Hàng hóa Trung Quốc gắn mác ngoại lừa người mua

Doanh nghiệp kiến nghị Bộ Công Thương làm việc với Singapore để làm rõ thông tin máy móc , thiết bị Trung Quốc lại được cấp xuất xứ Singapore.

Tình trạng máy móc, hàng hóa Trung Quốc nhưng gắn mác của Singapore, Mỹ, Nhật… khiến người tiêu dùng phải giật mình xem lại nguồn gốc xuất xứ sản xuất khi mua hàng để không chịu thiệt.


Khi mua máy móc, thiết bị nên xem rõ hồ sơ để tránh hàng Trung Quốc, mác Singapore. Ảnh: Quỳnh Như

Khi mua máy móc, thiết bị nên xem rõ hồ sơ để tránh hàng Trung Quốc, mác Singapore. Ảnh: Quỳnh Như

Gắn mác Singapore để bán giá cao

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay khá nhiều trang web rao bán máy phát điện xuất xứ Singapore, Anh, Mỹ, Úc... Trong đó một số trang web nói rõ kết cấu của máy gồm các thành phần nào và xuất xứ của từng thành phần. Ví dụ: Động cơ xuất xứ Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc… tùy theo model. Tuy nhiên, cũng có nhiều trang web chỉ ghi chung chung là máy xuất xứ Singapore.

Trong khi đó tại một số cửa hàng bán máy phát điện trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP.HCM, giá máy phát điện công suất cao loại mới xuất xứ Trung Quốc khoảng 180 triệu đồng, xuất xứ Singapore khoảng 280 triệu đồng/máy. Như vậy, máy Singapore giá cao gần gấp đôi so với máy Trung Quốc. Thế nhưng khi hỏi chi tiết hơn từng cụm động cơ sản xuất tại nước nào thì người bán trả lời không rõ ràng. Điều này có thể gây nhầm lẫn và thiệt thòi cho người mua.

Cũng chính vì lý do này, để khách hàng không bị nhầm lẫn khi mua máy phát điện xuất xứ Trung Quốc nhưng gắn mác Singapore, một công ty đã đưa cảnh báo lên trang web. Bởi theo đại diện công ty trên, nhiều đơn vị nhập khẩu đã lợi dụng các quy chế thoáng của Singapore để cung cấp hàng hóa xuất xứ “đẹp” với hai phương pháp chủ yếu.

Một là tạm nhập tái xuất, mua máy phát điện tại Trung Quốc chuyển qua công ty con tại Singapore để tái xuất với xuất xứ Singapore. Hai là đặt mua máy phát điện của các nhà lắp ráp nhỏ lẻ tại Singapore hoặc thuê các xưởng nhỏ tại đây để lắp ráp, sau đó xuất khẩu với xuất xứ Singapore.

Trong buổi gặp gỡ các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài vừa diễn ra ở TP.HCM, ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai chuyên sản xuất máy phát điện, cũng phản ánh hiện tượng máy Trung Quốc nhưng được đưa sang Singapore để xin chứng nhận xuất xứ của nước này.

Việc máy của Trung Quốc nhưng xin xuất xứ Singapore, sau đó mang về Việt Nam bán đã cạnh tranh không lành mạnh, sòng phẳng với máy sản xuất tại Việt Nam, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng. Bởi khi mang mác Singapore thì được ưa chuộng hơn, giá bán cao hơn hẳn so với ghi xuất xứ Trung Quốc.

Từ thực tế trên, ông Trọng kiến nghị Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Bộ Công Thương làm việc với Singapore về việc cấp xuất xứ hàng hóa, cụ thể là máy móc, thiết bị. Nếu như không có gian lận gì mà do quy định của Singapore đúng là rất dễ dàng thì Bộ Công Thương cũng phải làm rõ thông tin để doanh nghiệp, người tiêu dùng, người mua máy móc, thiết bị nắm rõ. Qua đó giúp người mua không bị lầm tưởng là máy móc có linh kiện hay sản xuất tại Singapore, song thực chất là của Trung Quốc.

Đủ kiểu núp bóng

Trên thực tế cho thấy không riêng gì máy phát điện mà hiện khá nhiều dòng máy bơm nước, máy đo nhiệt, máy may... cũng được giới thiệu xuất xứ Singapore.

Ngoài ra, đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho hay cơ quan này thường xuyên bắt nhiều vụ hàng Trung Quốc núp bóng các thương hiệu nổi tiếng, biến xuất xứ Trung Quốc thành hàng Việt hoặc các nước để đánh lừa khách hàng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các đối tượng nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng Việt sợ hàng Trung Quốc kém chất lượng nên tráo nguồn gốc, xuất xứ. Mặt khác gắn mác hàng Việt hoặc các nước, khi đưa ra thị trường đạt lợi nhuận cao hơn.

Những sản phẩm loại này khá đa dạng, từ hàng điện tử, mỹ phẩm đến giày dép, quần áo, túi xách, đồ gia dụng, phụ tùng xe máy, xe đạp điện… Đơn cử cuối năm ngoái, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM phát hiện một công ty sản xuất bột ngọt có xuất xứ Trung Quốc. Sau khi đưa ra thị trường tiêu thụ, trên bao bì ghi đóng gói tại Indonesia, Thái Lan.

Đặc biệt, cơ quan chức năng cũng từng phát hiện một công ty sang Trung Quốc đặt làm bếp điện từ, bếp hồng ngoại, lò vi sóng, máy hút mùi... Sau đó nhập các sản phẩm này về Việt Nam rồi bóc nhãn “made in China” và dán nhãn sản xuất tại Ý, Đức, Malaysia… đưa đi tiêu thụ.

Hiện tượng này gây thiệt hại cho cả người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp. Bởi người tiêu dùng không thể phân biệt được hàng giả gắn mác thương hiệu nổi tiếng so với hàng thật. Tức mua phải hàng chất lượng kém, giá cao. Đồng thời làm thiệt hại không nhỏ đến uy tín, thương hiệu, thậm chí có thể bóp chết các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Theo Quỳnh Như - Tú Uyên
Pháp luật TPHCM

Hàng hóa Trung Quốc gắn mác ngoại lừa người mua - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm