Hàng Việt đang bị “đuổi khéo” khỏi các kệ hàng siêu thị?

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước nhận định, hàng Việt đảm bảo chất lượng vào siêu thị nội thì không khó, nhưng lại gặp nhiều trở ngại nếu muốn chen chân vào siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài.

Các chương trình khuyến mại dành cho hàng Thái cũng được siêu thị Metro rầm rộ quảng cáo, giới thiệu tới khách hàng.
Các chương trình khuyến mại dành cho hàng Thái cũng được siêu thị Metro rầm rộ quảng cáo, giới thiệu tới khách hàng.

Siêu thị đòi chiết khấu cao, dành chỗ bày hàng ngoại

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn gửi lãnh đạo hệ thống siêu thị Big C Việt Nam đề nghị không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016, đồng thời điều chỉnh giảm tổng mức chiết khấu xuống dưới 15% cho các nhà cung cấp thuỷ sản. Big C hiện đang thuộc sở hữu của Tập đoàn Thái Lan là Central Group, đơn vị trước đó đã mua 49% cổ phần Nguyễn Kim.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp thuỷ sản, trong tháng 3-4/2016, nhiều siêu thị gửi thư đến các doanh nghiệp đề xuất tăng chiết khấu. Trong đó, Big C là siêu thị đưa ra mức tăng cao nhất, tăng thêm 4,25%-5,5%, lên mức 17%-25%.

"Trong điều kiện kinh doanh hiện nay, các doanh nghiệp cho biết, tổng mức chiết khấu 10% đã gần quá sức chịu đựng nên việc Big C đòi mức chiết khấu cao nhất lên đến 25% thì không thể đáp ứng được, nếu được chấp nhận thì doanh nghiệp sẽ thua lỗ. Do vậy, hiện một số doanh nghiệp đã rút hàng khỏi hệ thống của Big C”, VASEP cho biết.

Ngoài Big C, hiện tại hệ thống siêu thị lớn khác nằm trong tay người Thái là Metro, đại diện một số doanh nghiệp cung ứng sản phẩm cũng phản ánh, đang có sự chuyển biến lớn trong hoạt động như dành ưu tiên hơn cho hàng Thái.

Khảo sát tại một siêu thị nằm trong chuỗi siêu thị Metro tại Hà Đông (Hà Nội) cho thấy, hàng Thái "xâm chiếm” ngay từ cửa ra vào với hàng loạt các mặt hàng được bày bán từ đồ gia dụng cho tới thực phẩm. Các chương trình khuyến mại dành cho hàng Thái cũng được siêu thị này rầm rộ quảng cáo, giới thiệu tới khách hàng.

Trước đó, theo phản ánh của Hiệp hội doanh nghiệp tại TPHCM, các nhà sản xuất trong nước nhận định hàng Việt đảm bảo chất lượng vào siêu thị nội thì không khó, nhưng lại gặp nhiều trở ngại nếu muốn chen chân vào siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài. Đa số các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài cũng yêu cầu các thủ tục như: giấy chứng nhận, kiểm định nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế… giống như siêu thị nội nhưng mức chiết khấu rất cao.

“Sau nhiều năm triển khai vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, tỷ trọng hàng Việt trong các siêu thị đã tăng lên nhanh chóng, từ chưa đầy 50% lên mức 80-90% hiện tại. Tuy nhiên, khảo sát sơ bộ tại một số hệ thống có yếu tố nước ngoài thì tỷ lệ hàng ngoại vẫn chiếm phần không nhỏ”, Hiệp hội này cho biết.

Thị trường vẫn trong tay doanh nghiệp nội?

Trong báo cáo gửi lên Thủ tướng, Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cũng thừa nhận, thị phần của các nhà bán lẻ trong nước đang có xu hướng thu hẹp dần trên các kệ hàng tại các điểm bán lẻ. Thị trường bán lẻ hiện đại ngày càng xuất hiện nhiều các nhà bán lẻ nước ngoài, nhất là từ khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa. Bên cạnh các nhà bán lẻ nước ngoài đã có mặt sớm và đang tăng tốc phát triển mạng lưới như Big C (32 siêu thị), Metro (19 siêu thị), Lotte Mart (11 siêu thị) thì xuất hiện thêm nhiều tên tuổi lớn. Nhà bán lẻ lớn thứ 4 của Pháp là SuperAuchan đã hợp tác với RH Group (thành viên của C.T Group) dự kiến sẽ phát triển 15 siêu thị tại TPHCM từ 3 siêu thị hiện tại.

“Xét về quy mô sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được với hàng Thái Lan. Về giá cả, hàng Thái Lan so với hàng Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn rẻ hơn, cạnh tranh hơn nên phù hợp hơn với số đông người tiêu dùng Việt Nam”, Hiệp hội thừa nhận.

Trái với sự lo ngại về việc thị trường bán lẻ rơi vào tay hầu hết các đại gia ngoại của các doanh nghiệp trong nước, lãnh đạo Bộ Công Thương, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước lại cho rằng, thực tế chưa hẳn đã vậy.

“Hiện nay có tới gần 97% thị phần bán lẻ vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp nội. Nếu tính riêng các kênh phân phối hiện đại, các nhà bán lẻ nước ngoài chiếm phần lớn hơn nhưng nhìn chung vẫn nằm trong tay doanh nghiệp Việt”, ông Quyền cho biết.

Theo ông Quyền, việc đưa hàng vào siêu thị luôn đặt ra những yêu cầu rất khắt khe, chặt chẽ nên có những doanh nghiệp sản xuất sẽ khó tiếp cận được vào hệ thống bán lẻ hiện đại. Do đó, những phản ánh về việc khó đưa hàng vào siêu thị, luôn có và đó là chuyện bình thường.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia thương mại, ông Vũ Vinh Phú cũng cho rằng: "Bản thân các doanh nghiệp gửi hàng vào siêu thị cần tiết giảm chi phí, giảm giá thành… Tại một số siêu thị nội cũng có mức chiết khấu cao, thậm chí lên đến 20%. Do đó, cần công bằng, rà soát lại chiết khấu của các siêu thị từ siêu thị ngoại đến siêu thị nội, cắt giảm những chi phí làm khó khăn cho nhà cung ứng”.

“Rà soát chiết khấu của tất cả các siêu thị từ nội đến ngoại, với Big C đâu là lý do, liệu có lý do Big C mới được chuyển nhượng cho doanh nghiệp Thái hay không? Tuy nhiên, để làm rõ việc có hay không Big C “đuổi khéo” doanh nghiệp nội vẫn cần có sự điều tra chi tiết hơn", ông Phú nói.

Ông Phú nói thêm: "Đề nghị Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cần làm rõ, phải chăng siêu thị ép nhà cung ứng trong khi Luật Cạnh tranh quy định “không được từ chối nhập hàng hoá khi không có lý do chính đáng. Bên cạnh đó, cũng cần lập Hiệp hội doanh nghiệp cung ứng hàng hoá cho siêu thị, đưa ra cách làm việc chuyên nghiệp hơn, bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp.

Phương Dung

Hàng Việt đang bị “đuổi khéo” khỏi các kệ hàng siêu thị? - 2