1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Hàng nghìn tỷ vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN sẽ “không cánh mà bay”?

(Dân trí) - Theo dự thảo của Bộ Tài chính, khoản đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp Nhà nước đánh giá lại có giá thị trị thấp hơn giá trị sổ sách sẽ được xác định lại theo giá trị thực tế. Điều này có thể khiến nhiều khoản đầu tư có giá trị nghìn tỷ khi đánh giá lại sẽ giảm sút đáng kể.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

“Trái đắng” đầu tư ngoài ngành

Vào quãng những năm 2007-2008, thời điểm “đỉnh cao” của phong trào đầu tư ngoài ngành, hàng loạt tập đoàn lớn của Việt Nam đã thành lập các công ty con đầu tư vào những lĩnh vực ngoài nhiệm vụ chính được giao như: tài chính, bất động sản…

Tuy nhiên, do thiếu kiểm soát, đầu tư dàn trải nên hoạt động đầu tư ngoài ngành trở lên kém hiệu quả, gây nhiều tác động tới ổn định kinh tế vĩ mô. Trên thực tế, nhiều “ông lớn” Nhà nước đã phải nếm trái đắng vì hoạt động đầu tư “không chuyên” này.

Theo báo cáo từng được Bộ Tài chính công bố cho thấy, các tập đoàn Nhà nước đầu tư ngoài ngành gần 22.000 tỷ đồng, trong đó có 3.576 tỷ đồng vào chứng khoán, 2.236 tỷ đồng vào lĩnh vực bảo hiểm, 5.379 tỷ đồng vào bất động sản, vào quỹ đầu tư 495 tỷ đồng; riêng lĩnh vực ngân hàng vượt trội với 10.128 tỷ đồng.

Trong đó, bài học đắt giá nhất về những yếu kém khi doanh nghiệp Nhà nước đầu tư dàn trải ra các lĩnh vực ngoài ngành có thể kể tới trường hợp của Vinashin. Hay như một trường hợp mới đây là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nguy cơ mất trắng hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) sau khi ngân hàng này được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. PVN hiện đang còn “om” hàng nghìn tỷ đầu tư ngoài ngành cần phải thoái vốn.

Ngoài ra, cũng là thiếu sót nếu không kể tới Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Theo kết luận Thanh tra Chính phủ công bố cuối năm 2013, tính đến hết năm 2011, công ty mẹ EVN đã đầu tư vốn ra ngoài lên đến trên 121.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ chỉ có gần 77.000 tỷ đồng.

Hàng nghìn tỷ đồng sẽ “tiêu tan”?

Theo phương án sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được phê duyệt, trong 2 năm 2014 - 2015, cả nước phải cổ phần hoá 432 doanh nghiệp. Lũy kế năm 2014 và 8 tháng 2015, cả nước đã cổ phần hóa được 234 doanh nghiệp trong tổng số 432 doanh nghiệp, đạt 54% số lượng doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa. Như vậy, từ nay đến cuối năm, cả nước còn phải thực hiện cổ phần hoá 198 doanh nghiệp.

Trước thực trạng hiện nay, ngày 1/6/2015, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP theo đó giao Bộ Tài chính dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2011/NĐ-CP (Nghị định 59) của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng, trực tiếp tháo gỡ các vướng mắc hiện tại mà doanh nghiệp gặp phải.

Điểm nhấn của bản dự thảo này đã tăng quyền, tăng trách nhiệm cho các chủ sở hữu và sửa đổi quy định còn vướng mắc trong xác định giá trị doanh nghiệp – một khâu quan trọng trong quá trình cổ phần hóa DNNN.

Một điểm đáng lưu ý, Nghị định 59 quy định: “Trường hợp giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp cổ phần hóa tại doanh nghiệp khác được xác định thấp hơn giá trị ghi trên sổ kế toán thì xác định giá trị vốn đầu tư dài hạn theo giá thì ghi trên sổ kế toán của doanh nghiệp cổ phần hóa”.

Tuy nhiên, về nội dung này, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa đổi nội dung này theo hướng: “Trường hợp giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp cổ phần hóa tại doanh nghiệp khác khi đánh giá, xác định lại có giá trị thực tế thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán thì được xác định theo giá trị thực tế xác định lại.”

"Điều này cho thấy, việc định giá đã được điều chỉnh theo hướng thị trường, căn cứ vào giá trị thực tế tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa", Bộ Tài chính cho biết.

Thực tế, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khi xác định giá trị doanh nghiệp có khoản đầu tư tài chính dài hạn tại các doanh nghiệp khác mà các doanh nghiệp được đầu tư bị lỗ, mất vốn, thì giá trị các khoản đầu tư này đã thấp hơn giá trị trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp cổ phần hóa. Nhưng doanh nghiệp vẫn phải lấy giá trị ghi trên sổ sách kế toán để tính vào giá trị doanh nghiệp.

"Như vậy, nếu dự thảo chính thức được thông qua và có hiệu lực, nhiều khoản đầu tư ngoài ngành của các "ông lớn" Nhà nước khi đưa về đúng giá trị thị trường sẽ bị đánh giá thấp đi, hoặc thậm chí còn âm", một vị chuyên gia trong ngành nói.

Phương Dung

 

Hàng nghìn tỷ vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN sẽ “không cánh mà bay”? - 2