Hà Nội: Khách xe buýt giảm “sốc”, nhiều tuyến nguy cơ dừng chạy vì lỗ nặng

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tây là đơn vị đầu tiên “kêu cứu” về nguy cơ phải tạm dừng hoạt động tuyến buýt trợ giá số 72 bến xe Yên Nghĩa - Xuân Mai, do thu không đủ chi.

Trong báo cáo gửi UBND TP.Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội cho biết tính đến hết tháng 8/2020 ghi nhận một số chỉ tiêu (lượt xe, sản lượng, doanh thu, chi phí, trợ giá) đối với 104 tuyến buýt trợ giá không đạt so với kế hoạch năm 2020 và cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, tổng sản lượng hành khách đạt 221,3 triệu lượt (giảm 26,8% so với cùng kỳ), trong đó xe buýt trợ giá đạt 203,4 triệu lượt hành khách (đã bao gồm khách đi xe buýt miễn phí), giảm 23,8% so với cùng kỳ. Doanh thu đạt 291,1 tỷ đồng, giảm 45,9% so với kế hoạch năm 2020…

Hà Nội: Khách xe buýt giảm “sốc”, nhiều tuyến nguy cơ dừng chạy vì lỗ nặng - 1
Khách giảm nghiêm trọng, nhiều tuyến xe buýt nguy cơ dừng chạy vì lỗ nặng

Theo Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), do tác động của dịch Covid-19, lượng khách đi xe buýt 6 tháng đầu năm 2020 sụt giảm nghiêm trọng.

Lượng vé lượt chỉ đạt 73% so với kế hoạch, vé tháng đạt 72,1% so với kế hoạch và bằng 58,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đợt dịch bùng phát tại Hà Nội, từ ngày 22/3, đơn vị đã cắt giảm 20% số chuyến (trên 1.000 lượt/ngày). Từ ngày 27/3 đã cắt giảm 80% số chuyển (trên 7.500 lượt) và từ ngày 28/3 đã tạm dừng toàn bộ hoạt động của xe buýt.

Cũng theo doanh nghiệp này, thời gian cao điểm dịch Covid-19, khoảng 6.000 cán bộ, công nhân viên của đơn vị này phải nghỉ việc ở nhà. Do Transerco không nằm trong diện được hưởng chính sách hỗ trợ từ Chính phủ nên đơn vị đã phải tự huy động nguồn lực hỗ trợ chi trả lương cho người lao động.

Lượng khách đi xe buýt sụt giảm nghiêm trọng khiến các doanh nghiệp tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ này lỗ nặng, khoản trợ giá vẫn như cũ trong khi doanh thu lại sụt giảm nghiêm trọng.

Mới đây nhất, Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tây là đơn vị đầu tiên “kêu cứu” về nguy cơ phải tạm dừng hoạt động tuyến buýt trợ giá số 72 (Bến xe Yên Nghĩa - Xuân Mai) do thu không đủ bù chi.

Ngoài nguyên nhân lượng khách sụt giảm vì Covid-19, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng đề cập đến tình trạng hụt thu do thành phố quyết định miễn phí cho người cao tuổi. Điều này đồng nghĩa với việc lượng khách vẫn thế nhưng doanh thu giảm đi (vì những người cao tuổi được miễn phí).

Trong khi đó ở nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe buýt khác, khi chuyển sang đấu thầu, cơ quan chức năng đã lấy số liệu của năm 2018 để làm cơ sở đấu thầu cho năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2019, thành phố lại có chính sách miễn phí cho người cao tuổi. Cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách đi xe buýt cũng giảm đi đáng kể.

Theo thống kê, sau khi Hà Nội thực hiện chính sách miễn phí cho người cao tuổi và hộ nghèo, đã có trên 330.000 thẻ miễn phí được cấp, tương ứng với 330.000 người không sử dụng vé tháng và vé lượt hàng ngày.

Đến nay, khi năm 2020 sắp qua đi nhưng nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt với 68 tuyến trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa được thanh toán khoản trợ giá của quý 1.

Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay: Chỉ riêng 68 tuyến chưa được thanh toán trong 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp xe buýt trên địa bàn Hà Nội đang phải đi vay ngân hàng hơn 200 tỷ đồng.

Vị này lo ngại rằng với lãi suất từ 7 - 8%/năm, nếu thành phố và các bộ ngành có liên quan không sớm tháo gỡ, nguy cơ sụp đổ, dừng chạy của nhiều tuyến buýt Hà Nội sẽ xảy ra.