Trước "giờ G" giảm thuế, xe nhỏ cấp tập về Việt Nam

(Dân trí) - Ngày 1/7/2016, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mới chính thức có hiệu lực với quy định giảm thuế suất từ 45% hiện nay xuống 40% đối với các dòng xe dung tích dưới 2.000 cm3 trở xuống… Trong lúc này, các cửa hàng, hãng xe nhập đều đã nhập về lượng xe lớn.

Tại showroom một hãng xe nhập ở Tây Hồ (Hà Nội), ông Phí Hoàng Dũng, chủ cửa hàng cho biết, chỉ trong 1 tháng, khách đã đặt mua trên 50 chiếc xe loại 1.500 cm3 tại cửa hàng của ông. Đây là con số lớn mà một đại lý nhỏ như ông Dũng làm được từ trước đến nay.


Xe hơi dung tích nhỏ đang cấp tập về Việt Nam để đón thuế giảm

Xe hơi dung tích nhỏ đang cấp tập về Việt Nam để đón thuế giảm

Liên hệ với một số đại lý nhập ô tô lớn ở đường Phạm Hùng và Khuất Duy Tiến, các chủ cửa hàng cho biết, từ tháng 3 đến nay các cửa hàng đã nhập về 400 đến 600 xe. Nếu trong tháng 7, số lượng xe bán được nhiều, các doanh nghiệp sẽ nhập số lượng lớn để cung ứng ra thị trường.

Anh Bách - chủ một đại lý bán xe Thái nhập khẩu khẳng định: "Trung bình mỗi tháng cửa hàng tôi tiêu thụ 80 -120 xe, số còn lại đang được khách đặt. Các dòng xe khách đặt nhiều là xe dung tích nhỏ, xe bán tải".

Đứng trước cơ hội và sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ nhập khẩu, một số liên doanh sản xuất và lắp ráp ô tô Việt Nam cũng đưa ra phương án giảm giá hàng loạt xe, đồng thời tính chuyện hỗ trợ các đại lý phân phối chính hãng hoặc showroom tư nhân khi cam kết chiết khấu từ 0,5% – 1% giá bán.

Đại diện một hãng lắp ráp xe lớn tại Việt Nam cho biết, trong tháng 5 và tháng 6, hãng này cũng thực hiện kế hoạch giảm giá đối với một số dòng xe dung tích 1.5L và 2.0L để hỗ trợ khách hàng và phục vụ nhu cầu thị trường.

Theo thống kê của VAMA, số lượng xe tiêu thụ trong tháng 5/2016, tăng mạnh so với cùng với hơn 26.000 chiếc xe, nâng tổng lượng xe tiêu thụ trong 5 tháng của năm 2016 đạt 111.000 chiếc, trong đó có khoảng hơn 61.000 chiếc xe du lịch.

Về xuất xứ, lượng xe sản xuất và lắp ráp trong nước được tiêu thụ trong 5 tháng qua đạt hơn 85.000 chiếc (chiếm gần 80% tổng tiêu thụ). Đại diện của một doanh nghiệp cung ứng xe nhập khẩu cho hay, trong 5 tháng qua số xe nhập khẩu có dung tích lớn từ 3.000 cm3 đến 6.000cm3 vẫn có tỷ lệ mua cao, chiếm từ 7 - 10% tổng lượng xe tiêu thụ. Cá biệt trong tháng 4 và tháng 5/2015 cơ sở này không có xe sang để bán vì nhiều khách tranh thủ mua sớm trước thời điểm tăng thuế.

Nhận định của chủ doanh nghiệp này cho hay, sau 1/7, chắc chắn lượng tiêu thụ các dòng xe nhập, có dung tích lớn sẽ giảm, thay vào đó, các dòng xe nhỏ sẽ lên ngôi.

Theo số liệu của Tổng cục Thống Kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Tổng cục Hải Quan (Bộ Tài Chính), số liệu nhập khẩu xe hơi từ các thị trường như Thái Lan, Ấn Độ và Hàn Quốc trong tháng 4 và tháng 5/2016 vào Việt Nam tăng mạnh.

Riêng ô tô nhập từ Thái tăng mạnh nhất, cụ thể trong tháng 4/2016, đã có 2.355 ôtô nguyên chiếc được nhập khẩu về Việt Nam, giá trị kim ngạch 41,5 triệu USD; 4 tháng năm 2016 là 10.155 chiếc, đạt giá trị kim ngạch gần 183 triệu USD. Trong tháng 5/2016 xu hướng nhập xe Thái vẫn tăng mạnh, ước đạt 12.000 xe, tương đương 195 triệu USD.

Đáng chú ý, theo Tổng cục Hải Quan, các dòng xe Thái Lan nhập vào Việt Nam chủ yếu là dòng bán tải của các thương hiệu Nhật, Hàn, trong số 10.155 xe của 2016 có tới 7.700 xe loại này, chiếm 76%. Các dòng xe nhỏ của Ấn Độ cũng xâm nhập vào Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, chiếm lĩnh phân khúc xe hơi rẻ tại Việt Nam.

Theo nhiều doanh nghiệp, chuyên gia thì các hãng xe tại Việt Nam vẫn ưu tiên nhập xe bán tải từ Thái vì nước này có dây truyền sản xuất xe bán tải có quy mô lớn, độ chuyên nghiệp cao và tỷ lệ nội địa hóa "ăn đứt" các nhà máy tại Việt Nam. Do đó, để tận dụng chi phí và hạ giá thành, nhập xe là tốt nhất.

Còn về các dòng xe nhỏ của Ấn, Hàn và Trung Quốc, lợi thế của các dòng xe này là giá nhập khẩu xe nguyên chiếc về Việt Nam tương đương hoặc chỉ đắt hơn chút ít so với dòng xe lắp ráp trong nước. Người dân vẫn chuộng dòng xe nhập vì tâm lý full option (bản đầy đủ trang bị) so với các dòng xe trong nước.

Chính vì thế mà từ năm 2015 đến nay, các hãng ô tô Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc luôn chiếm lĩnh thị trường ô tô Việt Nam, khiến các nhà sản xuất xe, lắp ráp xe trong nước phải tìm mọi cách để cạnh tranh, nhằm lấy lại thị trường.

Nguyễn Tuyền

Trước "giờ G" giảm thuế, xe nhỏ cấp tập về Việt Nam - 2