Grab bị tố đẩy taxi truyền thống lâm vào tình trạng “khó khăn nhất trong lịch sử”
(Dân trí) - Hiệp hội taxi 3 miền cho rằng Grab có nhiều thuận lợi hơn đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi, tạo ra môi trường cạnh tranh bất bình đẳng khá lớn khiến các hãng taxi truyền thống lâm vào tình trạng khó khăn nhất trong lịch sử hoạt động taxi của mình...
Hiệp hội taxi 3 miền Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị chấm dứt việc ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty TNHH Grabtaxi với các đơn vị kinh doanh vận tải taxi.
Cụ thể trong văn bản này, Hiệp hội taxi 3 miền tiếp tục tố cáo Grab hoạt động thiếu kiểm soát, liên tiếp vi phạm pháp luật và có biểu hiện coi thường pháp luật Việt Nam.
Chẳng hạn như GrabShare hoạt động tràn lan ở những nơi chưa được phép, có dấu hiệu vi phạm tập trung kinh tế trong phi vụ sáp nhập giữa Grab và Uber, gây rối loạn thị trường, phá vỡ quy hoạch tại các thành phố lớn và bóp nghẹt các hãng taxi truyền thống.
“Hoạt động như taxi nhưng lại tự nhận mình là đơn vị cung cấp phần mềm, việc khái niệm Grab là đơn vị kinh doanh vận tải dưới hình thức hợp đồng điện tử khiến Grab có nhiều thuận lợi hơn đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi, tạo ra môi trường cạnh tranh bất bình đẳng khá lớn khiến các hãng taxi truyền thống lâm vào tình trạng khó khăn nhất trong lịch sử hoạt động taxi của mình”, văn bản Hiệp hội taxi 3 miền Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM nêu.
Cũng theo đại diện 3 hiệp hội này, trong lúc Nhà nước đang xây dựng Nghị định 86 sửa đổi nhằm quản lý các loại hình kinh doanh taxi công nghệ và tháo gỡ rào cản pháp lý cho taxi truyền thống thì Grab tiếp tục ký kết hợp đồng với các đơn vị kinh doanh vận tải taxi.
“Chúng tôi lo ngại việc không có khung pháp lý điều chỉnh phù hợp, Grab sẽ tiếp tục thao túng thị trường vận tải taxi Việt Nam. Hệ quả do Grab gây ra với các quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội chúng ta đã nhìn thấy và cần có giải pháp ngăn chặn”, văn bản đề nghị.
Trước tình hình trên, Hiệp hội taxi 3 miền đề xuất Bộ GTVT có biện pháp phù hợp chấm dứt việc ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam với các hãng taxi truyền thống trong giai đoạn xây dựng Nghị định 86 mới. Bởi một xe được cấp phù hiệu taix thì không thể đồng thời có phù hiệu xe hợp đồng.
Các hiệp hội taxi cũng đề nghị Bộ GTVT có hướng dẫn và định danh Grab là loại hình kinh doanh vận tải taxi, chịu khung pháp lý đối với taxi, tiến tới tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh tại Việt Nam.
Trước đó, liên quan tới việc dịch vụ GrabTaxi, Công ty Grabtaxi Việt Nam cũng đã có phản hồi liên quan tới đề xuất mở rộng dịch vụ ra nhiều tỉnh thành như Ninh Thuận, Đồng Tháp, Gia Lai…
Theo đó, doanh nghiệp này cho biết GrabTaxi là một trong những dịch vụ được tích hợp trong ứng dụng Grab và đã được đăng ký với Bộ Công Thương là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử có phạm vi hoạt động trên toàn quốc và được hoạt động hoàn toàn hợp pháp theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử.
“Dịch vụ GrabTaxi không can thiệp vào giá cước cũng như cách vận hành, quản lý xe và tài xế của các đơn vị taxi. Giá cước GrabTaxi hiển thị trên ứng dụng Grab chỉ để hành khách tham khảo, được ước tính dựa trên giá cước theo kilomet của các đơn vị taxi và quãng đường dự kiến. Khách hàng sẽ trả đúng số tiền hiển thị trên đồng hồ tính cước của xe taxi sau khi kết thúc chuyến đi”, Grab nói.
Grab cũng cho rằng, theo hướng dẫn của Bộ GTVT, dịch vụ GrabTaxi có thể hoạt động tại tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc sau khi đã ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với những đơn vị kinh doanh taxi đã được Sở GTVT địa phương cấp phép.
Nguyễn Mạnh