1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giải mã giá vàng “tăng mạnh, xuống nhanh”

(Dân trí) - Tăng mạnh và xuống nhanh, giá vàng trong nước phiên hôm qua đã “làm xiếc” khi tiến rất gần đến mốc 45 triệu đồng/lượng rồi lại lùi về mốc 44 triệu đồng/lượng lúc cuối ngày.

Các nhà chuyên môn khuyên người dân nên thận trọng, bởi “bong bóng” vàng có thể “xì hơi” bất cứ lúc nào.
 
Cầu ảo khiến giá vàng tăng mạnh, xuống nhanh.
Cầu ảo khiến giá vàng tăng mạnh, xuống nhanh.
 
Cầu ảo

Mở đầu phiên giao dịch sáng qua 23/8, giá vàng SJC được điều chỉnh tăng hơn 1 triệu đồng/lượng so với chốt phiên trước đó, lên mức 44,8 triệu đồng/lượng. Đến khoảng 10h, giá bật lên mốc 44,9 triệu đồng/lượng. Dù điều chỉnh theo tín hiệu thế giới nhưng giá vàng trong nước vẫn cao hơn gần 3 triệu đồng/lượng (đã trừ chi phí).

Thị trường vàng trong nước đang diễn biến hết sức phức tạp, giá liên tục “leo thang” trong vòng 3 ngày gần đây với mức tăng tổng cộng 1,8 triệu đồng/lượng (từ mức 43,1 triệu đồng/lượng lên 44,9 triệu đồng/lượng phiên sáng qua). Tuy nhiên, trong phiên chiều thị trường lại chứng kiến cảnh “giảm dần đều” của mặt hàng kim loại quý khi chốt phiên về mốc 44 triệu đồng/lượng (mua vào) - 44,38 triệu đồng/lượng (bán ra).

Sức mua này dù tăng nhiều so với những hôm vắng vẻ, nhưng không phải là quá nóng. Theo ghi nhận của phóng viên, có thời điểm người dân đến tham khảo giá và nghe ngóng tại cửa hàng vàng khá đông nhưng không còn cảnh chen nhau để cố mua bằng được kim loại quý này.

Nói về lý do khiến giá vàng trong nước tăng vọt, ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, cơn sốt giá vàng trong nước từ 21/8 đến hôm qua có 3 nguyên nhân. Thứ nhất là giá thế giới tăng mạnh và đứng ở mức cao từ thứ 6 tuần trước đến nay (hôm qua, có thời điểm vàng giao ngay lên mức 1.660,5 USD/ounce). Đây gần như là mức tăng cao nhất trong vòng một vài tháng nay khi trước đó, giá luôn ở dưới ngưỡng 1.600 USD/ounce.

Thứ hai, các nhà đầu tư bắt đầu tin vào xu hướng tăng vững vàng của giá vàng khi kim loại này tăng vài ngày liên tiếp trong bối cảnh Trung Đông có vấn đề, châu Âu chuẩn bị tung gói kích cầu. Trước đó, trong ngày tăng đầu tiên, phần lớn những người đầu tư đều khá e dè với mức tăng vài trăm nghìn đồng/lượng của giá vàng trong nước.

Thứ ba là do nguồn cung vàng không tăng thêm, trong khi nhìn xu hướng tăng vững vàng, ai cũng muốn mua nên càng đẩy giá tăng mạnh hơn. Đây cũng chính là nguyên nhân giá vàng trong nước tăng nhanh và cao hơn thế giới gần 3 triệu đồng/lượng.

Nhìn vào xu thế giao dịch trên thị trường, ông Hải cho rằng, giới mua vàng thời điểm này là nhằm các mục đích đầu cơ, chốt lỗ. Bởi trước đó, khi giá vàng về vùng giá thấp, một số người dân, doanh nghiệp và cả tổ chức tín dụng đã mua vào để bán ra nay thấy giá vàng lên, lo ngại phải mua để cắt lỗ… nên thị trường mất cung cầu về vàng. “Thời điểm vàng ở mốc giá 43 triệu đồng/lượng, thị trường xuất hiện một lực cầu lớn là do vậy”, ông Hải nhấn mạnh.

Coi chừng “bong bong” vỡ


Trả lời câu hỏi của phóng viên về diễn biến trên thị trường vàng mấy ngày hôm nay, liệu có thái quá so thực tế, ông Đỗ Minh Phú, Tổng Giám đốc Tập đoàn DOJI, cho rằng: Thị trường vàng vào những thời điểm nhạy cảm bao giờ cũng biến động đi lệch với biên độ của thị trường quốc tế. Mấy hôm nay, thị trường quốc tế giá tăng và nếu so với thời điểm đầu tuần, có lúc chênh lệch đạt tới 40 USD/ounce, tức khoảng 2,6%. Ảnh hưởng đà tăng của thị trường thế giới, giá vàng trong nước tăng theo đã là một quy luật trước nay đều như vậy.

Theo ông Phú, một số thông tin trên thị trường tài chính cũng có tác động một phần đễn diễn biến giá vàng mấy ngày qua. “Nhưng quá trình này sẽ diễn ra ngắn thôi, không dài, bởi tới bây giờ số chênh lệch vẫn còn nhưng không còn sự biến động đột ngột hay có sự thay đổi hơi bất thường so với biên độ khi giá vàng quốc tế tăng”, ông Phú nói.

Bình luận về tâm lý nhà đầu tư hiện nay, ông Phú cho rằng, vàng với người châu Á nói chung và với người Việt Nam nói riêng vẫn là một kênh đầu tư rất ưa thích. Với vàng vật chất, người dân có thể tiết kiệm, mua được 1 chỉ vàng họ cũng có thể nghĩ giá vàng có thể thay đổi. Ngoài ra, vàng là kênh đầu tư có tính thanh khoản cao nên cũng có thể kiểm soát tốt, do đó, người dân có thể mua vàng, giữ vàng, lựa chọn vàng, khi cần thiết thì bán đi. Nhất là trong bối cảnh, ngoại tệ hầu như không tăng giá trong một khoảng thời gian dài (và nếu như theo cam kết của Ngân hàng Nhà nước 1 năm tăng không tới 2%); bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán èo uột…

Dù vàng là một kênh đầu tư khá được người dân lựa chọn lúc này, nhưng theo giới chuyên gia, giá vàng đột ngột tăng cao trong 3 ngày qua có dấu hiệu chỉ là tăng "ảo", có thể bị "xì hơi" trong vài ngày tới nên người dân cần cẩn trọng để tránh bị thiệt hại. Điển hình như ngày hôm qua, tăng nhanh lên mốc 44,9 triệu đồng/lượng trong phiên sáng, đến cuối ngày giá vàng đồng loạt giảm hơn 500.000 đồng/lượng, về vùng giá 44,38 triệu đồng/lượng.

Cũng theo ông Phú, sự trồi sụt của giá vàng trong nước thường gắn liền với thị trường quốc tế, mà thị trường quốc tế lại diễn biến vào đêm ở Việt Nam, nên đây cũng là điều nhà đầu tư phải hết sức cẩn trọng.

“Chúng tôi cho rằng, giá vàng tại thời điểm này không phải đang trong một quá tình tăng bền vững, nếu so với thời điểm này của giá vàng năm 2011 thường ở một chu kỳ tăng và đi theo một khuynh hướng khá chắc chắn. Hiện thị trường vàng quốc tế cũng đang có những biến động, nhưng không phải là những biến động bứt phá như những năm trước. Nếu đầu tư vào vàng với quan điểm đầu tư ngắn hạn và lướt sóng thì phải xem xét rất kỹ”, ông Phú nhấn mạnh.

Hơn nữa, ngay cả những nhà đầu tư nước ngoài, ngay tại thời điểm hiện nay họ cũng không đánh giá tỉ lệ tăng từ đầu năm đến cuối năm sẽ đạt tốc độ tăng 30% như những năm trước. Thế nên năm nay, theo đánh giá của nhà chuyên môn, “cũng là một năm khá đặc biệt, bình thường vào thời điểm này, giá vàng quốc tế đã có những biến động hơi bất thường, tức là tăng hơn nhiều so với quý I. Năm nay vào thời điểm tháng 8, chúng tôi thấy, trên thực tế không tăng nhiều như vậy”.

An Hạ - Mai Chi