Doanh nghiệp thủy sản kêu khó khi Big C đòi tăng chiết khấu

(Dân trí) - “Nhiều doanh nghiệp đang hợp tác cùng Big C với tổng mức chiết khấu cao hơn 15% (mức ngưỡng hiện tại để có thể tồn tại), trung bình 17-20%, thậm chí có doanh nghiệp đến 25%. Đây là những mức rất cao mà chắc chắn sẽ lỗ, không thể có lãi để tái đầu tư”, VASEP cho biết.


VASEP cho rằng, với mức chiết khẩu này của BigC chắc chắn các doanh nghiệp sẽ lỗ, không thể có lãi để tái đầu tư.

VASEP cho rằng, với mức chiết khẩu này của BigC chắc chắn các doanh nghiệp sẽ lỗ, không thể có lãi để tái đầu tư.

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn gửi siêu thị Big C đề nghị không tăng chiết khấu trong hợp đồng mới và giảm tổng mức chiết khấu cho doanh nghiệp nhằm chia sẻ khó khăn cho các doanh nghiệp cung cấp.

Theo VASEP, năm qua, một số hệ thống các siêu thị lớn có sự thay đổi chủ dẫn tới nhân sự và hoạt động chưa ổn định đã ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của cả siêu thị và doanh nghiệp sản xuất cung cấp hàng.

Để chuẩn bị cho các hợp đồng mới, thời điểm hiện tại tháng 3-4/2016, các siêu thị có gửi thư đến các doanh nghiệp đề xuất tăng chiết khấu. Trong đó, hệ thống siêu thị Big C đưa ra mức đề xuất tăng thêm chiết khấu khá cao 4,25% - 5%.

VASEP cho rằng, mức chiết khấu này khiến hầu hết các doanh nghiệp đều thấy quá khó khăn cho việc cân đối làm sao vẫn hợp tác với Big C nhưng vẫn có thể sống sót và được một chút lợi nhuận để tái đầu tư.

Vì vậy, trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh hàng hóa đặc thù này đang có chi phí sản xuất ngày càng tăng cao, VASEP bày tỏ mong muốn hợp tác cùng có lợi với Big C trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

“Nhiều doanh nghiệp đang hợp tác cùng Big C với tổng mức chiết khấu cao hơn 15% (mức ngưỡng hiện tại để có thể tồn tại), trung bình 17-20%, thậm chí có doanh nghiệp đến 25%. Đây là những mức rất cao mà chắc chắn sẽ lỗ, không thể có lãi để tái đầu tư”, VASEP cho biết.

Trên cơ sở đó, hiệp hội này đề nghị không tăng chiếu khấu trong hợp đồng mới của năm 2016 này và điều chỉnh giảm tổng mức chiết khấu cho doanh nghiệp xuống dưới 15%.

Mới đây, Tập đoàn Central Group của Thái Lan đã chính thức sở hữu hệ thống siêu thị Big C từ tập đoàn Casino của Pháp sau khi vượt qua các đối thủ khác với mức giá chuyển nhượng 920 triệu euro (tương đương 1,05 tỷ USD).

Việc các siêu thị bán buôn, bán lẻ Việt Nam lần lượt về tay người Thái (trước đó, Metro, Nguyễn Kim cũng đã về tay một tập đoàn Thái Lan) khiến nhiều chuyên gia lo ngại, các doanh nghiệp Việt sẽ rất khó khăn và vất vả trong cuộc chơi mới.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng: "Tôi nghĩ từ hôm nay, có thể nói Việt Nam đã chạm cột mốc... mất phần lớn thị trường bán lẻ. Quan trọng hơn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối diện với nhiều thử thách mới, gian nan bội phần”.

Nhật Linh

Doanh nghiệp thủy sản kêu khó khi Big C đòi tăng chiết khấu - 2