Giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa xuống 17%: Có lo ngân sách hụt thu?

(Dân trí) - "Chúng tôi cho rằng, nếu chính sách trúng, đúng đối tượng thì chúng ta chỉ cần sử dụng một nguồn lực rất nhỏ nhưng lại có tác động rất lớn đến sản xuất kinh doanh. Tác động đó chính là tạo điều kiện cho DNNVV phát triển, cũng chính là tăng trưởng GDP. Mà tăng trưởng GDP là cái gốc của vấn đề thu ngân sách", đại diện Bộ Tài chính cho hay.

Trao đổi về những chính sách thuế ưu tiên phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV), ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, mục tiêu đến năm 2020 sẽ có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (DN) hoạt động trong đó có các DN quy mô lớn, nguồn lực mạnh... hàng năm có khoảng 30-35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới, sáng tạo.

Thực hiện mục tiêu này, Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng các giải pháp cụ thể về thuế nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, trong đó bao gồm các giải pháp về thuế hỗ trợ các DNNVV, DN khởi nghiệp, xử lý nợ thuế...

"Để phát triển DN, DNNVV là 1 trong những trọng tâm mà các nước đang phát triển đang rất chú ý bởi vì bởi DNNVV quy mô nhỏ nhưng giải quyết được vấn đề lao động và việc làm; đây cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là khi tình hình kinh tế có biến động", ông Thi cho biết.

Bộ Tài chính đang đề xuất giảm thuế TNDN cho DNNVV, vốn chiếm hơn 86% tổng số DN ở Việt Nam, xuống còn 17% (Trong ảnh: ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế)
Bộ Tài chính đang đề xuất giảm thuế TNDN cho DNNVV, vốn chiếm hơn 86% tổng số DN ở Việt Nam, xuống còn 17% (Trong ảnh: ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế)

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tại Việt Nam, DNNVV đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và tỷ lệ DNNVV tại Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp. Vì vậy, để việc hỗ trợ DNNVV được khả thi trong thực hiện thì chính sách thuế cũng là một trong các công cụ cần tính tới (và thực tế đã được áp dụng trong giai đoạn từ 01/7/2013 đến hết 2015, từ 01/01/2016 DNNVV áp dụng mức thuế suất 20% như các doanh nghiệp khác).

Để tiếp tục khuyến khích DNNVV phát triển, Bộ Tài chính đang kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho DNNVV được giảm thuế suất phổ thông xuống còn 17% áp dụng trong thời hạn tối đa 4 năm (giai đoạn 2017-2020). Trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổng kết lý luận và thực tiễn để nghiên cứu khi sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Tiêu chí DNNVV như quy định tại Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 là những DN có doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng.

Ông Phạm Đình Thi cho biết, theo số liệu số thu thuế TNDN năm 2015, nếu xác định DNNVV theo tiêu chí doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng như quy định tại Luật thuế TNDN thì số lượng doanh nghiệp này mặc dù chiếm đến 86,2% nhưng số thu về thuế TNDN chỉ có 2.746 tỷ đồng. Còn nếu nâng mức doanh thu lên 100 tỷ đồng như đề xuất tại dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV thì số lượng doanh nghiệp chiếm 95,2% (tăng 9% so với số doanh nghiệp có mức doanh thu không quá 20 tỷ đồng) là số thu về thuế TNDN là 8.710 tỷ đồng (tăng 5.964 tỷ đồng so với DN có mức doanh thu không quá 20 tỷ đồng).

Do đó, nếu xác định DNNVV được áp dụng thuế suất 17% theo tiêu chí doanh thu năm không quá 100 tỷ đồng thì mức giảm thu ngân sách khoảng 1.500 tỷ đồng/năm, còn nếu xác định DNNVV theo tiêu chí doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng thì mức giảm thu ngân sách chỉ khoảng 473 tỷ đồng.

"Cũng có người đặt ra câu hỏi vì sao đặt ra chính sách giảm thu trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn. Nhưng chúng tôi cho rằng nếu chính sách của chúng ta trúng, đúng đối tượng thì chúng ta chỉ cần sử dụng một nguồn lực rất nhỏ nhưng lại có tác động rất lớn đến sản xuất kinh doanh. Tác động đó chính là tạo điều kiện cho DNNVV phát triển, cũng chính là tăng trưởng GDP. Mà tăng trưởng GDP là cái gốc của vấn đề thu ngân sách.

Nếu chúng ta đạt được điều đó thì chúng ta không sợ giảm thu ngân sách vì kinh tế phát triển sẽ tạo nguồn thu lớn hơn và bền vững hơn, cũng là cơ hội tái cơ cấu lại nguồn thu trong nước để tăng tỷ trọng thu nội địa", đại diện Bộ Tài chính phân tích.

Mặt khác, theo ông Thi, ngân sách những năm hiện tại cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều do số lượng DNNVV chiếm phần lớn trong nền kinh tế nhưng tỷ trọng đóng góp vào NSNN về thuế TNDN lại nhỏ.

Để vừa đảm bảo nguồn thu NSNN, vừa có các chính sách thuế nhằm hỗ trợ và phát triển DN, số giảm thu ngân sách do thực hiện các giải pháp về thuế sẽ được bù đắp bằng các giải pháp như: Đẩy mạnh công tác xử lý nợ đọng thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, nhất là chống chuyển giá; thực hiện có kết quả cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách thuế mới có hiệu lực thi hành.

Đại diện Bộ Tài chính cho hay, nhiều nước có quy định DNNVV được áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất phổ thông như:

Singapore áp dụng thuế suất phổ thông là 17%, trong đó giai đoạn 2013-2015 thực hiện giảm 30% số thuế TNDN phải nộp nhưng tối đa không quá 30.000 USD/năm và giai đoạn 2016-2017 giảm 50% số thuế TNDN phải nộp nhưng tối đa không quá 20.000 USD/năm với điều kiện doanh nghiệp có doanh thu bán hàng hàng năm dưới 100 triệu đô la Singapore hoặc sử dụng dưới 200 lao động.

Tại Trung Quốc, áp dụng thuế suất ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ là 20% trong khi thuế suất phổ thông là 25%. Hoặc tương tự, ở Thái Lan, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông là 20% nhưng các DNNVV cũng được áp dụng thuế suất ưu đãi ở mức thấp hơn. Theo đó, các DNNVV có thu nhập chịu thuế từ 300.000 baht trở xuống được miễn thuế, từ 300.001 - 3.000.000 baht được áp dụng mức thuế suất 15% và trên 3.000.000 baht áp dụng mức thuế suất 20%.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2017, để thúc đẩy sự phát triển của DNNVV, từ 1/1/2016 - 31/12/2016, Thái Lan thực hiện miễn thuế hoàn toàn cho DNNVV; từ 1/1/2017 - 31/12/2017, DN có thu nhập chịu thuế từ 300.000 baht trở xuống được miễn thuế; doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế lớn hơn 300.000 baht được áp dụng thuế suất 10%.

Bích Diệp