Gian lận xuất xứ: Lợi ích nhất thời nhưng thiệt hại rất lớn

(Dân trí) - Gian lận xuất xứ ngày càng gia tăng sẽ tạo ra nguy cơ cản trở xuất khẩu của Việt Nam, làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín hàng xuất khẩu. Hành vi này làm giảm lợi ích mà Việt Nam có được từ các nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang gây dựng.

Đó là khẳng định của ông Chu Thắng Chung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tại hội nghị “Đối thoại hạn chế rủi ro về gian lận xuất xứ và phòng vệ thương mại trong hoạt động xuất khẩu” diễn ra sáng nay (19/12) tại Hà Nội.

Ông Chung cho rằng, hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp từ các quốc gia khác qua Việt Nam để xuất khẩu… chỉ đem lại lợi ích nhất thời cho một vài doanh nghiệp có hành vi bất chính. 

Tuy nhiên hành vi này lại làm tăng chi phí và nguồn lực rất lớn của các doanh nghiệp làm ăn chân chính khi muốn chứng minh sự tuân thủ quy định của các quốc gia xuất khẩu.

“Gian lận xuất xứ ngày càng gia tăng sẽ tạo ra nguy cơ cản trở xuất khẩu của Việt Nam, làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín hàng xuất khẩu. Hành vi này làm giảm lợi ích mà Việt Nam có được từ các nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang gây dựng”, ông Chung cho biết.

Chính vì thế theo ông Chung, các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia. Bởi đây là những công cụ chính sách được Tổ chức thương mại thế giới cho phép để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước tránh bị thiệt hại từ hàng hoá nhập khẩu.

Gian lận xuất xứ: Lợi ích nhất thời nhưng thiệt hại rất lớn - 1

Gian lận xuất xứ đang là vấn đề nhức nhối

Nêu lên một số trường hợp điển hình của gian lận xuất xứ, bà Trịnh Thị Thu Hiền cũng cho biết, có nhiều dạng gian lận xuất xứ, một số doanh nghiệp làm giả giấy xác nhận của địa phương hoặc giả nhà sản xuất cung cấp nguyên vật liệu, cắt dán con dấu, hoặc xin xác nhận của địa phương nhưng nội dung chung chung.

Bà Hiền nêu ví dụ, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu nhưng lại bán thành phẩm. Đơn cử như sản phẩm khăn lụa, doanh nghiệp nhập cả chiếc khăn, nhưng chỉ có thao tác thêm một đường diềm xung quanh chiếc khăn cũng nghiễm nhiên coi đó là sản phẩm khăn “Made in Vietnam”.

Tương tự, theo Trưởng phòng xuất xứ hàng hoá, một công ty ở Tây Ninh khi nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, trong giấy tờ ghi là nhập hạt nhựa và sản phẩm cao su tổng hợp, về đến Việt Nam chỉ gia công thêm một số công đoạn nhỏ nhưng khi xuất khẩu đi là sản phẩm thảm cỏ nhân tạo “Made in Vietnam”. Nhưng thực chất khi nhập về đã gần như là sản phẩm hoàn chỉnh rồi.  

Bà Hiền cũng cho biết, có những trường hợp giả mạo xuất xứ rất nực cười, giả cả chữ ký của người đã nghỉ hưu.

Tuy vậy, vẫn có nhiều doanh nghiệp rất tuân thủ các quy định về quy tắc xuất xứ, nhưng chưa biết cách để chứng minh hàng hoá đáp ứng xuất xứ.

Bà Hiền lấy ví dụ, một doanh nghiệp ở Thái Bình có nguyên liệu đầu vào là vải, đầu ra là sản phẩm quần áo. Về nguyên tắc là đã đảm bảo quy tắc xuất xứ. Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn, vải trong khai báo là vải dệt thoi, trong khi quần áo thành phẩm lại là vải dệt kim. Đương nhiên hai bản chất vải hoàn toàn khác nhau, không thể nào vải dệt thoi lại ra thành quần áo dệt kim. Thế nhưng, theo quy định trong quy tắc xuất xứ thì hàng hoá này vẫn đảm bảo xuất xứ.

Một trường hợp khác, doanh nghiệp xuất khẩu hàng đá vôi sang Malaysia. Song, thay vì khai báo mặt hàng đá vôi bằng tiếng Anh thì lại ghi thành “da voi”. Kết quả, tất cả các lô hàng khai là “da voi” đều bị Malaysia chuyển về Việt Nam yêu cầu về chứng minh xuất xứ.

Theo đại diện Cục xuất nhập khẩu, Malaysia không nghi ngờ xuất xứ từ Việt Nam, mà họ không tìm ra sản phẩm “davoi” là sản phẩm gì.

“Quy tắc xuất xứ, quy định là giống nhau, nhưng chỉ một sai sót nhỏ, doanh nghiệp có thể không được hưởng ưu đãi thuế quan”, vị này cho biết thêm.

“Không phải cứ tham gia FTA thì sẽ có gian lận xuất xứ, mà gian lận chỉ xuất hiện trong một số bối cảnh cụ thể, với một số hàng hoá cụ thể”, bà Hiền nói.

Cũng theo đại diện Cục này, thông thường cơ quan hải quan nước ngoài sẽ tiến hành một loạt các câu hỏi: Thế nào là tiêu chí xuất xứ, chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, mô tả quy trình sản xuất… đó là những “đề bài” mà đến bất cứ một thị trường nào trong các FTA, DN sẽ được yêu cầu.

“Do đó DN cần nắm hết các yêu cầu đó để có thể chuẩn bị đầy đủ thông tin, dữ liệu… từ đó có những đáp án tốt đáp ứng yêu cầu phía đối tác đưa ra”, đại diện Cục lưu ý

 Thế Hưng