"Giấy bột Phương Nam bán không ai mua, Gang thép Thái Nguyên bán được lại vướng pháp lý"
(Dân trí) - Đại diện Bộ Tài chính nhắc đến trường hợp Giấy bột Phương Nam đấu giá 3-4 lần không có nhà đầu tư mua trong khi tại dự án Gang thép Thái Nguyên, có thể bán cả doanh nghiệp nhưng muốn bán lại vướng vì phải xử lý các vấn đề tồn tại.
Phát biểu tại họp báo chuyên đề về “Kết quả tái cơ cấu, cổ phần hoá của doanh nghiệp nhà nước năm 2018” sáng nay (28/3), ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho hay, năm 2018 chỉ cổ phần hoá được 23 doanh nghiệp trong khi kế hoạch đặt ra là 64 doanh nghiệp.
"Năm 2019 sẽ chịu thêm áp lực về cổ phần hoá do còn 40 doanh nghiệp chưa hoàn thành từ năm 2018 chuyển sang. Nếu không có biện pháp thì sẽ không thể hoàn thành tiến độ được", ông Tiến nói.
Ông Tiến cho rằng, việc chậm tiến độ có cả nguyên nhân khách quan. Ví dụ như với những doanh nghiệp quy mô lớn, quản lý nhiều tài sản nhà nước, nhất là đất đai nên tồn tại tính chất phức tạp trong khi doanh nghiệp nhỏ, đất đai không có thì dễ cổ phần hoá hơn.
Theo ông Tiến, hiện chủ trương là thu gọn, cổ phần hoá chuyển sang mô hình công ty cổ phần đối với nhiều Tập đoàn, Tổng công ty như: TKV, Agribank, VNPT, Mobifone... Tuy nhiên, quá trình cổ phần hoá cũng còn nhiều vướng mắc.
"Quá trình chậm vì còn vướng mắc, có vụ việc phải xử lý như Mobifone phải xong vụ AVG mới cổ phần hoá được, không thể cổ phần hoá khi vụ việc chưa xử lý rốt ráo", ông dẫn ví dụ.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, bên cạnh nguyên nhân khách quan còn có các nguyên nhân chủ quan. Ví dụ như trường hợp Agribank, hệ thống ngân hàng lớn nên khởi động một năm rưỡi mà phương án sử dụng đất chưa hoàn thành theo quy định nên chưa cổ phần hoá được. Việc này không chỉ của nguyên nhân từ bộ ngành, doanh nghiệp địa phương mà còn của cả từ phía chính quyền địa phương.
Về thoái vốn nhà nước, đại diện Bộ Tài chính thừa nhận còn rất chậm. "Dự án thua lỗ nên thoái vốn không dễ. Ví dụ như Tổng công ty giấy, chỗ Nhà máy Bột giấy Phương Nam đấu giá 3-4 lần không có nhà đầu tư mua. Hay như Tổng công ty Thép, muốn thoái vốn ở dự án Gang thép Thái Nguyên, có thể bán cả doanh nghiệp nhưng muốn bán phải xử lý các vấn đề tồn tại, đặc biệt là tranh chấp pháp lý giữa chủ đầu tư và nhà thầu nước ngoài", ông nói.
"Có doanh nghiệp muốn bán mà nhà đầu tư không mặn mà, còn có doanh nghiệp có dư địa bán thì lại vướng. Rõ ràng vấn đề này khách quan, không xử lý một sớm một chiều được", ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Tiến cũng chỉ ra rằng, các dự án thoái vốn phải đảm bảo nguyên tắc đúng pháp luật, công khai minh bạch.
"Có đồng chí bảo bán cao ai mua phải cắt lỗ nhưng quan trọng ta phải hiểu đúng pháp luật nghĩa là nếu anh đầu tư sai, đôn giá từ 10 đồng lên 20 đồng, ông làm sai phải đền bù. Giá trị là 10 đồng thì không thể nói em đầu tư 20 đồng, em phải bán từng đấy. Thị trường định giá như thế nào thì chúng ta phải nhận như thế. Ví dụ nhà máy bột giấy Phương Nam đòi 1.000 tỷ đồng mới bán thì khó vì thực tế có hoạt động đâu", ông nói thêm.
Phương Dung