HA.GL và Tập đoàn Cao su VN bị cáo buộc phá rừng ở nước ngoài
(Dân trí) - Một tổ chức phi chính phủ có tên Global Witness vừa cho đăng tải cáo buộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam và tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chiếm và khai thác đất rừng trái phép tại Lào và Campuchia, BBC cho biết.
Theo hãng tin BBC, Global Witness khẳng định tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (Tập đoàn cao su) đã được cấp 280.000 ha đất để trồng cao su tại Lào và Campuchia.
Global Witness khẳng định nhiều người dân địa phương đã bị buộc phải rời đi trong khi không được bồi thường, hỗ trợ đầy đủ hoặc thậm chí không nhận được hỗ trợ nào. Báo cáo của tổ chức này còn khẳng định các tập đoàn trên đã “bỏ lại đằng sau một sự tàn phá về môi trường và xã hội”.
Tuy nhiên phía HAGL đã lên tiếng khẳng định hoạt động của mình tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật của địa phương. Trong khi đó BBC không nhận được phản hồi sau khi liên hệ với Tập đoàn cao su.
Mở rộng nhanh chóng
Theo BBC, vấn đề thu hồi đất đã được nhiều tổ chức phi chính phủ tại cả Lào và Campuchia nêu lên trong những năm qua.
Sau nhiều thập niên chiến tranh và các cuộc cách mạng trong và sau thời kỳ chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam, hầu hết đất tại các nước này giờ là tài sản nhà nước. Chính phủ Lào và Campuchia đang khuyến khích việc khai thác đất đai để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Global Witness cho rằng hoạt động thu hồi đất tại Lào và Campuchia phản ánh cuộc khủng hoảng tòan cầu về việc khai thác đất không kiểm soát, trước sức hút từ việc giá cả các loại hàng hóa tăng cao.
HAGL ngay lập tức bác bỏ sự liên quan của mình đối với việc chiếm đất, khai thác rừng bất hợp pháp và hối lộ quan chức địa phương. Tập đoàn này cũng khẳng định các hoạt động đầu tư vào các đồn điền cao su, mía đường của mình hoàn toàn tuân thủ pháp luật của chính quyền sở tại.
Trong một thập kỷ qua cả Tập đoàn cao su và HAGL đều đã mở rộng nhanh chóng hoạt động sản xuất cao su của mình, góp phần giúp Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu cao su đứng thứ 4 thế giới sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Tuy nhiên việc tìm được diện tích đất phù hợp tại Việt Nam đã khó khăn hơn, trong khi Campuchia và Lào lại có những vùng đất hiếm hoi chưa khai phá còn sót lại tại Đông Nam Á.
Thông thường, cao su tại Đông Nam Á thường được trồng bởi các hộ gia đình trên diện tích nhỏ. Tuy nhiên hai tập đoàn trên đã đánh dấu sự chuyển hướng sang hoạt động trồng cao su trên quy mô lớn
Phản ứng trước báo cáo của Global Witness, HAGL cũng khẳng định các dự án của mình đã tạo ra hàng nghìn việc làm cho người dân địa phương.
Trong khi đó Global Witness khẳng định đã phỏng vấn một số người dân Lào và Campuchia, những người cho biết bị buộc phải rời những khu đất đang canh tác. Ruộng đồng của họ sau đó bị san phẳng để trồng cao su cho các công ty con hoặc công ty có vốn góp của hai tập đoàn trên.
Global Witness còn cáo buộc ngân hàng Deutsche Bank của Đức và tổ chức tài chính quốc tế IFC, một cơ quan của Ngân hàng Thế giới WB trong việc đã đầu tư vào hai tập đoàn này, cũng như không thẩm tra hoạt động của các tập đoàn trên tại Lào và Campuchia.
Bản cáo cáo cũng khẳng định 5 “đại gia” giàu nhất Campuchia là những người hưởng lợi chính từ việc thu hồi hàng triệu hecta đất.
Thế nhưng Deutsche Bank khẳng định không trực tiếp cấp vốn cho cả hai tập đoàn trên. Ngân hàng này chỉ nắm cổ phần tại HAGL thông qua một quỹ đại diện cho các nhà đầu tư khác và cung cấp “dịch vụ ủy thác cho HAGL như vẫn làm với hàng nghìn công ty niêm yết khác trên toàn thế giới”.
IFC thì tuyên bố không nắm cổ phần tại Tập đoàn cao su. Tổ chức này chỉ có góp vốn vào một quỹ đầu tư tại Việt Nam và quỹ này có nắm cổ phần của HAGL.
Global Witness là một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại London, Anh, được thành lập năm 1993. Theo công bố trên website, tổ chức này khẳng định công việc của mình là tiến hành điều tra, vận động để ngăn ngừa hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên có liên quan đến xung đột và tham nhũng cũng như các vấn đề môi trường và lạm dụng nhân quyền có liên quan.
Thanh Tùng
Theo BBC