Hé lộ vũ khí làm giàu bí mật của tỷ phú trùm dầu mỏ

Hạnh Vũ

(Dân trí) - Tài sản quý giá nhất của ông trùm dầu mỏ John D. Rockefeller không phải là tiền mà là một kỹ năng trong kinh doanh.

Tài sản quý giá nhất của John D. Rockefeller

Để có thể hiểu hơn về vai trò quan trọng của niềm tin trong kinh doanh, không cần tìm đâu xa ngoài câu chuyện cuộc đời đáng kinh ngạc của người đàn ông được coi là giàu nhất lịch sử hiện đại - John D. Rockefeller.

Rockefeller cho biết trong suốt sự nghiệp kinh doanh phi thường của ông, vấn đề lớn nhất luôn là "có đủ vốn để thực hiện tất cả công việc kinh doanh mà tôi muốn làm và có thể làm, với số tiền cần thiết".

Khả năng chiếm được lòng tin của các ngân hàng và nhà đầu tư được ông coi là một trong những "tài sản" quý giá nhất của mình. Tỷ phú đầu tiên của nước Mỹ thừa nhận: "Chính sự tự tin và khả năng khơi dậy lòng tin của mọi người đã giúp tôi đạt được thành công trong cuộc sống".

Theo Rockefeller, xây dựng lòng tin bằng cách tin tưởng người khác và nhận lại sự tin tưởng của họ là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất để thành công trong thế giới kinh doanh. Một người không tin tưởng người khác sẽ thường khó lấy được lòng tin và ngược lại.

Ron Chernow - người viết tiểu sử của Rockefeller nhấn mạnh: "Trong sự nghiệp kinh doanh của mình, John D. Rockefeller từng có lúc mắc phải lỗi lầm nhưng ông ấy tự hào vì đã trả nợ đúng hạn và tuân thủ nghiêm ngặt các hợp đồng".

Hé lộ vũ khí làm giàu bí mật của tỷ phú trùm dầu mỏ  - 1

Tỷ phú John D. Rockefeller (Ảnh: Getty).

Cách giành được lòng tin

Cách tốt nhất để giành được lòng tin của người khác là gì? Rockefeller cho rằng đó là thông qua hành động và suy nghĩ theo cách truyền cảm hứng để họ tin tưởng. Các đối tác kinh doanh tiềm năng thường có thể nhận ra ai là người chân thành với mình. Tất nhiên, lịch sử kinh doanh đã chứng kiến không ít kẻ nói dối và lừa đảo tài tình - những người có kỹ năng che giấu ý định thực sự và chiếm được lòng tin mà họ không xứng đáng.

"Siêu lừa" Bernard "Bernie" Madoff - người trong nhiều năm đã chiếm đoạt 65 tỷ USD từ hàng chục nghìn nạn nhân trên toàn thế giới, là một ví dụ điển hình. May mắn thay, rất hiếm người có khả năng nói dối và gian lận như Madoff.

Còn đối với đại đa số, sự thật đơn giản là: Một người càng đáng tin cậy trong thái độ và hành động đối với người khác thì càng nhận được nhiều sự tin tưởng hơn. Hầu hết mọi người đều có "ăng-ten" để cảm nhận xem ai đó có chân thành hay không.

Hé lộ vũ khí làm giàu bí mật của tỷ phú trùm dầu mỏ  - 2

Lòng tin là yếu tố rất quan trọng trong kinh doanh (Ảnh: Carrington West).

Và điều quan trọng là phải nói sự thật, ngay cả khi đó là "chuyện nhỏ". Albert Einstein từng có câu nói nổi tiếng: "Ai bất cẩn với sự thật trong những vấn đề nhỏ thì không thể tin cậy được trong những vấn đề lớn".

Sự trung thực có thể mang lại những phần thưởng tuyệt vời, đặc biệt là trong kinh doanh.

"Tôi nhận ra rằng khi một người buôn đồ cổ nói với tôi về những khiếm khuyết trên sản phẩm, anh ta đã giành được sự tin tưởng của tôi. Chúng ta đang ở trong thời đại bị chi phối bởi chủ nghĩa hoài nghi, khi mọi người có xu hướng nghi ngờ về mọi thứ xung quanh. Vì thế, khi nhân viên bán hàng nói với khách hàng về bất kỳ thiếu sót nào trong sản phẩm hoặc dịch vụ, nhiều khả năng vị khách sẽ thông cảm và tin tưởng hơn vào lời quảng cáo về lợi ích của sản phẩm, dịch vụ đó", David Ogilvy - một chuyên gia quảng cáo người Anh chia sẻ.

Bài kiểm tra của tỷ phú Warren Buffett

Quản lý hàng trăm nghìn nhân viên của tập đoàn Berkshire Hathaway và đảm bảo rằng tất cả các giám đốc đều đưa ra quyết định chính xác không phải là việc dễ dàng. Tuy nhiên, trong những năm qua, huyền thoại đầu tư Warren Buffett vẫn làm được điều đó.

Buffett chia sẻ về chiến lược mà ông áp dụng: "Tôi yêu cầu các nhà quản lý đánh giá mọi hành động mà họ thực hiện, không chỉ theo các tiêu chuẩn pháp lý mà còn theo bài test của tôi. Nếu một người bày tỏ sự không chắc chắn, tôi sẽ hỏi họ cảm thấy như thế nào về việc đọc được thông tin về quyết định đó trên báo vào ngày hôm sau. Không những vậy, gia đình, bạn bè và hàng xóm của họ cũng đọc được bài báo đó. Nếu vượt qua được bài test này, họ sẽ đưa ra quyết định và ngược lại".

Khi một người đưa ra quyết định quan trọng trong kinh doanh, họ đang tự đặt mình vào rủi ro tổn hại danh dự và uy tín. Chính vì vậy, việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp sẽ giúp họ tránh được nhiều rắc rối cũng như tạo dựng được lòng tin của khách hàng và đối tác.