1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Tỷ giá USD/VND tăng: Cơ hội cho hàng Việt

(Dân trí) - Tỷ giá USD/VND “tăng dần đều” đang khiến giá cả thị trường những ngày qua biến động đáng kể. Tuy nhiên theo nhận định của giới chuyên môn, sức ép tăng giá của hàng nhập khẩu cũng chính là cơ hội cho hàng Việt lên ngôi.

Tỷ giá USD/VND tăng: Cơ hội cho hàng Việt - 1
Sức ép tăng giá đang trở thành gánh nặng cho các bà nội trợ (ảnh: LH).

Hàng nhập khẩu tăng từ 10 - 15%

Do tỷ giá USD/VND tăng nên những ngày qua các mặt hàng nhập khẩu hoặc có nguyên liệu đầu vào là nhập khẩu đều được điều chỉnh giá. Điển hình là máy tính, linh kiện máy tính, máy ảnh, xe máy nhập khẩu… giá bán được tính theo tỷ giá USD nên khi USD tăng thì giá sản phẩm cũng tăng theo.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, đã có khoảng 50 nhà cung cấp gửi thông báo tăng giá đến các siêu thị trên địa bàn Hà Nội với mức tăng trung bình từ 2 - 10%. Đặc biệt là hàng nhập khẩu, siêu thị Fivimart cho biết, sẽ tăng từ 10 - 15%.

Đợt tăng giá lần này tập trung nhiều vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như bánh mứt kẹo, nước giải khát, đồ hộp, đồ chế biến sẵn, thực phẩm, mỹ phẩm, bột giặt, kem đánh răng… Đáng chú ý là nhiều hãng sữa đã và đang có kế hoạch đồng loạt tăng giá, trong đó không chỉ có sữa nhập ngoại mà cả sữa trong nước có nguyên liệu… nhập ngoại.

Tại TPHCM, dự kiến trong tháng 12 sẽ có khoảng 500 mặt hàng tiêu dùng áp dụng mức giá mới. Ban giám đốc siêu thị Maximark cho biết: “Trước mắt đã có hơn 50 nhà cung cấp gửi thư thông báo tăng giá, trong đó mức tăng khoảng 5 - 8% là nhóm hàng thực phẩm của cả nhà sản xuất trong nước lẫn hàng nhập”.

Không chỉ siêu thị, giá các mặt hàng tiêu dùng cũng đã thay đổi đáng kể ngoài thị trường. Chị Thu (Tân Mai - Hà Nội) cho biết, nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm đã tăng khá như gạo tăng khoảng 15.000 đồng/yến (tương đương 10 - 12%); thịt lợn tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg (tương đương 10%)... riêng mặt hàng rau, củ, quả thì vẫn giữ giá.

Lý giải về nguyên nhân tăng giá, ông Phú cho biết: “Các đầu vào cơ bản như gas, điện, xăng dầu đều tăng giá (từ đầu năm đến nay đã 8 lần tăng giá xăng, chỉ 1 lần giảm; tháng 11/2009 giá gas tăng 3 lần) và gần đây nhất là giá USD thay đổi kéo theo nhiều nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng trong nước sản xuất nhưng phải nhập nguyên liệu tăng”.

Cơ hội cho hàng Việt

Trong thời điểm này, theo nhận định của đại diện Hiệp hội siêu thị Hà Nội, đối với những siêu thị lớn như Big C, Metro thì có thể sẽ chưa tăng giá hàng hóa trong khoảng 15 ngày tới vì họ có lượng hàng dự trữ lớn.

Ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng Giám đốc Big C cho biết, nhà phân phối này đang cố gắng kìm giá và đàm phán với nhà cung cấp để “thương lượng” nhưng việc tăng giá hàng hóa là khó tránh khỏi.

Tuy nhiên công bằng mà nói thì việc hàng hoá nhập khẩu tăng giá cũng chính là cơ hội để hàng nội bứt lên chiếm lĩnh thị trường. Song điều này chỉ thực sự được tận dụng hiệu quả nếu tỷ lệ nội địa hoá của các sản phẩm trong nước chiếm tỷ lệ cao.

Các mặt hàng điện tử là một ví dụ. Phần lớn hàng điện máy Việt Nam là những mặt hàng có giá trị thấp như: nồi cơm điện, quạt máy, bếp gas… gọi là hàng nội địa nhưng phần lớn vẫn phải đặt nước ngoài gia công phần lõi, trong nước chỉ gia công một vài chi tiết hoặc lắp ráp, vì thế doanh nghiệp luôn đứng trước những khó khăn về tỷ giá.

Ở một khía cạnh nào đó, sức ép do phụ thuộc quá lớn vào thị trường thế giới trong khi tỷ giá biến động sẽ là một đòn bẩy mạnh tác động tới ý thức và sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước đẩy nhanh tỷ lệ nội địa hoá. Tuy nhiên, nó chỉ được thực hiện khi chúng ta có một cơ chế chính sách thống nhất và hợp lý.

Trở lại ưu thế của hàng Việt, ông Phú nhận định, để bình ổn giá và khuyến khích tiêu dùng hàng Việt trong thời điểm này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành chức năng, từ việc chống đầu cơ hàng hóa đến việc chống hàng giả, hàng lậu... đặc biệt là cần quan tâm tới người nghèo trước những “cơn bão” giá.

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm