Doanh nghiệp Nhà nước "đủng đỉnh" thoái vốn tại các ngân hàng
(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước chính thức gửi thông điệp tới các doanh nghiệp Nhà nước về việc thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng từ 5% vốn cổ phần trở lên.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản số về việc thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại các tổ chức tín dụng cổ phần (TCTD).
Theo đó, đối với việc chuyển nhượng cổ phần của DNNN dẫn đến bên nhận chuyển nhượng trở thành cổ đông lớn của TCTD (sở hữu trực tiếp, gián tiếp từ 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của TCTD) hoặc bên nhận chuyển nhượng đang là cổ đông lớn của TCTD đó, TCTD thực hiện trình tự, thủ tục chuyển nhượng cổ phần theo quy định tại Luật các TCTD và Thông tư số 06 ngày 26/2/2010 của NHNN hướng dẫn về tổ chức, quản trị, điều hành, vốn điều lệ, chuyển nhượng cổ phần, bổ sung, sửa đổi Giấy phép, vốn điều lệ của ngân hàng thương mại (Thông tư số 06).
Trường hợp thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần nêu trên, các DNNN đang là cổ đông của TCTD có trách nhiệm phối hợp với TCTD (đơn vị đầu mối) lựa chọn đối tác nhận chuyển nhượng đảm bảo các điều kiện theo quy định của NHNN; Lập hồ sơ theo quy định tại Thông tư số 06, kèm tài liệu chứng minh việc đáp ứng các điều kiện, đề nghị NHNN xem xét, chấp thuận việc chuyển nhượng cổ phần.
NHNN đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với NHNN chỉ đạo các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN trực thuộc thực hiện các nội dung nêu tại công văn này.
Tính đến thời điểm hiện nay, nhiều DNNN đang nắm giữ cổ phần lớn tại ngân hàng như VNPT nắm 9% vốn điều lệ Maritime Bank, Petrolimex nắm 40% cổ phần PGBank, PVN sở hữu 20% cổ phần OceanBank và 52% cổ phần PVCombank, EVN đang nắm 16% cổ phần của ABBank, Vinacomin nắm cổ phần tại SHB...
Cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước đứng ra sắp xếp việc bán số cổ phần này cho EVN. Dự kiến, trong năm 2015 sẽ có phương án xử lý số cổ phần này.
Tháng 10/2014, PVN cũng cho biết đã có phương án thoái vốn đối với OceanBank và PVcombank. Dự kiến PVN sẽ thu về khoảng 5.000 tỷ đồng từ 2 thương vụ này. Tuy nhiên, thời điểm đó OceanBank chưa rơi vào khủng hoảng. Nhưng ngay sau đó, cuối tháng 11/2014, OceanBank rơi vào khủng hoảng và liên tiếp các lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này vướng vào vòng lao lý.
Còn với PVcombank, đến nay, PVN vẫn chưa tìm được đối tác mua lại số cổ phần mà họ đang nắm giữ. Thời hạn chót PVN phải bán số lượng cổ phần tại ngân hàng này là 31/12/2015.
Với Petrolimex, có lẽ việc thoái vốn đơn giản hơn nhiều bởi PGBank đã được Vietinbank nhận vào hệ thống. Như vậy, 40% cổ phần tại PGBank của Petrolimex sẽ được sang tên. Vấn đề còn lại là mức giá chuyển nhượng sẽ được tính thế nào khi PGBank thuộc diện ngân hàng buộc phải tái cơ cấu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
VNPT cũng đang loay hoay với số cổ phần tại MaritimeBank với lý do chưa tìm được nhà đầu tư mua lại. Vinacomin cũng cho biết khó tìm được nhà đầu tư để mua lại cổ phần tại SHB…
Mới đây, thông tin tại cuộc họp giao ban của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhằm đánh giá tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong quý I năm nay do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cũng cho thấy, mới có trên 600 tỷ đồng vốn thoái từ lĩnh vực tài chính, ngân hàng được các doanh nghiệp Nhà nước thu về trong quý I/2015.
Lĩnh vực bảo hiểm, tài chính ngân hàng thoái được 613 tỷ đồng, thu về 622 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Tùng - Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, việc thoái vốn của một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đầu tư trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng còn chậm do Ngân hàng Nhà nước chậm có ý kiến và việc bán đấu giá cổ phần theo lô hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn.
Nguyễn Hiền