Doanh nghiệp Việt nên cẩn trọng về xuất xứ hàng hóa khi “bước vào” EVFTA

(Dân trí) - Khi vào “sân chơi” EU, các doanh nghiệp Việt cần đảm bảo quy tắc xuất xứ hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, minh bạch trong kinh doanh và nhiều vấn đề khác.

Doanh nghiệp Việt nên cẩn trọng về xuất xứ hàng hóa khi “bước vào” EVFTA - 1

EU là thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU (Liên minh Châu Âu) mới đây, Bộ Công Thương đã xác định được những sản phẩm chủ lực của Việt Nam sẽ vào EU khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực.

Theo Bộ Công Thương, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, tăng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi không có hiệp định này.

Căn cứ vào năng lực sản xuất các ngành hàng chủ lực của Việt Nam và cam kết giảm thuế của EU trong EVFTA, dự báo Top 5 sản phẩm xuất khẩu chủ lực có cơ hội tăng trưởng mạnh nhờ EVFTA là thủy sản, rau quả, đồ gỗ, giầy dép và dệt may.

Đây là 5 ngành hàng Việt Nam có thế mạnh về sản xuất và được EU cam kết giảm thuế.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho rằng, muốn tăng trưởng, mở rộng thị phần xuất khẩu tại EU thì các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần chú trọng vào những vấn đề sau:

Thứ nhất, đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU bởi các quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu hàng hóa ngày càng chặt chẽ và khắt khe hơn.

Nguy cơ hàng Việt bị "mượn danh" xuất sang EU cũng từng được các chuyên gia kinh tế cảnh báo. Điều này gây ra nhiều hệ lụy khiến hàng hóa Việt Nam xuất vào EU có thể bị áp thuế chống bán phá giá cao.

Do đó, các doanh nghiệp cần chú trọng vào các vấn đề đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU.

Thứ hai, hết sức chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định.

Thứ ba, các doanh nghiệp cần coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất.

Đối với hàng thủy sản ngoài những lưu ý trên cần hết sức tuân thủ các quy tắc IUU về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không đăng ký.

Đây là những cảnh báo không thừa của Bộ Công Thương dành cho các doanh nghiệp bởi cơ hội tại thị trường Liên minh Châu Âu là rất lớn.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, Hiệp định thương mại tự do nào cũng mang đến những cơ hội và cả những thách thức. Tuy nhiên, cơ hội là rất lớn, nhất là với thị trường tiềm năng như Liên minh Châu Âu. Doanh nghiệp Việt Nam không có lý do gì mà không “dấn thân” vào một thị trường như vậy.

Đại Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm