Hé lộ những cổ phiếu thuộc nhóm ngành có thể "mua là thắng"
(Dân trí) - Dân trí - Chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cần chuẩn bị lượng tiền đủ tốt để hạn chế rủi ro và chờ những cơ hội tốt sắp tới. Còn tiền thì còn cơ hội, nếu lỗ sẽ rất khó chịu.
Gọi tên chứng khoán, dầu khí, đầu tư công, công nghệ thông tin
Chia sẻ tại tọa đàm Đối thoại và Giải pháp chủ đề "Tìm động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán những tháng cuối năm" do báo Dân trí tổ chức sáng 30/10, các chuyên gia lần đầu bật mí về một số nhóm ngành có thể giúp nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường từ nay tới cuối năm và năm sau.
Ông Nguyễn Anh Đức - Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán SSI - cho rằng điểm sáng thị trường là ngành chứng khoán rất rõ ràng. "Mặc dù định giá ngành này không còn rẻ nhưng có thể đắt hơn. Lợi nhuận tăng trưởng của ngành này cũng tương đối mạnh", ông Đức nói.
Cũng theo ông Đức, ngành liên quan đến cơ sở hạ tầng cũng có thể đem lại hưng phấn trên thị trường. Những yếu tố tác động về tỷ giá, lạm phát tăng khiến Chính phủ rất khó để đưa ra những công cụ về chính sách tiền tệ. Khi đó Chính phủ sẽ chuyển qua những công cụ về chính sách tài khóa: cắt giảm thuế, gia hạn thuế hoặc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Cổ phiếu dầu khí có thể cũng có câu chuyện khác. "Đó là những nhóm ngành tôi nghĩ sẽ nhạy cảm hơn với dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh dòng tiền quay trở lại. Còn trong bối cảnh thị trường đang khó trong ngắn hạn một vài tuần kế tiếp thì tôi nghĩ không nhất thiết phải quá vội vàng đầu tư giai đoạn này.
Đối với tư vấn của chúng tôi, chúng tôi nghĩ cần chuẩn bị lượng tiền đủ tốt để hạn chế rủi ro và chờ những cơ hội tốt sắp tới. Còn tiền thì còn cơ hội, nếu lỗ sẽ rất khó chịu", ông đưa ra lời khuyên.
Ngoài những nhóm ngành như ông Đức đề cập thì ông Đinh Đức Minh - Giám đốc Đầu tư, Công ty cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital - còn đưa ra một số nhóm ngành khác, như nhóm ngành được hưởng lợi từ xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Ông Minh phân tích một điểm tích cực là đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (FDI) là kinh tế thế giới trong năm 2023 khá yếu, kinh tế Việt Nam cũng vậy. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cả vốn đăng ký lẫn vốn giải ngân đều có tăng trưởng. Từ đó, cổ phiếu nhóm khu công nghiệp hay cảng biển cũng đáng quan tâm.
Ngoài ra, chuyên gia của quỹ ngoại này cũng đề cập tới các cổ phiếu ngành công nghệ thông tin, khi thị trường nói nhiều đến đầu tư công nghệ cao, về chip, về chuyển đổi số, về AI.
Về nhóm ngành chứng khoán, ông Minh cho rằng ngành này phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ nâng hạng của thị trường Việt Nam. Nói về định giá, nhóm ngành chứng khoán bây giờ tương đối cao so với lịch sử. Tuy nhiên, nếu có tin tức hỗ trợ thì mức định giá cao hoàn toàn có thể cao hơn.
Quan điểm trái ngược về ngành ngân hàng trong ngắn hạn
Chuyên gia của VinaCapital đưa ra lưu ý với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Bởi hầu hết, các ngân hàng hiện tại có mức định giá tương đối thấp so với lịch sử, loại trừ 2 ngân hàng định giá cao là Vietcombank và BIDV. Còn các ngân hàng khác, giá trị sổ sách (P/B) đâu đó ở mức 0,8-1,2 lần - là mức định giá khá hấp dẫn.
Ông Minh cho rằng năm sau, ngành ngân hàng có thể có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn khi kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp khách hàng của ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt hơn. Các ngân hàng cũng có thể giải quyết được các vấn đề về nợ xấu vì khi kinh tế lên thì nợ xấu tự nó sẽ được giải quyết thôi. "Tôi nghĩ nhóm ngân hàng có thể là nhóm có diễn biến tích cực vào cuối năm nay cho đến năm sau", ông Minh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Anh Đức - Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán SSI - cho rằng về thời gian dài hơn (trên 1 năm), ngành ngân hàng tiềm năng, xuất phát từ bối cảnh ngành ngân hàng có định giá thấp.
Nhìn về dài hạn, ngành này có khá nhiều chuyển biến như chất lượng tín dụng cao hơn, chất lượng tài sản có thể cải thiện. Một giai đoạn nào đó, thị trường sẽ định giá lại ngành từ mức rất thấp, khi khả năng sinh lời và chất lượng tài sản được cải thiện.
Còn về ngắn hạn, ông Đức đưa ra quan điểm trung lập với ngành ngân hàng. Thứ nhất, câu chuyện nhu cầu tín dụng có thể chưa được cải thiện trong năm nay nên con số tăng trưởng tín dụng có thể chưa cải thiện rõ ràng mà có thể phải chờ đến năm sau hoặc cuối năm sau.
Thứ hai, ngành bất động sản khá rối và chưa nhìn thấy sự cải thiện, áp lực của ngành này còn lớn. Ví dụ Chính phủ đồng ý đẩy lùi thời hạn thanh toán trái phiếu doanh nghiệp bất động sản lên 2 năm thì ngành ngân hàng sẽ gặp nhiều vấn đề trong tương lai và doanh nghiệp bất động sản chưa giải quyết được nhiều vấn đề còn tồn tại của họ. Điều này có thể khiến nợ xấu của ngân hàng tăng lên và chất lượng dự phòng của ngân hàng cũng phải tăng.
Thứ ba, với nền lãi suất cho vay giảm còn lãi suất đầu vào có thể không giảm nữa hoặc giảm cực kỳ hạn chế khiến NIM (biên lãi thuần) của ngân hàng sẽ giảm. Điều này khiến trong ngắn hạn, định giá của ngành ngân hàng chưa thực sự xuất sắc dù định giá thấp. Nếu thị trường rủi ro, ông Đức cho rằng ngành ngân hàng sẽ ổn. Nhưng nếu thị trường tăng nhanh, ngành này sẽ tăng chậm trong 3-6 tháng. Về lâu dài, triển vọng ngành ngân hàng tích cực.
Ông Phan Dũng Khánh - chuyên gia chứng khoán - cho rằng từ đây đến cuối năm, trong ngắn hạn, ngành ngân hàng khó có sự đột phá. Ngành này có thể sẽ mang tính chất tích lũy để chờ đợi những cơ hội sau vào đầu năm 2024. Khi thị trường tăng, những nhóm ngành hưởng lợi trực tiếp là tài chính ngân hàng nói chung, bao gồm cả chứng khoán. Khi thị trường chứng khoán tăng, chắc chắn những cổ phiếu ngành chứng khoán tăng.
Chưa kể, ngân hàng được coi là xương sống của thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế, nơi cung cấp vốn cho các doanh nghiệp và toàn nền kinh tế. Nên các ngành này được hỗ trợ trong trung và dài hạn nhiều hơn.