệ 32,8%, tăng 2,3 điểm % so với quý I, dù giảm 1,5 điểm % so với đầu năm. Theo sau là Vietcombank ghi nhận tỷ lệ CASA đạt 28,1%, MSB (22,5%), ACB (20,4%)…

Xét về mức độ cải thiện tỷ lệ CASA, VietBank, Techcombank, TPBank, OCB, LPBank, và SeABank là những đơn vị ghi nhận có mức tăng trên 2 điểm %.

Lãi suất đảo chiều dẫn dắt CASA hồi phục

TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, nhận định CASA cải thiện phản ánh từ việc chính sách tiền tệ nới lỏng đang phát huy tác dụng. Tài khoản thanh toán rủng rỉnh hơn so với trước đây và tính thanh khoản của nền kinh tế dần hồi phục.

Yếu tố chính giúp CASA tăng trở lại là do mức lãi suất huy động đã được dần kéo giảm từ thời điểm cuối tháng 3. Khi đó, phần lớn người dân không còn động lực gửi tiết kiệm, mà để tiền vào tài khoản thanh toán, tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại các kênh tốt hơn.

Bên cạnh đó, tiền gửi không kỳ hạn của các doanh nghiệp cũng có xu hướng tăng. Do trong bối cảnh hiện nay lượng cầu không quá mạnh, nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn. Các đơn vị sẽ có xu hướng gửi tiền tiết kiệm hoặc để tiền trong tài khoản thanh toán.

Đồng quan điểm, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng CASA cải thiện phản ánh việc tiền trong tài khoản thanh toán của cá nhân cũng như các doanh nghiệp đã tăng lên, do họ có những khoản thu nhập và chi tiêu trước mắt chưa dùng đến nên gửi vào ngân hàng.

Tỷ lệ CASA tăng còn đến một phần từ việc cải thiện công nghệ số của ngân hàng. Các ngân hàng càng áp dụng nhiều công nghệ, cải thiện chất lượng dịch vụ, càng thu hút được nhiều khách hàng. Các đơn vị đầu tư cho công nghệ nhiều gần đây cũng thu hút được lượng khách hàng rõ rệt, ông Trọng Thịnh đánh giá.

Hơn 115.000 tỷ đồng dòng vốn siêu rẻ trở lại ngân hàng - 1

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn có thể đã tạo đáy và sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tương lai nào cho CASA?

TS Nguyễn Hữu Huân cho biết trong những quý tới, tỷ lệ CASA sẽ có sự cải thiện tốt hơn nữa, tuy nhiên sự cạnh tranh về chỉ số này giữa các ngân hàng trong hệ thống cũng sẽ khốc liệt hơn và sẽ có sự phân hóa. Những ngân hàng có quy mô lớn, độ phủ phòng giao dịch cao và có uy tín sẽ là những đơn vị thu hút được lượng tiền gửi CASA nhiều hơn.

Thời gian trước, các nhà băng cạnh tranh nguồn vốn rẻ này bằng cách miễn phí các dịch vụ internet banking, mobile banking… để khuyến khích người dùng mở tài khoản, thanh toán. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn tặng tiền cho người dùng khi mở tài khoản.

Sắp tới, để tiếp tục cạnh tranh CASA, các ngân hàng sẽ phải bỏ ra mức chi phí ngày càng đắt đỏ cho đầu tư công nghệ, các chương trình ưu đãi… để thu hút tiền gửi của khách hàng, ông Huân nhận định.

Còn theo nhận định của một công ty chứng khoán, xu hướng lãi suất hạ nhiệt sẽ giúp tỷ lệ CASA toàn ngành cải thiện kể từ nửa cuối năm nay. Theo đó, các ngân hàng có lượng khách hàng cá nhân thường xuyên dồi dào như Vietcombank, MB, Techcombank… sẽ có được nguồn vốn huy động nhiều hơn và duy trì lợi thế chi phí vốn thấp.