1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Virut corona là thách thức lớn cho kinh tế Việt Nam năm 2020

(Dân trí) - “Virut corona không chỉ là thách thức lớn cho du lịch Việt, cho bất động sản Việt Nam mà còn cho toàn bộ nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nêu ra.

Virut gây viêm phổi cấp từ Vũ Hán (Trung Quốc) đã tác động rất lớn đến đời sống kinh tế và xã hội Việt Nam và rất nhiều nước xung quanh. Các chuyên gia phân tích, đánh giá gì về tác động của bệnh dịch cấp độ toàn cầu này đối với nền kinh tế Việt Nam?

Virut corona là thách thức lớn cho kinh tế Việt Nam năm 2020 - 1

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

Phóng viên Dân Trí có cuộc trao đổi nhanh với Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Việt kiều Mỹ, chuyên gia tài chính - ngân hàng về những đánh giá bước đầu của ông đối với sự biến y tế liên quan đến dịch bệnh từ Trung Quốc, bạn hàng, đối tác quan trọng của Việt Nam.

Thưa ông, nhìn vào hàng trăm chiếc xe nông sản nằm chờ bất động trên tuyến đường ra biên giới phía Bắc giữa lúc dịch viêm phổi cấp đang hoành hành ở Trung Quốc và diễn biến khó lường ở Việt Nam, ông thấy gì?

- Hàng nông sản đang ứ đọng sang Trung Quốc bởi vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virut corona khiến dân chúng không có nhu cầu tiêu dùng cao. 

Bản chất là người Trung Quốc không sợ dịch bệnh tại Việt Nam lan sang lại Trung Quốc mà chính là do nhu cầu của người dân đang giảm và doanh nghiệp nhập khẩu đã giảm lượng nhập về. Tôi được biết, ngay cả hàng hóa nội địa của Trung Quốc cũng đang ứ đọng, đây là nguyên nhân khiến hàng Việt khó sang Trung Quốc.

Hàng nông sản của Việt Nam vốn phụ thuộc lớn vào việc xuất khẩu thô sang Trung Quốc, bình thường nếu nước này thay đổi chính sách, sẽ có biến động, thậm chí chúng ta không có đường xuất bán đi đâu. Đây là trường hợp đất nước họ đang bị dịch bệnh, việc kiểm soát hàng hoá, thậm chí dồn sức chống dịch là chuyện dễ hiểu. 

Tôi nghĩ các doanh nghiệp hàng Việt, nhà xuất khẩu cần tìm hướng đi mới, thị trường Trung Quốc không còn dễ tính và dễ ăn như trước nữa rồi.

Với diễn biến phức tạp, dịch viêm phổi đang khiến một số ngành của Việt Nam chịu ảnh hưởng, nhất là du lịch, xuất khẩu, ông có dự đoán gì cho tác động của nó đến GDP và các kịch bản có thể xảy ra?

- Cho đến giờ này, dịch bệnh viêm phổi cấp mới chỉ có tác động bước đầu và ảnh hưởng mạnh đến các ngành như vận tải, du lịch, hàng hóa và hoạt động xuyên biên giới khác. 

Các tổ chức quốc tế cũng chưa có nghiên cứu về tác động của viêm phổi cấp đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và có các biến số đo lường cụ thể nền kinh tế do dịch mới chỉ xảy ra thời gian ngắn. 

Tuy nhiên, theo tôi có ba kịch bản: một là dịch chỉ lây truyền giới hạn những người sang Trung Quốc hoặc từ Trung Quốc vào Việt Nam, Việt Nam kiểm soát được đường đi của dịch bệnh và khống chế. Kịch bản này sẽ khiến Việt Nam có lợi khi nó không tác động lây lan, lan toả tâm lý nhiều đến kinh tế.

Kịch bản thứ 2 là chúng ta có ca lây nhiễm từ người Việt trong nước với người đến, đi từ vùng dịch và chủ động đối phó, cách ly đối với người có bệnh, nguy cơ cao. Kịch bản này sẽ khiến tác động cụ thể hơn đối với nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Và các tác động tiêu cực sẽ chỉ giảm khi Việt Nam chữa trị thành công, có vắc xin phòng ngừa.

Kịch bản thứ 3 và là kịch bản khó có thể xảy ra là nếu trong tháng 2 và tháng cuối cùng của quý 1, nếu không có thuốc phòng bệnh, vắc xin chưa được điều chế và số ca lây nhiễm mới gia tăng nó sẽ tác động rất lớn đến GDP của Việt Nam.

Nếu kịch bản dịch bệnh không được kiểm soát sẽ tác động rất nghiêm trọng đến nền kinh tế các nước nơi dịch này đi qua (theo tôi kịch bản này khó có thể xảy ra). Kịch bản dễ xảy ra hơn là trong vòng từ nay đến 3 tháng tới, dịch bệnh được kiểm soát, có thuốc phòng trừ bằng vắc xin thì có thể tác động đối với kinh tế các nước sẽ giảm đi. Chúng ta cần nghiên cứu các kịch bản để đo lường chỉ số tăng trưởng và có biện pháp kích thích phù hợp.

Hiện du lịch, vận tải hành khách, xuất khẩu là chịu tác động trực tiếp từ dịch viêm phổi cấp, sau đó là các loại hình dịch vụ khác như giáo dục, y tế, chăm sóc sức khoẻ, ăn uống… Theo ông cần có đánh giá gì về khả năng đề kháng của nền kinh tế trước tác động xấu dịch bệnh mang lại trên phạm vi rộng?

- Không những chỉ tác động đến du lịch, xuất nhập khẩu hàng hóa ,mà còn tác động lan tỏa đến nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau bởi hiện nay kinh tế có tác động cộng hưởng nhau, nếu một hoặc nhiều ngành nghề khác nhau cùng chịu ảnh hưởng sẽ khiến cả nền kinh tế chịu tác động.

Chúng ta nên nhớ rằng, ở nhiều nước, việc kiểm soát dịch bệnh động thực vật rất nghiêm ngặt. Nếu nguồn cơn phát dịch bệnh lây lan, có thể sẽ khiến các thị trường đang nhập khẩu hàng của Việt Nam bị kiểm soát 100%, rủi ro hơn là tạm cấm nhập. Việt Nam nên quen dần với việc tự kiểm định hàng hoá, dịch bệnh để nâng cao uy tín, chất lượng của hàng xuất khẩu của nước mình.

Thế giới đang nóng lên, các căn bệnh có thể phát tác ở bất kỳ đâu trên thế giới và sẽ chỉ có quốc gia nào có hệ thống đề kháng mạnh, chất lượng tốt mới chống đỡ lại được các cú sốc không mong muốn.

Khá nhiều hoa quả như dưa hấu, thanh long hiện không xuất sang Trung Quốc mà phải dừng ở cửa khẩu. Theo ông giải pháp của chúng ta cần là gì để giúp người nông dân?

- Rất đau xót, nhưng đây là sân chơi không dành nhiều cơ hội cho người yếu thế. Hàng Việt, doanh nghiệp Việt phải chịu cảnh được mùa, mất giá, chờ giải cứu nhiều rồi chứ không phải riêng lần này. Chính vì vậy, theo tôi rất cần có nhà máy chế biến sâu, đóng hộp hoa quả xuất chính ngạch. Nếu cứ mãi ở trạng thái chờ giải cứu, chúng ta mặc nhiên với điểm yếu thì khó chơi trong sân chơi toàn cầu được.

Về tác động đến nền kinh tế, theo tôi có lẽ cũng cần chờ trong khoảng 3 tháng xem diễn biến của dịch bệnh sẽ đi về đâu và tác động của nó sẽ như thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam. Liệu virut Corona có kéo theo sự giảm sút của nền kinh tế nào hay chưa thì chưa có nghiên cứu cụ thể nào cả.

Nhiều người có quan điểm cần giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong đó đặc biệt là xuất, nhập khẩu hàng hoá. Theo ông, dịch bệnh viêm phổi cấp đã, đang và sẽ tác động xấu đến xuất khẩu của Việt Nam có được xem là “chặng cuối” để chúng ta quyết tâm đa dạng hoá thị trường, đi vào xuất khẩu chính ngạch, chất lượng thay vì thô sơ, chộp giật?

- Thực ra Việt Nam muốn đa dạng hóa thị trường từ nhiều năm, nhưng chưa hoặc một số ngành không làm được. Chúng ta biết là phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là rủi ro rất lớn cho nền kinh tế. 

Nhưng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và cũng là nước xuất khẩu lớn của Việt Nam. Từ lâu, Việt Nam nhập khẩu lớn từ nước này các nguyên liệu cho nền sản xuất, rất khó để chúng ta nói là không nên nhập hàng hóa từ họ bởi nếu không sẽ không tìm nơi đâu thay thế được. Việt Nam đã cố gắng giảm thâm hụt thương mại, nhưng vẫn đang quá trình làm và nhiều ngành nghề cũng quyết tâm.

Còn đối với xuất khẩu, một thị trường tỷ dân là cơ hội lớn cho hàng Việt, tuy nhiên, chúng ta chưa đi vào chính ngạch (đi vào hệ thống siêu thị, đi vào các đại siêu thị, chưa bắt tay được với nhiều doanh nghiệp phân phối lớn, hàng hoá cạnh tranh chứ ít bổ sung nhau…) Đây là điểm khó cho hàng Việt.

Tuy nhiên, với cú sốc Corona, tôi mong đây là thời điểm Bộ, ngành và doanh nghiệp tìm thị trường mới an toàn hơn như châu Phi, EU, Úc… Tuy nhiên, chặng đường trước mắt sẽ khá chông gai và khó khăn bởi sân chơi thương mại thế giới đang rất nhiều rủi ro với doanh nghiệp VIệt.

Ông có dự báo về ngành, lĩnh vực ảnh hưởng mạnh nhất từ bệnh viên phổi cấp?

- Về ảnh hưởng, chắc chắn và dễ thấy nhất là du lịch và vận tải hàng không, đường sắt, đường bộ. Khách Trung Quốc đang chiếm 1/3 du khách quốc tế vào Việt Nam, có thể sự hao hụt này sẽ khiến một số doanh nghiệp thất thu.

Bất động sản nghỉ dưỡng, sinh thái hay bất động sản công nghiệp cũng bị tác động cộng hưởng bởi dịch bệnh khi rất nhiều người Trung Quốc sang lao động tại Việt Nam theo chân các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Trung Quốc. 

Sự có mặt của virut chết người corona có lẽ không chỉ là thách thức lớn cho du lịch Việt, cho bất động sản Việt Nam mà còn cho kinh tế Việt Nam trong năm 2020.

An Linh

(Thực hiện) 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm