1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

90% vải xuất khẩu sang Trung Quốc, “kịch bản cũ” có lặp lại?

(Dân trí) - Với tổng sản lượng ước đạt khoảng 200.000 tấn quả tươi niên vụ 2015, dự báo tiêu thụ nội địa khoảng 60%, xuất khẩu khoảng 40%, tương ứng 80.000 tấn. Riêng Trung Quốc chiếm khoảng 90% tổng sản lượng xuất khẩu.

Thay vì tập trung lên cửa khẩu, vải thiều nam tiến ngày một nhiều hơn
Thay vì tập trung lên cửa khẩu, vải thiều "nam tiến" ngày một nhiều hơn
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) và từ hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, niên vụ vải thiều năm 2015, tổng sản lượng ước đạt trên 200.000 tấn quả tươi. Thu hoạch vải sớm dự kiến từ ngày 15/5 đến 5/6/2015 (tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Yên, Lục Nam và Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang), thu hoạch vải chính vụ dự kiến từ ngày 1/6 đến 20/7/2015.
 
Với tổng sản lượng ước đạt khoảng 200.000 tấn quả tươi như trên, dự báo sẽ được tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng khoảng 120.000 tấn (chủ yếu là quả tươi); xuất khẩu khoảng 40%, tương ứng 80.000 tấn (trong đó khoảng 85% là quả tươi, 15% là quả sấy khô và chế biến bóc cùi đông lạnh).
 
Tại thị trường nội địa, vải tươi được tiêu thụ rộng khắp toàn quốc, trong đó, tập trung nhiều tại các địa phương khu vực phía Bắc và các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh… và các tỉnh phía Nam. Thị trường phía Nam được đánh giá tiếp tục sẽ là khu vực thị trường tiêu thụ nội địa quan trọng, chiếm khoảng 43% tổng sản lượng tiêu thụ trong nước.
 
Bên cạnh đó, vải thiều sẽ chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường truyền thống gồm Trung Quốc, các nước ASEAN như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore... và các nước châu Âu. Bên cạnh đó, gần đây có tín hiệu tốt từ các thị trường Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng, chiếm khoảng 90% tổng sản lượng xuất khẩu.
 
Theo dự báo, năm nay, giá vải thiều được dự báo ổn định và có mức tương đương với năm 2014.
 
Đẩy mạnh kênh tiêu thụ trong nước
 
Câu chuyện tiêu thụ nông sản khó khăn những năm gần đây, nhất là những bế tắc trong xuất khẩu đã khiến không chỉ nhà chức trách “đau đầu” mà dư luận cũng tỏ ra lo ngại. Rút kinh nghiệm, trong năm 2014, trước tình hình tiêu thụ quả vải gặp nhiều khó khăn, Bộ Công Thương cho biết, bên cạnh các hoạt động thường niên, cơ quan này đã chủ trì, phối hợp với một số Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu nhằm thúc đẩy tiêu thụ quả vải trên thị trường trong nước.
 
Trong năm 2014, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước đạt 138.000 tấn, trong đó thị trường phía Nam 60.000 tấn, chiếm gần 43,5% lượng tiêu thụ nội địa. Nhờ mở kênh tiêu thụ trong nước, nhất là đưa vào khu vực phía Nam, công tác tiêu thụ vải thiều năm 2014 diễn ra thuận lợi và thành công. Vải đã giữ được giá, tạo hiệu ứng tốt cho việc tiêu dùng sản phẩm trong nước nói chung và hoa quả Việt Nam nói riêng, góp phần hưởng ứng thiết thực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp.

Quả vải được mùa luôn đi kèm với nỗi lo giữ giá và tiêu thụ
Quả vải được mùa luôn đi kèm với nỗi lo giữ giá và tiêu thụ
 
Đối với niên vụ năm 2015, Bộ Công Thương cho biết đang cùng với Bộ NNPTNT chủ động phối hợp với các địa phương cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời về công tác sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2015 trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm kết nối thúc đẩy tiêu thụ quả vải và nhằm thực hiện có hiệu quả “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
 
Hai Bộ này cũng lên kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang chỉ đạo tổ chức Hội nghị nhằm tổ chức triển khai các giải pháp chủ yếu nhằm tiêu thụ vải thiều niên vụ 2015, dự kiến tổ chức tại tỉnh Bắc Giang ngày 11/5/2015.
 
Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng Đoàn công tác của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức làm việc với Uỷ ban nhân dân các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, chính quyền một số địa phương phía Trung Quốc và các doanh nghiệp kinh doanh vải thiều của Việt Nam và Trung Quốc, dự kiến tổ chức tại tỉnh Lào Cai và tỉnh Lạng Sơn vào cuối tháng 5 năm 2015.
 
Cũng theo kế hoạch, Bộ Công Thương sẽ cùng Bộ NNPTNT và Uỷ ban nhân dân các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương phối hợp với Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều năm 2015 khu vực phía Nam, dự kiến tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào đầu tháng 6 năm 2015.
 
Bộ Công Thương cho rằng, với việc tổ chức triển khai các hoạt động cụ thể và phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp như nêu trên, dự báo tình hình tiêu thụ năm nay sẽ tương đối thuận lợi và ổn định hơn so với các năm trước.
 
Mở rộng thị trường xuất khẩu
 
Về lâu dài, để tránh lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu Trung Quốc, Việt Nam đang tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản. Hiện Việt Nam đang tiếp tục đàm phán một cách tích cực các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định TPP, FTA với EU, Liên minh thuế quan…
 
Các nội dung quan trọng của đàm phán đều được cân nhắc và tính toán một cách cụ thể để đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc tận dụng được ưu thế của các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong quá trình mở cửa thị trường.
 
Ví dụ như, nếu TPP và FTA với Liên minh thuế quan, FTA với EU đi vào thực hiện sẽ mở ra những cơ hội lớn cho nhiều sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, nhiều mặt hàng nông - thủy sản, mặt hàng chế biến của Việt Nam gần như được đưa về mức thuế bằng 0% hoặc ở mức thấp để sau đó tiến tới bằng 0%, bên cạnh đó là việc dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm hàng hóa của các nước có thể tiếp cận thị trường của nhau một cách dễ dàng. Đây sẽ là cơ hội và điều kiện tốt để sản phẩm hàng hóa nói chung, sản phẩm nông sản của Việt Nam thâm nhập tốt hơn vào các thị trường quốc tế.
 
Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào việc nâng cao và mở rộng hơn nữa các hoạt động về xúc tiến thương mại, đổi mới mô hình cũng như phương thức, nâng cao chất lượng của xúc tiến thương mại.
 
Rút kinh nghiệm những lần trước, Bộ Công Thương sẽ tăng cường cập nhật, theo dõi và cung cấp thông tin về diễn biến tình hình sản xuất, sản lượng, tồn kho, chính sách và nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nói riêng tại các thị trường. Đồng thời rà soát và tích cực đẩy nhanh quá trình đàm phán các hiệp định về sự phù hợp và công nhận lẫn nhau đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và các nước…
 
Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm