Sếp sợ bị quy trách nhiệm, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước sẽ chuyển biến mạnh?

(Dân trí) - Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tin tưởng trong quý II/2019, quý III/2019 sẽ có chuyển biến tích cực trong việc đăng ký giao dịch và đăng ký niêm yết của các doanh nghiệp này.

cph.jpg

Năm 2018 đã công khai danh tính của 745 doanh nghiệp đã cổ phần hoá.

Chia sẻ với phóng viên mới đây, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, hiện có gần 800 doanh nghiệp đang niêm yết trên Sở GDCK và trên 800 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM, rất nhiều trong số đó là các doanh nghiệp có gốc là doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa.

Theo ông Dũng, trong những năm gần đây, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt về việc gắn cổ phần hóa với niêm yết và bản thân Chính phủ đã đưa điều này vào Nghị định và nhiều văn bản hướng dẫn, việc thực thi cũng ngày càng nghiêm.

Đặc biệt, cuối năm 2018, đầu năm 2019, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt hơn bằng 2 động thái: công bố danh tính của tất cả các doanh nghiệp đã cổ phần hoá nhưng chưa chịu lên sàn; hai là chỉ đạo quyết liệt việc cổ phần hoá đồng thời quy trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng.

"Đây là chỉ đạo mạnh, tôi tin sẽ tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong cổ phần hoá và cổ phần hoá gắn với niêm yết, đặc biệt từ quý II/2019", ông nói.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ông Dũng cho biết, hiện theo danh sách mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nắm được, năm 2018 đã công khai danh tính của 745 doanh nghiệp đã cổ phần hoá và phải thực hiện đăng ký giao dịch hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán.

"Khoảng hơn 200 doanh nghiệp đã thực hiện rồi, còn khoảng hơn 200 doanh nghiệp đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhưng chưa thực hiện. Chúng tôi đang tiếp tục rà soát, báo cáo Bộ Tài chính, Thủ tướng để có biện pháp đốc thúc. Chúng tôi tin tưởng trong quý II/2019, quý III/2019 sẽ có chuyển biến tích cực trong việc đăng ký giao dịch và đăng ký niêm yết của các doanh nghiệp này", ông khẳng định.

Nói về thị trường chứng khoán, ông Dũng cho hay, năm 2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 4 giải pháp chính với mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán “nhanh, lành mạnh, bền vững, an toàn” như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Về mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, theo ông Dũng, đang có tiến triển tốt. Tháng 9/2018, tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi để nâng hạng thị trường chứng khoán từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi cấp độ 2.

"Thời gian tối thiểu để xem xét là 1 năm. Chúng ta cũng có quyền, có hy vọng cuối năm 2019, đầu năm 2020, FTSE Russell có thể xem xét nâng hạng chính thức cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Tôi tin rằng nếu chúng ta triển khai đồng bộ, thành công 4 giải pháp trên như chỉ đạo của Phó Thủ tướng thì không có lý do gì FTSE Russell không nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam", ông nói.

Phương Dung

bannerchan-bai.gif