An Giang:
Ồ ạt bán cây Thốt Nốt: Khó xử lý vì chưa có chế tài
(Dân trí) - Như Dân trí đã đưa tin, việc người dân vùng Bảy Núi - An Giang ồ ạt bán cây Thốt Nốt cho thương lái trong nhiều ngày qua khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, chính quyền địa phương này cho biết, do chưa có chế tài nên rất khó xử lý.
Vừa qua, trước thông tin thương lái lén lút mua cây Thốt Nốt để vận chuyển ra Bắc bán sang Trung Quốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì cuộc họp cùng các sở, ban, ngành đoàn thể có liên quan để ngăn chặn kịp thời tình trạng này.
Các đại biểu tham dự cuộc họp đã có nhiều ý kiến trái chiều về “giải pháp căn cơ” để ban hành văn bản chính thức… ngăn cấm tình trạng buôn bán cây Thốt Nốt trên địa bàn An Giang.
Bà Thái Mỹ Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho rằng, việc mua bán, vận chuyển cây Thốt Nốt chưa có chế tài của nhà nước nên rất khó xử lý; cần bổ sung vào danh mục cây nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ cụ thể ở khoản 5, điều 6, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về tiêu chí xây dựng loài và chế độ quản lý thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Chính phủ.
Còn đại diện Sở Tư pháp tỉnh cũng cho rằng, những loài cây nào được nhà nước quy định thì mới áp dụng để xử lý, do vậy cây Thốt Nốt chưa được đưa vào danh sách các cây được bảo vệ thì xử lý thì chưa có cơ sở.
Đại diện UBND huyện Tri Tôn và Tịnh Biên cho rằng, cây Thốt Nốt là cây đặc thù vùng đồng bào dân tộc Khmer, phải trồng từ 30 năm trở lên mới cho trái, chu kỳ trồng rất dài. Nếu mua bán ồ ạt sẽ mất đi nhưng trồng lại rất lâu, đề nghị bổ sung cây này vào danh mục cần bảo vệ như đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Theo ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang cho biết, sau cuộc họp các đại biểu đã thống nhất các nội dung cụ thể và kiến nghị bằng văn bản chính thức gửi đến UBND tỉnh An Giang có chỉ đạo các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, các ngành có liên quan tăng cường tuyên truyền trên phương tiện tiện thông tin đại chúng đến người dân hiểu rõ giá trị cây Thốt Nốt là cây có giá trị kinh tế, cây xóa đói, giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm cho người dân đụa phương…
Lãnh đạo Sở NN &PTNT cũng kiến nghị với Công an tỉnh Kiên Giang tiếp tục điều tra mục đích của những đối tượng mua cây Thốt Nốt để làm gì, bán cho ai để có giải pháp quản lý phù hợp. Đồng thời, đề nghị các ngành có liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra chặt chẽ, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật
Riêng Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình Chính phủ bổ sung cây Thốt Nốt vào danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
“Trước mắt tiến hành theo kế hoạch này, còn việc trình lên Bộ xem xét thế nào thì phải chờ đợi nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Nếu được đưa vào danh mục cây nguy cấp thì mới có cơ chế xử phạt mạnh tay được và bảo vệ được cây Thốt Nốt!” – ông Thư nói.
Được biết, vùng Bảy Núi hiện có khoảng 60.000 cây thốt nốt, sản lượng mỗi năm đạt 3.800 - 4.000 tấn đường thành phẩm. Toàn vùng hiện có khoảng 2.000 hộ dân đang khai thác, đáp ứng việc làm cho trên dưới 5.000 lao động nông thôn, với 75% trong số này là người dân tộc Khmer.
Minh Thư – Nguyễn Hành