1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời dịch virus corona

(Dân trí) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra hai kịch bản tăng trưởng của Việt Nam dưới tác động của dịch virus corona, theo đó cả hai kịch bản đều có tăng trưởng thấp hơn.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá dịch virus corona sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Về tăng trưởng, có 2 kịch bản xảy đến:

Kịch bản 1, virus corona được khống chế kịp thời trong quý I/2020, ước tính GDP năm nay tăng 6,27%, thấp hơn 0,53%.

Kịch bản 2, virus corona được khống chế trong quý II/2020, ước tính GDP tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71% so với Nghị quyết 01).

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời dịch virus corona - 1

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, virus corona khiến tăng trưởng của Việt Nam thấp hơn mục tiêu đề ra

“Như vậy, để năm 2020 đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% như mục tiêu đề là thách thức rất lớn, khả năng sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Về chỉ số CPI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, dịch bệnh có thể làm tăng giá thuốc y tế, giá điện sinh hoạt. Tuy nhiên, giá thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà, thịt bò, rau xanh; giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình; giá dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí có thể sẽ giảm trong ngắn hạn do nhu cầu giảm. Ngoài ra, nhu cầu ăn uống ngoài gia đình giảm, nhu cầu du lịch, lễ hội giảm.

Theo kịch bản 1, chỉ số giá tiêu dùng năm 2020 tăng 3,96% so năm 2019 và theo kịch bản thứ 2 tăng 4,86%.

Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra con số tác động trực tiếp của virus corona đến kim ngạch xuất khẩu, theo đó tổng kim ngạch xuất khẩu có thể sẽ giảm 21% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng 46,5 tỷ USD. Các ngành, lĩnh vực chính chịu ảnh hưởng là xuất khẩu nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm khoảng trên 29%, hàng thủy sản giảm 38%, hàng dệt may giảm 22%...

Về thương mại và du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong quý I/2020, xuất khẩu sang Trung Quốc có thể giảm hai con số so với cùng kỳ năm trước. 

Theo cả hai kịch bản nói trên, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể giảm từ 13 đến 16% so với cùng kỳ năm trước. 

Đáng nói, về du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, dịch bệnh cũng tác động mạnh và trực tiếp đến du lịch Việt Nam bởi khách Trung Quốc đứng đầu trong số khách quốc tế đến Việt Nam.

Trung bình mỗi quý của năm 2019, khách Trung Quốc đến Việt Nam là 1,45 triệu lượt người. Nếu theo kịch bản 1, lượng khách quốc tế trong quý I có thể giảm 800.000 lượt. Theo kịch bản 2, khách quốc tế đến nước ta có thể giảm khoảng 50-60% trong giai đoạn có dịch.

Con số thiệt hại ước tính vào khoảng 2,3 tỷ USD nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý I/2020 và 5 tỷ USD nếu dịch này tiếp tục kéo dài đến quý II. 

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm