GVR đảo chiều ngoạn mục sau vụ án tại Tập đoàn Cao su
(Dân trí) - GVR trở thành mã có diễn biến ngược dòng ngoạn mục nhất, tăng kịch trần sau chuỗi ngày bị bán mạnh vì thông tin khởi tố loạt cá nhân liên quan vụ án xảy ra tại tập đoàn này và các đơn vị liên quan.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua một phiên giao dịch nhiều cảm xúc. Từ những lo âu, thấp thỏm trong phiên sáng 24/7 khi VN-Index nhúng xuống dưới ngưỡng 1.220 điểm đến trạng thái khấp khởi hi vọng và phấn chấn khi chứng kiến cổ phiếu đồng loạt phục hồi.
VN-Index kết phiên tăng 6,66 điểm tương ứng 0,54% lên 1.238,47 điểm; HNX-Index tăng 1,58 điểm tương ứng 0,67% và UPCoM-Index tăng 0,13 điểm tương ứng 0,14%.
Thanh khoản đạt 740,26 triệu cổ phiếu tương ứng 17.864,84 tỷ đồng trên HoSE và 57,63 triệu cổ phiếu tương ứng 1.171,02 tỷ đồng trên HNX. Sàn UPCoM có 41,58 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 657,76 tỷ đồng.
Sự tích cực lan tỏa với hầu hết nhóm ngành trên thị trường. Có 500 mã tăng giá, 31 mã tăng trần so với 359 mã giảm, 17 mã giảm sàn.
Cú ngược dòng ấn tượng nhất phải kể đến cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Mã này trong phiên có lúc giảm về 30.100 đồng nhưng sau đó đã nhanh chóng hồi phục, tăng kịch biên độ HoSE lên 32.700 đồng, khớp lệnh đạt hơn 5 triệu đơn vị và có dư mua giá trần.
GVR cũng là cổ phiếu có tác động tích cực nhất lên VN-Index, đóng góp cho chỉ số 2,05 điểm.
Trước đó, GVR trải qua chuỗi ngày bị bán mạnh sau thông tin loạt cá nhân bị khởi tố liên quan đến vụ án xảy ra tại tập đoàn này, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị có liên quan (trong đó có ông Trần Ngọc Thuận).
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho hay, sự việc xảy ra trong giai đoạn trước năm 2015, trước khi tập đoàn chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Doanh nghiệp đang phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã nhận được đơn từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị của ông Trần Ngọc Thuận và đã tiến hành lấy ý kiến các thành viên để thống nhất thông qua việc tiếp nhận đơn từ nhiệm trên.
Hội đồng quản trị tập đoàn sau đó đã phân công lại nhiệm vụ cho các thành viên còn lại để đảm bảo chỉ đạo, quản lý điều hành tập đoàn được liên tục và thông suốt.
Trong phiên này, một số cổ phiếu khác thuộc rổ VN30 cũng tăng tốt là POW tăng 2,7%, khớp lệnh 11,4 triệu đơn vị; PLX tăng 2,2%; VJC tăng 1,8%. MSN, GAS, BCM tăng giá.
Cổ phiếu vua hồi phục có tác động tích cực đến xu hướng thị trường chung: SSB tăng 2,3%; EIB tăng 1,9%; TPB tăng 1,1%; MSB tăng 1%; SHB, ACB, STB, OCB, VPB, MBB, BID đều đóng cửa với sắc xanh.
Tương tự với cổ phiếu ngành chứng khoán: FTS tăng 4,9%; VIX tăng 3,9%; APG tăng 2,8%; VDS, TVS, BID cùng tăng 2,4%; CTS tăng 2%; AGR, ORS, VND, DSE cũng tăng tốt.
CMX tăng trần, DBC tăng 6,2% cùng một loạt cổ phiếu khác ngành thực phẩm đạt trạng thái tăng giá: HNG tăng 4,4%; BAF tăng 2,5%; HAG tăng 2,2%; ANV tăng 1,8%.
Phần lớn cổ phiếu bất động sản hồi phục tốt, một số mã có thời điểm tăng trần như ITC, DXG, DRH. Kết phiên, ITC tăng 6,3%; DXG tăng 5,9%; DIG tăng 4,9%; DRH tăng 4,6%; PDR tăng 3,9%; NTL tăng 3,8%; KBC tăng 3,8%.
Ở chiều ngược lại, QCG vẫn đứng yên ở mức giá sàn. Khối lượng giao dịch tại QCG chỉ đạt 65.900 cổ phiếu, dư bán giá sàn hơn 6,1 triệu đơn vị.
Trong phiên hôm nay, khối ngoại mua ròng 303 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó mua ròng 252 tỷ đồng trên HoSE, tập trung tại VNM, HPG, STB.