Kiểm toán Nhà nước:
Giải ngân vốn đầu tư công chậm do chủ đầu tư sợ trách nhiệm
(Dân trí) - Nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm có yếu tố sợ trách nhiệm của chủ đầu tư khi triển khai, ký duyệt các thủ tục thanh toán, quyết toán...
Tại Hội thảo chuyên đề về đầu tư công do Kiểm toán Nhà nước tổ chức sáng 18/10, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, đầu tư công có vai trò quan trọng trong việc giúp nền kinh tế đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong từng thời kỳ kế hoạch.
"Đầu tư công đóng vai trò là nguồn vốn mồi, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư; việc triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng, có tác động lan tỏa tích cực đến sự phát triển của các ngành, các doanh nghiệp", vị lãnh đạo nói.
Giải ngân vốn đầu tư công chưa như kỳ vọng
Dù vậy, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước nhìn nhận việc giải ngân vốn đầu tư công chưa như kỳ vọng do còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án. "Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, chậm hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng đã kéo dài nhiều năm qua", ông nói.
Ông chỉ ra các nguyên nhân: Thể chế pháp luật chưa đồng bộ giữa Luật đầu tư công với Luật Ngân sách Nhà nước cũng như các pháp luật chuyên ngành, pháp luật hiện hành chưa bao phủ hết hoạt động đầu tư; quy trình, trình tự, thủ tục còn chồng chéo, phức tạp.
Công tác quy hoạch, đấu giá đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn nhiều vướng mắc, bất cập. Các cấp, các ngành chưa thực sự tích cực; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, đâu đó vẫn còn tâm lý né tránh. Năng lực một số chủ đầu tư, nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu.
Công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền, giữa các địa phương, giữa các bộ, ngành còn chưa chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được tăng cường, thiếu hiệu quả…
Bà Cao Thị Minh Nghĩa - Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cũng nhìn nhận giải ngân vốn đầu tư công chưa như yêu cầu.
Đến ngày 30/9, theo số liệu từ Bộ Tài chính, tổng số tiền đã giải ngân là hơn 363.000 tỷ đồng, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng giao. Riêng số vốn giải ngân từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là gần 49.500 tỷ đồng, đạt 38,4% kế hoạch Thủ tướng giao.
Bà Nghĩa nhận định năm 2023 có quy mô vốn đầu tư công tăng lớn, số lượng dự án cần giải ngân nhiều. Đây cũng là năm khởi công hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Cao Lãnh - An Hữu, Vành đai 3 - TPHCM....
Các dự án đều có nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu xây dựng rất lớn, trong khi thủ tục cấp phép, bàn giao mỏ phức tạp, mất nhiều thời gian, chưa phù hợp với nhiều loại hình khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Bên cạnh đó, nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất luôn chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng thu ngân sách nhà nước và giữ vai trò quan trọng trong tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Tuy nhiên, thời gian qua, công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản ảm đạm, thanh khoản thấp; chưa có chế tài đủ mạnh cho các nhà đầu tư trúng giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ…
Một số chủ đầu tư sợ trách nhiệm khi triển khai
Ông Vũ Thanh Hải - Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV - nhận định việc bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung, ảnh hưởng đến khả năng cân đối vốn của nền kinh tế.
Theo ông, còn xảy ra tình trạng bố trí vốn cho các dự án chưa đủ điều kiện, thủ tục đầu tư; bố trí vốn sai nguồn, không đúng đối tượng, mục tiêu; bố trí vốn không sát thực tế, dẫn đến không sử dụng được hoặc phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần…
Nhiều hồ sơ quyết toán gửi đến Kiểm toán Nhà nước còn thiếu sót, nội dung chưa đầy đủ; chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quyết toán còn hạn chế, chưa loại trừ hết sai sót về khối lượng, đơn giá, định mức; quyết toán sai nguồn.
Tình trạng thi công chậm tiến độ xảy ra tại hầu hết các gói thầu, dự án. Một số dự án mặc dù chậm tiến độ, kéo dài nhưng chưa có biện pháp khắc phục; chế tài xử lý, xử phạt trách nhiệm các bên liên quan chưa được thực hiện nghiêm túc.
"Một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa tích cực, thậm chí sợ trách nhiệm khi triển khai, ký duyệt các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn hạn chế", đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết.
Ông Hải cho rằng, để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công cần khẩn trương hoàn thành công tác tổng hợp các yêu cầu cắt giảm kế hoạch vốn của các bộ, ngành, địa phương, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; nếu cần thiết sẽ điều chuyển cho bộ, ngành, địa phương còn thiếu và có khả năng thực hiện và giải ngân.
Đại diện Kiểm toán Nhà nước kiến nghị cần yêu cầu nhà thầu phải có văn bản cam kết tiến độ thực hiện đối với từng hạng mục công trình, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm việc vi phạm tiến độ; trường hợp cần thiết, chấm dứt hợp đồng và thay thế ngay các nhà thầu khác để đảm bảo tiến độ.
Đáng chú ý, theo ông Hải, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm cá nhân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và là người chịu trách nhiệm toàn bộ đối với mọi sai phạm trong suốt quá trình thực hiện đầu tư chứ không phải là trách nhiệm tập thể.