Vinacomin nói gì về cảng Kê Gà và thiệt hơn của dự án bô-xít?

(Dân trí) - Với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án gần 3.800 tỷ đồng song ông Nguyễn Văn Biên, Phó TGĐ Vinacomin khẳng định, phần đầu tư đã chi là chưa lớn. Việc bồi thường sẽ được tính toán và thực hiện theo quy định.

Trước 2014 vẫn vận chuyển bauxite như hàng hóa bình thường theo tuyến Gò Dầu.
Trước 2014 vẫn vận chuyển bauxite như hàng hóa bình thường theo tuyến Gò Dầu.

Hôm nay (22/2), ông Nguyễn Văn Biên - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã trao đổi với phóng viên Dân trí về một số vấn đề cụ thể liên quan đến dừng triển khai cảng Kê Gà (Bình Thuận) do Tập đoàn làm chủ đầu tư.

Trước đó, ngày 18/2, tại cuộc làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức tuyên bố ngưng không xây dựng cảng Kê Gà thuộc địa bàn tỉnh này sau 4 lần tuyên bố khởi công rồi dừng lại suốt 5 năm qua.

Ban đầu, Kê Gà dự kiến có mức đầu tư khoảng 700 triệu USD, song sau đó đã được điều chỉnh nâng lên tới 1 tỷ USD. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 3.800 tỷ đồng (công suất 3,5 triệu tấn/năm). Tuy nhiên, với việc dừng triển khai dự án tại thời điểm hiện nay, ông Biên cho biết, chi phí đã đưa vào đầu tư là chưa lớn.

Nguyên nhân dừng triển khai cảng này được cho biết, sau tính toán lại thì cho thấy, trong trường hợp được xây dựng thì khối lượng hàng hóa phục vụ cho cảng này cũng chưa đáp ứng đủ như dự kiến ban đầu, hiệu quả kinh tế không cao.

Vấn đề được quan tâm hiện nay là Vinacomin sẽ giải quyết thế nào với 12 nhà đầu tư du lịch bị thu hồi đất làm dự án? Trả lời câu hỏi này, ông Biên cho biết, Tập đoàn mới chỉ thực hiện chuyển 4 tỷ đồng, giải quyết liên quan cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng giai đoạn 1.

"Thiệt hại và ảnh hưởng như thế nào sau khi dừng dự án thì Tập đoàn và UBND Bình Thuận sẽ triển khai tính toán theo quy định xem cụ thể bao nhiêu. Còn hiện nay chưa thực hiện" - ông Biên nói.

Vận chuyển bauxite qua tuyến Gò Dầu

Về phương án vận chuyển hiện tại, lãnh đạo Vinacomin cho biết, việc vận chuyển bauxite từ Nhà máy alumin Tân Rai vẫn dựa trên Quốc lộ 20, 51 và tỉnh lộ 769 về cảng Gò Dầu (Đồng Nai) theo sự cho phép của Bộ Giao thông Vận tải.

Trong tình hình hiện tại, hoạt động vận chuyển bauxite trên tuyến này vẫn tuân thủ theo đúng quy định giống như các doanh nghiệp khác vận chuyển hàng hóa thông thường. 

Theo đó, "Quy định cho phép vận chuyển bao nhiêu tấn thì Tập đoàn sẽ vận chuyển bấy nhiêu theo quy định như bình thường", ông Biên cho hay. 

Vị lãnh đạo này cũng bình luận thêm, so với sản lượng của 1 dự án xi măng thông thường (hàng triệu tấn mỗi năm) thì tổng sản lượng nhà máy alumin một năm tính ra có 650.000 tấn là không nhiều. Tổng hàng hóa vận chuyển của dự án này chỉ chiếm 1% tổng lưu lượng vận chuyển trên tuyến đường, vì vậy trước mắt sẽ không có ảnh hưởng.

Tuy vậy, nếu xét về lâu dài, khi quy mô phát triển gấp hàng chục lần hiện nay cùng với việc Nhà máy alumin Tân Rai chính thức hoạt động cũng như khi Nhà máy Nhân cơ được xây dựng và đi vào hoạt động thì việc tính toán sẽ cần được tính toán thận trọng hơn.

Đến năm 2014, dự kiến khi cảng Vĩnh Tân hoàn thành, theo chỉ đạo của Chính phủ, bauxite sẽ được vận chuyển qua cảng này.

100.000 tấn bauxite tiêu thụ trong nước

Đề cập đến việc xuất khẩu bauxite, ông Nguyễn Văn Biên cho hay, trước mắt, Tập đoàn mới chỉ đàm phán với đối tác Trung Quốc và Nhật Bản chứ chưa tính đến thị trường Malaysia.

Trước đó, thông tin trên báo chí, ông Nguyễn Thành Sơn, giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng cho hay, giá thành alumin xuất xưởng tại Tân Rai nếu đạt 100% công suất cũng phải xấp xỉ 375 USD/tấn. Trong khi đó, giá xuất khẩu theo đàm phán lại chỉ đạt 340 USD/tấn, nên dù xuất khẩu được vẫn lỗ.

Nói với Dân trí, ông Biên cho hay, hiện tại nhà máy vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện nên hiệu quả chuẩn xác thế nào chưa có cơ sở và chưa thể kết luận cụ thể.

Tuy nhiên, nhà máy đã có sản phẩm để bán ở trong nước, dự kiến 100 ngàn tấn/năm. "Trong nước vẫn đang dùng ngoại tệ để nhập khẩu, nên sản phẩm mà dự án cung ứng sẽ góp phần thỏa mãn nhu cầu trong nước cũng như làm giảm nhập siêu". 

Ông Biên cũng lạc quan rằng, "Hiệu quả này là rất rõ rệt đối với nền kinh tế. So với giá bán xuất khẩu thì giá bán trong nước vẫn đảm bảo cạnh tranh và hiệu quả".

Với trường hợp xuất khẩu, giá cả sẽ dựa trên biến động thị trường tại sàn London, tùy vào từng giai đoạn. "Nếu lấy giá ở giai đoạn khủng hoảng này mà tính thì sẽ thấp và khó chuẩn xác vì dự án kéo dài đến 30 năm. Quan trọng là cần tính hiệu quả trong dài hạn, và lưu ý đến các cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp từ Nhà nước. Dự án sẽ đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội, không những hiệu quả của riêng dự án mà của tổng thể chung nền kinh tế, của cả vùng Tây Nguyên trong giải quyết công ăn việc làm, phát triển liên ngành, dịch vụ, tạo tiềm năng động lực cho kinh tế toàn vùng" - Phó Tổng giám đốc Vinacomin nhìn nhận.
 

Giai đoạn 2 bô-xit sẽ đi đường vòng

Dự án bô-xit Tây Nguyên theo kế hoạch trước đó sẽ được vận chuyển từ Tân Rai đến Bảo Lộc theo tỉnh lộ 725, từ Bảo Lộc đến Dầu Giây theo quốc lộ 20 và từ Dầu Giây đến Long Thành theo tỉnh lộ 769.

Liên quan đến phương án vận chuyển bô-xit sau khi dừng cảng Kê Gà, lãnh đạo Tổng Cục đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, nếu không có cảng Kê Gà thì trong tương lai bô-xít sẽ phải vận chuyển trên quãng đường dài hơn, đi qua Quốc lộ 1 để tới cảng Vĩnh Tân. Con đường này được xây dựng dài khoảng 141 km, dự kiến hoàn thành trong năm 2014.

Đối với cảng Gò Dầu (Đồng Nai), Tổng cục này cho hay chỉ là nơi xuất khẩu bô-xít thuộc giai đoạn 1 của dự án phát triển bô-xít Tây Nguyên, sang giai đoạn 2 sẽ không dùng cảng Gò Dầu nữa mà sẽ chuyển hẳn sang cảng Vĩnh Tân.
 
Quỳnh Anh

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm