Bầu Đức mạnh tay “rót” tiền vào Lào và Campuchia như thế nào?

(Dân trí) - Trong số 52 công ty con của Hoàng Anh Gia Lai thì có 14 công ty đóng trụ sở trên đất Lào và Campuchia, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cao su, mía đường và trồng rừng. Quý vừa rồi, chi phí trồng cây cao su tiếp tục tăng lên gần 5.000 tỷ đồng.

Tuyên bố sẽ rút chân khỏi bất động sản vào 2014-2015, bầu Đức dồn tiền cho cao su và mía đường.
Tuyên bố sẽ rút chân khỏi bất động sản vào 2014-2015, bầu Đức dồn tiền cho cao su và mía đường.

Dồn tiền cho cao su

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2013, trong đó ghi nhận khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang tính đến 31/3 đã giảm xuống còn 8.227,47 tỷ đồng, bằng 82,7% so thời điểm đầu năm.

Trong số này, tính riêng đầu tư của Hoàng Anh Gia Lai vào cao su, thuỷ điện, mía đường, nhiệt điện và khoáng sản đã lên tới 7.166,6 tỷ đồng, chiếm trên 87% tổng chi phí xây dựng dở dang.

Chi phí cho trồng cây cao su tiếp tục tăng lên 4.983,5 tỷ đồng, tăng 445,8 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm và nếu so với tổng chi phí xây dựng dở dang thì cao su đã “ngốn” hơn một nửa vốn đầu tư.

Trong khi đó, vốn chảy vào thuỷ điện và mía đường giảm so thời điểm cuối 2012. Nếu cuối năm ngoái ghi nhận khoản đầu tư 1.400 tỷ đồng vào nhà máy mía đường và nhiệt điện thì trong quý này, hạng mục này bỏ trống.

Các động thái này phản ánh rõ hơn tuyên bố của bầu Đức đưa ra hồi cuối năm 2011, rằng Hoàng Anh Gia Lai sẽ rút dần khỏi bất động sản. Cùng với đó là phân tán rủi ro, đưa một “ông trùm” bất động sản trở thành một tập đoàn đa ngành, lấn sâu vào lĩnh vực cao su.

Cuộc đổ bộ ra nước ngoài

Hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai đang có tổng cộng 52 công ty con. Số công ty hoạt động tại lĩnh vực bất động sản là 6 công ty, trong đó có 1 ở Myanmar và 5 ở Việt Nam. Năng lượng có 5 công ty, 4 ở Việt Nam và 1 ở Attapeu (Lào).

Đáng chú, số công ty con hoạt động trong lĩnh vực trồng cây công nghiệp rất nhiều, lên tới 16 công ty trồng rừng và sản xuất, kinh doanh cao su, mía đường. Một nửa trong nhóm này hoạt động tại Việt Nam, còn lại có 3 công ty tại tỉnh Attapeu là Công ty Phát triển Nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu; Công ty TNHH Nông nghiệp và Cao su Hoàng Anh - Quang Minh và Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu.

5 công ty tại Campuchia hoạt động trong lĩnh vực này có trụ sở tại Rattanakiri và Phnom Penh gồm: Công ty TNHH Rattanakiri; Công ty TNHH Hoàng Anh An Đông Meas; Công ty TNHH Hoàng Anh Oyadav; Công ty TNHH Heng Borothers và Công ty TNHH CRD.

Lĩnh vực khai khoáng có 4 công ty và chỉ có 1 công ty hoạt động ở nước ngoài là Khoáng sản Hoàng Anh Xêkông đóng tại Attapeu, Lào.

Lĩnh vực xây dựng, kinh doanh và dịch vụ có 8 công ty, có 3 công ty có trụ sở tại Vientiane (Lào) là Công ty TNHH V&H Corporation; Công ty TNHH V&H Corporation và Công ty TNHH Hoàng Anh Gia Lai Vientiane.

Rừng cao su của Hoàng Anh Gia Lai tại Attapeu, Lào.
Rừng cao su của Hoàng Anh Gia Lai tại Attapeu, Lào.

Việc lựa chọn Lào và Campuchia là điểm đến đầu tư mang lại cho Hoàng Anh Gia Lai khá nhiều thuận lợi và ưu đãi, trước hết chính là thuế. 

Trong các khoản điều chỉnh giúp tăng lợi nhuận trước thuế của Hoàng Anh Gia Lai quý vừa rồi, phần giá vốn mía đường được miễn tính thuế là 136,6 tỷ đồng.

Hồi nửa cuối năm ngoái, thị trường xôn xao việc Chính phủ Lào đề xuất với Bộ Công thương Việt Nam cấp hạn ngạch 80.000 tấn đường cho Hoàng Anh Gia Lai xuất khẩu sang Việt Nam. Đề xuất được đưa ra giữa bối cảnh, tổng hạn ngạch nhập đường cả năm 2012 của Việt Nam chỉ ở mức 70.000 tấn.

Do Việt Nam và Lào có thoả thuận ưu đãi thuế quan chung biên giới nên mức thuế áp với sản phẩm đường của Hoàng Anh Gia Lai khi nhập về Việt Nam là 2,5%, bằng phân nửa so với mức thuế áp cho các doanh nghiệp ở các nước khác trong ASEAN là 5%.

Báo cáo tài chính Hoàng Anh Gia Lai quý vừa rồi ghi nhận, Tập đoàn đang có khoản cho vay dài hạn đối với Chính phủ Lào tại thời điểm cuối tháng 3 là 186,6 tỷ đồng, tăng nhẹ so cuối năm 2012.

“Thoát lầy” bất động sản?

Báo cáo quý này của Hoàng Anh Gia Lai cho thấy sự phục hồi mạnh về lợi nhuận của công ty khi đã bắt đầu “thoát lầy” bất động sản.

Theo đó, lợi nhuận thuần tăng 60,3% so cùng kỳ lên 123,1 tỷ đồng mặc dù doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm hơn 17%.

Nhờ phần giá vốn hàng bán giảm mạnh, chỉ bằng 62% so cùng kỳ 2012, do đó, phần lợi nhuận gộp được bù đắp và tăng 35% lên 339,5 tỷ đồng.

Vay và nợ ngắn hạn tăng mạnh. Trong đó, vay ngân hàng chiếm đa số với 1.724 tỷ đồng, tăng 275 tỷ so đầu năm; vay các tổ chức và cá nhân khác gần 320 tỷ đồng, gấp 10 lần con số đầu kỳ. Ngoài ra, nợ vay dài hạn ngân hàng đã đến hạn trả trong vòng một năm cũng tăng lên 1.402,3 tỷ đồng.

Mai Chi