1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hiện tượng đào, bán cây thốt nốt ở An Giang: Lợi đâu chẳng thấy…

Thời gian vừa qua, một số nơi ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đã diễn ra hiện tượng người dân đào cây thốt nốt bán cho thương lái đưa sang Trung Quốc làm cây cảnh?

Thật ra, việc đào cây này, củ kia bán cho nước ngoài chẳng có gì mới bởi lẽ trước đây họ đã từng mua những thứ lạ đời như rễ hồi, móng trâu bò, cau non, cam non, rễ hồ tiêu, thậm chí cả hạt tiêu lép, lá mãng cầu xiêm, nụ và hoa thanh long… là những thứ không nằm trong danh mục cấm và việc mua bán diễn ra rất sòng phẳng.

Điều đáng nói là sau những lô hàng đầu tiên “tiền trao cháo múc” thì nhiều người truyền miệng nhau, tự đứng ra thu gom, tự thuê xe chở ra biên giới mà danh tính người mua chỉ có mỗi số điện thoại của những ông A Dành, A Lủng nào đó. Khi đến nơi, gọi cho họ thì luôn là tò te tí te…

Nào ta cùng đào

Xế trưa, chúng tôi đến ấp Đây Cà Hom, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang - là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh đang xuất hiện phong trào đào cây thốt nốt bán cho thương lái đưa sang Trung Quốc làm cây cảnh! Và mặc dù chính quyền đã ra thông báo, giải thích cho người dân hiểu rõ những tác hại về mặt kinh tế, môi trường, cảnh quan thiên nhiên nhưng do thốt nốt không phải là loại cây nằm trong danh mục cấm khai thác nên việc đào bới vẫn diễn ra, tuy có ít sôi động hơn so với mấy ngày trước.

Theo chân một nhóm thanh niên đi đào cây thốt nốt, chúng tôi được biết thương lái hầu hết là người từ các tỉnh, thành khác vào, và họ chỉ mua những cây có độ tuổi từ 15 đến 20 năm. Anh Thạch Sol, một trong những người đi đào cho biết: "Mỗi cây còn nguyên cả gốc, rễ, thân, cành, họ mua từ 350.000 đến 500.000 đồng. Tiền công đào, họ trả tụi tui 180.000 đồng/cây".

Tôi hỏi: "Nguồn cây từ đâu ra? Mỗi cây cần mấy người đào và đào trong bao lâu?". Anh Sol đáp: "Người mua vào những vườn thốt nốt rồi sau khi thỏa thuận với chủ, họ mướn anh em tụi tui. Mỗi cây cần 3 hoặc 4 bốn người đào, mất chừng 2 tiếng. Bó rễ, rọc lá mất thêm 30 phút nữa".

Vẫn theo anh Sol, mỗi nhóm một ngày có thể đào được 4 - 5 cây. Tiền công chia ra mỗi người được từ 200 đến 300.000 đồng.

Đến một gốc thốt nốt đã được thương lái chỉ định sẵn, nhóm thanh niên bắt tay vào việc. Đầu tiên, họ móc một rãnh tròn xung quanh thân cây, cách gốc cây chừng nửa mét rồi cuốc đất lên. Khi đã lộ ra bộ rễ, họ cẩn thận xới từng lớp đất nhằm tránh làm đứt những rễ cái. Cách đó vài chục mét, một nhóm khác đang dùng những miếng lưới B40 bọc kín bộ rễ của một cây thốt nốt vừa đào xong.

 

Đào cây thốt nốt để bán cho thương lái.

Đào cây thốt nốt để bán cho thương lái.

Tiếp theo, họ lấy những tấm bao bố bao kín lớp lưới này rồi xúm vào khiêng lên chiếc xe tải nhỏ. Anh Sol nói: "Nó chạy ra Tỉnh lộ 948. Ngoài đó đã có xe cứu hộ dùng cần cẩu, cẩu cây thốt nốt lên xe tải lớn". Hỏi thăm tài xế, anh cho biết người ta thuê chở thì anh chở thôi, còn họ đưa đi đâu, làm gì, anh không rõ!

Thấy một người đàn ông đứng tuổi, dáng thấp đậm, mặc chiếc quần kaki đã bạc màu, áo thun xanh, đang móc túi lấy tiền trả cho tài xế xe cẩu, tôi đến làm quen rồi hỏi ông mua cây này về làm gì? Rất dè dặt, ông nói có mối ngoài Lạng Sơn tiêu thụ nên ông vào đây mua. Và mặc dù giá mua tại chỗ chỉ 500.000 đồng/cây nhưng vì phải thêm tiền thuê xe cẩu, xe tải vận chuyển ra ngoài đó nên mỗi cây chi phí khoảng 2 triệu đồng.

Tôi hỏi: "Vậy ra đó, mỗi cây chắc anh cũng lời vài trăm nghìn đồng?". Ông nhếch mép: "Kiếm đủ sống thôi, mà chẳng biết có bền hay không vì nghe nói tỉnh cấm không cho đào nữa…".

Ngoài bán nguyên cây, một số người còn cưa những thân thốt nốt già cỗi ra thành từng khúc để bán gỗ. Cứ mỗi cây đã cưa, họ bán khoảng 120.000 đến 150.000 đồng. Loại gỗ này có thể dùng làm cột nhà, dầm cầu hoặc đóng dọc theo bờ sông, kênh mương, ngăn xói lở.

Lợi bất cập hại

Theo các tài liệu về thực vật nhiệt đới, cây thốt nốt - tên khoa học là Borassus flabellifer, thuộc họ Cau, có xuất xứ ở các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á, mọc trải dài từ Indonesia đến Pakistan. Tại Việt Nam, cây thốt nốt có mặt ở những tỉnh như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An và Tây Ninh.

Là loại cây thân thẳng, thốt nốt có tuổi thọ trên 100 năm, chiều cao tối đa khoảng 30m. Mỗi mùa, mỗi cây thốt nốt cái có từ 50 đến 60 quả, còn thốt nốt đực thì không ra quả. Ông Danh Kiên, ở Tịnh Biên cho biết thốt nốt vừa chịu hạn lại vừa chịu ngập nước nhưng không chịu được khí hậu lạnh nên ông không biết Trung Quốc mua về rồi trồng ở chỗ nào vì nghe nói mùa đông bên đó rất lạnh?

Vẫn theo ông Kiên, quả thốt nốt có nhiều múi, lớn gấp 2-3 lần múi mít, thịt trắng, mềm, ngọt và thơm. Ông nói: "Một trong những đặc sản của cây thốt nốt là nước thốt nốt. Khi cây ra hoa, buổi chiều người ta cắt một đoạn đầu hoa, dài cỡ đốt ngón tay rồi buộc một chiếc can nhựa để hứng nước. Tới sáng mỗi đoạn đầu hoa lấy được chừng 1 lít nước. Đem thắng lên thành đường thốt nốt hoặc làm bia, uống vừa ngon, vừa say".

Ông bảo tôi nếu rảnh thì ghé qua chợ Tịnh Biên, hỏi mua bia "tứk-thnốt-chu" (nghĩa là nước thốt nốt chua), uống thử. Cam đoan ngon hơn bia… Ken! (Heineken).

Ngoài những công dụng trên, lá thốt nốt còn được nhiều người dùng để lợp nhà, đan rổ, làm quạt, làm nón. Theo tìm hiểu của chúng tôi, vùng Bảy Núi hiện có khoảng 60.000 cây thốt nốt đang thu hoạch, mỗi năm cho ra 3.800 đến 4.000 tấn đường thành phẩm - cả đường tán lẫn đường chảy.

Một thống kê của ngành nông nghiệp An Giang cho thấy hiện có khoảng 2.000 hộ dân với trên 5.000 lao động sinh sống nhờ cây thốt nốt, và 75% trong số này là người dân tộc Khmer.


Một xe tải chất đầy cây thốt nốt chuẩn bị khởi hành.

Một xe tải chất đầy cây thốt nốt chuẩn bị khởi hành.

Để có được một cây thốt nốt phải mất rất nhiều thời gian công sức vì 5 năm đầu sau khi trồng, cây phát triển rất chậm. Đến năm thứ 20 nó mới bắt đầu cho trái và thời gian thu hoạch có thể kéo dài suốt 30, 40 năm. Nếu bán trái tươi ngay tại vườn, cứ mỗi chục (10) trái người bán thu về 30 nghìn đồng còn nước thốt nốt thì 3 - 4 nghìn đồng/lít.

Ông Danh Kiên cho biết: "Mỗi cây thốt nốt cho ra chừng 10 lít nước/ ngày. Trung bình cứ 8 lít thắng được 1kg đường, giá mỗi kilôgam giao tại lò khoảng 20 đến 30 nghìn đồng tùy theo đường tán hay đường chảy, bán lẻ 40 - 45 nghìn", còn tại "chợ Campuchia" ở đường Hồ Thị Kỷ, quận 10, TP HCM, 1kg đường thốt nốt có giá 50.000 đồng.

Vẫn theo tìm hiểu của chúng tôi, một số chủ vườn cho đào bán cây thốt nốt ở Tịnh Biên là người sống bằng những nghề nghiệp khác thay vì làm nông, kinh tế của họ ổn định, họ cho người khác thuê cây thốt nốt để khai thác. Bây giờ thấy thương lái mua mỗi cây 500.000 đồng nên họ bán.

Anh Châu Khuôl, ở Tịnh Biên cho biết anh thuê 80 cây thốt nốt, giá mỗi cây 600.000 đồng/năm. Hồi tháng 2, thời điểm bắt đầu mùa thốt nốt, mỗi ngày anh lấy nước nấu được 30kg đường. Anh nói: "Đến tháng 6, hết mùa, trừ tiền thuê cây, công xá, gia đình tui cũng kiếm gần chục triệu. Nay chủ vườn bán những cây lớn rồi, tui chưa biết sẽ làm gì đây?".

Một số khác bán cây thốt nốt cho thương lái là những người nghèo, chỉ có vài chục cây, thu hoạch không đủ sống. Bán đi, họ có ngay 10, 15 triệu đồng mà không nghĩ rằng nếu trồng lại, phải mất 10, 15 năm sau mới có được vườn cây như vậy. Chưa kể một số chủ khách sạn, resort, nhà hàng sân vườn, biệt thự ở nhiều tỉnh thành khác, cũng tìm mua loại cây này về trang trí cảnh quan.

Một việc làm tai hại

Trước hiện tượng thương lái mua cây thốt nốt bán sang Trung Quốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang đã tổ chức một cuộc họp cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan nhằm tìm ra biện pháp để kịp thời ngăn chặn tình trạng này.

Tuy nhiên, trong cuộc họp, đã có những ý kiến khác nhau. Đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh cho rằng việc mua bán, vận chuyển cây thốt nốt không nằm trong danh mục chế tài của Nhà nước nên rất khó xử lý. Tương tự như vậy, đại diện Sở Tư pháp nói cây thốt nốt chưa được đưa vào danh sách các loại cây cần bảo vệ thì chưa có cơ sở để xử lý.

Riêng UBND huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên, đại diện của hai nơi này nêu ý kiến, rằng thốt nốt là cây đặc thù của vùng đồng bào dân tộc Khmer, phải trồng từ 20 năm trở lên mới có trái. Nếu đào bới, mua bán ồ ạt, cây mất đi nhưng trồng lại như cũ sẽ rất lâu. Vì vậy, UBND 2 huyện đề nghị bổ sung cây thốt nốt vào danh mục cần bảo vệ như đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Theo ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang thì sau cuộc họp, các đại biểu đã thống nhất các nội dung cụ thể đồng thời kiến nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, các ngành có liên quan tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu rõ cây thốt nốt là cây có giá trị kinh tế, cây xóa đói, giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng kiến nghị với Công an tỉnh tiến hành điều tra làm rõ mục đích của những thương lái mua cây thốt nốt về làm gì, bán cho ai để có giải pháp quản lý phù hợp, đề nghị các ngành liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, tham mưu cho UBND tỉnh trình Bộ NN&PTNT để trình Chính phủ bổ sung cây thốt nốt vào danh mục cần ưu tiên bảo vệ. Làm được như vậy, mới có cơ chế xử phạt, bảo vệ được cây thốt nốt.

Cũng liên quan đến cây thốt nốt, Sở NN&PTNT đề nghị chính quyền 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên vận dụng các nội dung liên quan trong Quyết định 20 của UBND tỉnh An Giang ban hành năm 2009, quy định về đào cây làm cây cảnh rồi đối chiếu xem việc đào cây thốt nốt có phù hợp không.

Gần đây nhất, ngày 29/9/2015, Văn phòng UBND tỉnh đã có Công văn số 3046, thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh là ông Lê Văn Nưng, chấp thuận đề xuất của Sở NN&PTNT về quản lý, ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển cây thốt nốt.

Công văn nêu rõ: "Cây thốt nốt là cây có giá trị kinh tế, cây xóa đói, giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm cho người dân trong việc mua bán các sản phẩm của chúng cho khách hành hương, du lịch, đồng thời cũng là cây có khả năng bảo vệ môi trường, chống xói mòn… Vì vậy, không vì lợi ích trước mắt mà gây ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài".

Thật ra, việc đào cây này, củ kia bán cho Trung Quốc chẳng có gì mới bởi lẽ trước đây họ đã từng mua những thứ lạ đời như rễ hồi, móng trâu bò, cau non, cam non, rễ hồ tiêu, thậm chí cả hạt tiêu lép, lá mãng cầu xiêm, nụ và hoa thanh long…, là những thứ không nằm trong danh mục cấm và việc mua bán diễn ra rất sòng phẳng. Điều đáng nói là sau những lô hàng đầu tiên "tiền trao cháo múc" thì nhiều người truyền miệng nhau, tự đứng ra thu gom, tự thuê xe chở ra biên giới mà danh tính người mua chỉ có mỗi số điện thoại của những ông A Dành, A Lủng nào đó. Khi đến nơi, gọi cho họ thì luôn là  tò te tí te…

Hoa đã hái, cây đã đào, bán không được thì chỉ còn cách là tìm một chỗ vắng vẻ nào đó, trút xuống cho trời, cho đất, chưa kể hoa đã hái thì làm sao có trái. Cây đã đào, để lại những cái hố trống hốc trống hoác, biết  trồng lại bằng thứ gì đây và trồng đến bao giờ mới thu hoạch được?

Vì thế, nhằm ngăn chặn tình trạng đào bới, chặt hái - không chỉ với cây thốt nốt mà cả với nhiều loại nông, lâm sản khác, chính quyền địa phương cần nhanh chóng phát hiện kịp thời những "chiến dịch" thu mua không bình thường để tuyên truyền vận động bà con không vì cái lợi trước mắt để rồi gánh chịu những hậu quả về sau…

Theo Vũ Cao
An ninh Thế giới

Hiện tượng đào, bán cây thốt nốt ở An Giang: Lợi đâu chẳng thấy… - 3