Hoàng kim kiếm tiền tỷ, hết thời bán xe trốn nợ vì sưa

(Dân trí) - Thời điểm những năm 2013 – 2014 khi sưa đỏ đang cực hot, dân làng Chanh, xã Tam Quang (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đổ dồn đi kinh doanh. Bất kể nghề gì liên quan tới sưa đều làm không hết việc, làm ăn nhỏ cũng dư sức kiếm vài chục triệu đồng/tháng. Nhưng đến bây giờ, khi sưa trượt dài vì mất giá thì không ít người đã phải bán cả xe đi để trả nợ.

Hoàng kim kiếm tiền tỷ, hết thời bán xe trốn nợ vì sưa

Thời hoàng kim của sưa đỏ, làm gì cũng ra tiền

Tới làng Chanh tìm hiểu, phóng viên không khỏi giật mình khi xung quanh mình, đâu đâu cũng nhìn thấy cây sưa. Người dân ở đây đã bắt đầu trồng sưa từ năm 2007 đến nay, tuy nhiên sau đợt khai thác ồ ạt năm 2013 – 2014 thì bây giờ trong làng cũng chỉ còn toàn cây nhỏ.

Con đường sưa
Con đường sưa

Tìm gặp anh Nguyễn Văn Chinh, hiện đang làm lái xe nhưng trước đây, cũng đã có một thời gian lăn lộn với nghề buôn sưa. Anh Chinh vui vẻ cho biết: “Nhớ lại cách đây 3 – 4 năm, trong làng lúc nào cũng nghe thấy tiếng cưa máy, tiếng đục đẽo bất kể đêm ngày. Nhà nào cũng tranh thủ làm thêm trong thời gian đó”.

“Thậm chí, thợ đẽo (chuyên đẽo vỏ và giác cây) còn làm không hết việc, gọi cả ngày cũng không được kể cả trả công cao hơn. Ngay như thợ rèn cũng phải xin dừng nhận đơn hàng vì không nhập đủ nguyên liệu về làm. Hầu hết các hoạt động khai thác đều làm thủ công nên khách dù có muốn cũng phải đợi bởi mỗi sáng thợ rèn trong làng cũng chỉ làm được 2 cái rìu”, anh Chinh cho biết thêm.

Thời hoàng kim đó, anh Chinh kể: “Cây thì đào liên tục, thanh niên trai tráng không biết buôn thì đi đào cây thuê, cứ mỗi cây 200.000 đồng. Mỗi ngày có cả tá người gọi điện sẵn để chờ thuê đào cây, mà thời điểm đó đa phần toàn là cây nhỏ nên cũng không khó khai thác, không vất vả mà lương lại cao”.

“Lương cao vậy mà vẫn thua thợ đẽo, chỉ cần đẽo hết vỏ và lớp giác, mỗi cây đều được trả giá 300.000 đồng. Vì thế nên, nhiều nhà vẫn đỏ đèn cả đêm để kiếm tiền, tiếng cưa đục cứ lục cục suốt ngày”, anh Chinh nói.


Vườn sưa 10 tuổi gần 100 gốc

Vườn sưa 10 tuổi gần 100 gốc

Kể về việc đi buôn thời đó, anh Chinh càng hào hứng chia sẻ: “Thời điểm sưa hot năm 2013 – 2014, dân làng ai ai cũng đi buôn, cứ 2 - 3 người lập thành một nhóm nhỏ đi buôn, làm nhỏ lẻ thì mỗi chuyến làm 10 cây. Nhưng thời điểm đó cây còn khá bé, may ra chỗ nào đất tốt thì cây mới to, kể cả cây 10 tuổi bây giờ cũng vẫn nhỏ”.

“Tuy cây bé nhưng buôn theo số lượng thì vẫn kiếm rất khá. Vì giá cây không cố định và phụ thuộc vào vòng lõi, thấp nhất là cây 2 triệu đồng, còn loại cao nhất thì cũng chưa có giới hạn. Nếu may mắn người làng đi buôn gặp những cây to mà người dân trồng trên rừng núi nhưng không biết giá, hoặc có lý do cần bán gấp thì lãi to”, anh Chinh chia sẻ thêm.

Đi tham quan 1 vòng quanh làng, dừng chân trước hồ sưa, anh Chinh kể: “Nhớ lại thời đó đi buôn, tôi kiếm 30 – 40 triệu đồng/tháng là chuyện đơn giản. Nghe mọi người trong làng kể, có người may mắn, gần như xin được 1 cây mà bán được giá 6 tỷ đồng cho thương lái Trung Quốc. Bên ngoài cây đó không thẳng mà ngoằn ngoèo nên không ai quan tâm, nhưng đục ra vòng lõi lên tới 100 cm và bán lãi cực đậm”.

“Ngày đó kiếm tiền dễ vì chỉ phải đi quanh các hộ dân tìm mua sưa thôi chứ không phải vào rừng tìm, vì sưa không mọc tự nhiên. Nhưng cũng gặp đôi chút khó khăn vì lúc mới đầu, cán bộ xã chẳng biết làm thủ tục thế nào để cho dân bán cây vì nó chả có trong danh mục nào. Lái buôn như mình lại phải lên tận hạt kiểm lâm để lấy mẫu mang về mới mua được”, anh Chinh cho biết thêm.

Tuy nhiên, điều đáng buồn theo anh Chinh đó là: “Cây sưa tuy mang lại cuộc sống khấm khá hơn rất nhiều cho dân làng Chanh thời điểm đó. Người dân xây nhà, xây cửa, sắm đồ đạc, xe cộ rầm rầm. Quán xá ăn chơi quanh làng cũng mọc lên nhan nhản”.

“Nhưng hệ lụy của việc giàu lên nhanh chóng là khá lớn, bởi trong thời gian ngắn có vài chục vài trăm triệu đồng trong tay, khiến nhiều thanh niên trong làng không tránh được cám dỗ mà sa đọa, đập phá, tiêu tiền vào những thú ăn chơi mà khi nghèo họ không dám chơi. Đến khi hết tiền, sưa hết thời thì chẳng biết làm gì để kiếm tiền chơi tiếp, dễ dẫn đến các tệ nạn xã hội”, anh Chinh chia sẻ thêm.

Qua thời hoàng kim, cây sưa trượt giá

Hiện giờ giá sưa đang thấp, nhiều thương lái mua cây rồi nhưng chẳng đào về mà vẫn gửi nhà dân. Không những vậy, trong làng hiện còn vài người vỡ nợ vì mua sưa đắt quá, đi bán lại lỗ mấy trăm triệu, phải đi trốn. Có người thì gom vốn với anh em dân buôn, nhưng lún sâu quá phải bán chiếc xe ô tô đang đi để trả nợ.

Xung quanh hồ đều trông sưa
Xung quanh hồ đều trông sưa

Khi sưa bắt đầu xuống giá, dân buôn nào cũng lỗ, thấp nhất là vài chục triệu. Nhưng vốn ít nên đa phần dân buôn nhỏ nghỉ luôn. Chỉ còn một số người làm lớn vẫn cố xem có vớt vát được gì không, nhưng cũng lỗ và đành chuyển sang túc tắc buôn cây giống.

Những người buôn nhỏ bỏ nghề 1 – 2 năm nay để quay trở về nghề cũ. Số khác thì chăn nuôi trong vườn nhà hoặc đi làm công nhân. Cuộc sống lại trở về thời điểm như khi chưa có cơn bão sưa ập về.

Thế Hưng