1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Hai cựu Bộ trưởng lo lắng về "chiếc áo chật" của thể chế kinh tế Việt Nam

(Dân trí) - Cùng chia sẻ về hai góc nhìn thực trạng cải cách, đột phá thể chế kinh tế đất nước trong thời đại mới, ông Bùi Quang Vinh và ông Trương Đình Tuyển đều cho rằng đổi mới thể chế kinh tế chưa đi liền với cải cách khu vực doanh nghiệp (DN), quá trình cải cách chậm của quản trị kinh tế Nhà nước đang tạo ra chiếc áo chật đối với một cơ thể đang lớn mạnh, cần vươn lên.

Tại Hội nghị về xây dựng Nhà nước kiến tạo hôm qua (13/6), ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đánh giá: Mặc dù, GDP hàng năm tăng 6-7% nhưng số tăng GDP tuyệt đối (phần giá trị tăng trưởng) rất nhỏ bé và ngày càng doãng xa so với tăng trưởng %.

Điều này do nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, đó là xuất phát điểm Việt Nam thấp nên nếu không cẩn thận chúng ta sẽ ngày càng tụt hậu so với bình quân thế giới.

Nhân lực và bài toán cải cách thể chế kinh tế đang gây đau đầu cho giới chuyên gia (ảnh minh hoạ)
Nhân lực và bài toán cải cách thể chế kinh tế đang gây đau đầu cho giới chuyên gia (ảnh minh hoạ)

Giai đoạn dân số vàng đang trôi đi

Ông Vinh nói rõ: "Năng suất lao động của nền kinh tế thấp và chậm cải thiện; khổ nhất là cải cách kinh tế chưa đi liền với cải cách thể chế nền kinh tế, quản trị Nhà nước, khiến có sự vênh nhau, không đồng nhất, méo mó nền kinh tế. Việt Nam ngày càng tụt hậu về cả thu nhập và quy mô của nền kinh tế".

"Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Cơ hội đặt ra cho chúng ta là có thể có những thị trường rất rộng lớn, chúng ta có những cơ hội để đổi mới, để nâng cao khả năng về công nghệ và nếu Việt Nam có nền kinh tế có sức cạnh tranh tốt thì Việt Nam có thể tạo ra một sự nhảy vọt rất nhanh", ông nói thêm.

Nhưng ngược lại, theo ông, trong xu thế hội nhập này nếu Việt Nam không tận dụng được tất cả những lợi thế của một nước đi sau. Chúng ta làm gì, khắc phục những tồn tại trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế để chúng ta có được một sức cạnh tranh của nền kinh tế cao hơn. Đây sẽ là một thách thức lớn.

Nhưng ngược lại, theo ông, trong xu thế hội nhập này nếu Việt Nam không tận dụng được tất cả những lợi thế của một nước đi sau.

Nói về nội lực, điều nguyên Bộ trưởng KH&ĐT trăn trở là chúng ta đang sở hữu, thừa hưởng nguồn lực con người, lao động thuộc thời đại tốt nhất là dân số trẻ, đa số đang nằm trong độ tuổi lao động, thường được gọi là "dân số vàng". "Tuy nhiên, chúng ta chưa khai thác được, vẫn mô hình cũ, cách làm cũ sẽ khiến chúng ta bỏ qua, phung phí các cơ hội và nhanh chóng đối diện với nguy cơ dân số già trước khi có điều kiện trở lên giàu có", ông trăn trở.

Theo ông Vinh: "Việt Nam đang ở giai đoạn ngắn ngủi của giai đoạn dân số vàng khi thời gian chỉ còn 5-10 năm nữa. Trong khi những động lực từ công cuộc đổi mới trước đây đang giảm dần, ít phát huy tác dụng. Việt Nam cần tìm ra động lực mới, căn cơ hơn nữa, đặc biệt là về thể chế kinh tế, hành chính quản trị để từ đó giải phóng sức người, giải phóng năng lực con người trong thời đại 4.0".

Ông Vinh khẳng định: Nếu trước đây tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ do chuyển đổi được 1 nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, mặc dù chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ nhưng đã tạo nên động lực rất mạnh. Còn hiện nay, chúng ta đang vướng mắc giữa việc cải cách thể chế kinh tế chậm hơn, xa hơn so với cải cách của thị trường, của nền kinh tế.

Lắng lo "chiếc áo chật" và sự phát triển

Cựu Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cảnh báo: Nếu những cuộc đổi mới về thị trường, của nền kinh tế nhanh hơn, xa hơn trong khi đổi mới nền hành chính, thể chế kinh tế còn chậm chạp, ì ạch không chỉ kéo giảm sức phát triển của nền kinh tế mà còn đi ngược lại với quy luật phát triển, khiến mâu thuẫn giữa khuôn khổ của chiếc áo quá chật với cơ thể đang phát triển, lớn mạnh.

Còn ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công Thương): Xây dựng Nhà nước kiến tạo trước tiên là phải biết Nhà nước đó phục vụ ai, muốn phục vụ người dân tốt hơn, trước hết phải biết dân muốn gì? Vì vậy phải lắng nghe ý kiến người dân, phải để cho người dân được tự do bày tỏ ý kiến của mình.

Theo ông Tuyển, người ta thường nói thể chế nào, doanh nghiệp ấy nhưng nên nhớ DN hiện nay đã rất thức thời, chủ động hội nhập và nhanh nhạy hội nhập so với 10 năm, 20 năm hoặc 30 năm trước kia; quy mô nền kinh tế đang cực mở, hội nhập và thích ứng đang là ưu tiên của DN... "Tuy nhiên, mô hình quản lý Nhà nước của chúng ta chậm chuyển đổi, hội nhập khiến nhiều điểm nghẽn, khiếm khuyết của quản lý Nhà nước lộ rõ, cần nhìn thẳng để sửa đổi, thích nghi trước khi nói đến việc tạo dựng, kiến tạo cho DN", ông nói

"Cải thiện môi trường kinh doanh là rất cần thiết nhưng cải cách thể chế kinh tế là gốc. Chính thể chế kinh tế đang tạo ra khung khổ, định ra giới hạn để cải thiện môi trường kinh doanh. Không phải xin phép là thể chế, phải xin phép cũng là từ thể chế nhưng được giải quyết nhanh lại thuộc về môi trường kinh doanh", ông Tuyển nói thêm.

Nguyễn Tuyền